Báo Đồng Nai điện tử
En

Xa lạ và quen thuộc

10:01, 31/01/2020

Sau 2 tiếng ngồi tàu, gia đình ông đến ga London lúc 11 giờ 40. Tiếng là đã ở Anh mấy ngày, nhưng là ở một thị trấn vùng nông thôn phía Bắc, bây giờ ông mới thực sự đặt chân lên thủ đô nước Anh. Chưa biết đường phố, nhà cửa thế nào mà cảm giác lạ lẫm đã đến ngay với ông từ chiếc taxi mình vẫy.

Truyện ký của Khôi Vũ

Sau 2 tiếng ngồi tàu, gia đình ông đến ga London lúc 11 giờ 40. Tiếng là đã ở Anh mấy ngày, nhưng là ở một thị trấn vùng nông thôn phía Bắc, bây giờ ông mới thực sự đặt chân lên thủ đô nước Anh. Chưa biết đường phố, nhà cửa thế nào mà cảm giác lạ lẫm đã đến ngay với ông từ chiếc taxi mình vẫy.

Nét cổ kính của London - thủ đô nước Anh
Nét cổ kính của London - thủ đô nước Anh. Ảnh: T.L

Chiếc xe taxi màu đen, loại cổ, đầu dài, đuôi ngắn, bên hông có hình quảng cáo trên nền màu trắng của hãng mỹ phẩm Clinique. Người lái xe ngồi bên phải băng trước - theo Luật Giao thông của Anh -  hai băng sau bố trí để khách ngồi quay mặt vào nhau, cách một khoảng trống để hành lý. Ông ta mở cửa trước phía trái hướng dẫn khách đặt hai chiếc vali nhỏ ở ghế bên cạnh chỗ của mình, để bốn người ngồi phía dưới được thoải mái hơn...

Xe lăn bánh trên đường phố, không thể nhanh vì ngay đoạn từ ga tàu, xe cộ đã lưu thông khá đông. Lại có chỗ phải dừng đợi. Những tòa nhà lớn, có nơi cao vút lên bầu trời, xen kẽ với những tòa nhà thấp hơn, đều khoác chiếc áo cổ màu tối, không thấy màu sơn trắng. Ông nhìn đồng hồ tính cước. Mỗi lần nhảy số là 20 pend chứ không phải chỉ 10 hay 11 pend như ở vùng nông thôn Huddersfield. “London mắc mỏ quá!”. Ông nói với con gái khi thấy con phải trả 26 bảng cho một quãng đường không xa.

Hơn mười hai giờ trưa mà không thể check in khách sạn. Người tiếp tân cho biết ở đây giờ check in là 14 giờ 30. Vậy là phải đổi lịch. Gửi hành lý rồi đi ăn, đi tham quan đến chiều trở về mới nhận phòng.

- Con đã mua vé big bus. Nhưng có lẽ mình đi thử metro cho biết - con gái ông đề nghị và cả nhà đồng ý.

Một nhân viên ở ga metro khuyên nên mua vé có giá trị đi suốt buổi không tính chuyến sẽ tiết kiệm hơn. 12 bảng mỗi vé, vị chi là 36 bảng. Không chừng đi taxi lại rẻ hơn? Có lẽ cả ba người lớn đều nghĩ thế nhưng không ai nói ra. Buổi trưa mà khách đi tàu vẫn đông. Trạm dừng không khác gì trạm MRT ở Singapore quen thuộc nên cả nhà ai cũng tự tin, kể cả đứa cháu. Cả nhà đã đứng chung chỗ một cửa lên thì bị khách đến sau chen lấn tách làm hai lúc nào không biết, bà xã ông một mình đứng ở cửa lên phía trước. Tàu dừng. Cửa lên nơi ông đứng với con gái và đứa cháu không có khách xuống, chật như nêm nên không thể bước vào. Con ông gọi mẹ đợi chuyến sau nhưng bà xã ông đã lên tàu và tàu bắt đầu đóng cửa lướt đi...

- Chết rồi, phải làm sao đây? - ông hoảng hốt.

- Mẹ không giữ vé tàu nên không thể ra khỏi bất cứ ga nào - con gái ông bình tĩnh hơn - nhưng ngặt là mẹ không biết phải xuống ở đâu. Vì vậy mình đi chuyến sau, sẽ phải xuống từng ga để tìm... Hy vọng là mẹ xuống đợi ở một ga nào đó gần thôi...

Chuyến tàu kế tiếp dừng đón khách. Vẫn đông nhưng cha con ông quyết định cứ lên, đứng chen chân gần cửa sổ. Tàu dừng. Ba người vội xuống tàu để tìm người. Suốt mấy nơi đứng đợi đều không thấy. Lại phải lên chuyến tàu kế đi tiếp. Lại xuống tàu lần thứ nhì, vẫn không thấy người đi trước. Lần thứ ba lên tàu. Lần này khi tàu chuẩn bị dừng thì con ông đã thấy mẹ ngồi một mình trên chiếc ghế đợi bên dưới trạm. Ba người trên tàu xuống trạm với niềm vui không thể không thốt nên lời: “Mẹ kia rồi!”, “Cảm ơn Trời Phật”, “Bà ngoại ơi, bà ngoại đừng sợ nữa”.

Trong lúc cả nhà cùng đợi chuyến tàu sau, bà xã ông kể là sau khi lên tàu đã đi ngược lại toa sau để tìm mọi người. Không thấy ai, vợ ông đã hoảng hốt liên tục vẹt đám đông khách “sorry” và gọi tên ông, tên con gái. Hai lần tàu dừng mà tìm không thấy người nhà, bà xã ông mới quyết định xuống trạm ngồi chờ và... cầu nguyện.

***

Từ ga metro xuống, cả nhà phải đi thêm một chặng xe buýt mới đến nơi muốn đến. Từ xa, đứa cháu ông đã chỉ vào dòng người xếp hàng dài phía bên kia đường, di chuyển chậm về phía một cửa ra vào. “Long queue!”. Nó nói. Mẹ nó trấn an: “Mẹ đã đặt vé trước nên mình không phải xếp hàng đâu, mình sẽ vào bằng cửa vào ưu tiên”.  

Đã vào bên trong bảo tàng sáp Madame Tussauds, ông vẫn chưa hiểu trong này có gì. Cũng vì lịch trình là do con gái thiết kế, ông không biết để xem tài liệu trước.

- Đây là bảo tàng trưng bày tượng sáp những người nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực khác nhau - con gái ông giải thích - mình sẽ chụp ảnh chung với tượng sáp của những ai mà mình ngưỡng mộ để làm kỷ niệm, bố ạ.

Ông khẽ mỉm cười khi nghĩ đến việc bao du khách phương xa tìm đến đây xếp hàng mua vé, rồi đứng nối đuôi nhau vào bảo tàng, chỉ để được chụp ảnh chung với những bức tượng bằng sáp. “Cái việc tưởng như tào lao ấy mà sao lại hấp dẫn được mọi người đến thế?”.  

Chọn ư? Ông nghĩ tốt nhất là chụp chung với càng nhiều tượng càng tốt. Vấn đề là có kịp thời gian đã định hay không! Con ông thông báo, sau nơi đây, cả nhà sẽ đi London Eye lên vòng quay ngắm London rồi mới trở về khách sạn. Ông nhớ lại chuyến đi Hong Kong năm nào, đoàn của ông được đưa đến khu du lịch có bảo tàng sáp, nhưng lần ấy hầu như không ai mua vé vào vì chọn đứng ngắm thành phố từ trên cao thú vị hơn... Kinh nghiệm đi du lịch cho ông một bài học, là đã đến nơi nào, hãy khám phá càng nhiều càng tốt vì đâu biết mình có lần thứ nhì trở lại hay không?

Bảo tàng tượng sáp cũng thế, nếu không có chuyến đi này thì ông đã không có những tấm ảnh với những người còn sống như Bill Clinton, Obama ở tận nước Mỹ, Nadal ở xứ Tây Ban Nha... và những người đã mất như: Tổng thống Kennedy, nhà bác học Einstein, cô đào Marylin Monroe... Ở chỗ đặt tượng hoàng gia Anh, khách không được vào đứng chung và tự chụp. Một anh thợ ảnh của bảo tàng là người độc quyền làm việc này, chụp cho mỗi nhóm du khách hai tấm, trước khi chụp tấm thứ hai, anh đưa ra cái mũ hoàng gia và lá cờ Anh cho khách tùy ý sử dụng, tạo dáng. Anh dặn: “Quý khách đến quầy ảnh xem trước, nếu ưng ý thì trả tiền lấy ảnh, không ưng thì thôi”. Không ai bảo ai, cả nhà ông cùng đứng đợi đến lượt vào chụp ảnh với tượng gia đình nữ hoàng Anh... Chắc chắn lát nữa, ông sẽ mua một tấm để làm kỷ niệm...

***

Trời lấm tấm mưa lúc cả nhà đến khu vực vòng xoay London Eye. Thời tiết này thì ngắm cảnh chẳng sao đã mắt được. Nhưng đã đặt vé trước, lịch tham quan cũng khít, không thể dời đổi. Lại nữa, cả mẹ con con gái ông sống mấy năm ở Singapore, nơi cũng có vòng quay thuộc hạng tốp thế giới, và bà xã ông nữa, mà vẫn chưa lần nào bước vào một cái buồng kính của vòng xoay bên ấy. Ông cũng chỉ có một lần duy nhất một mình khám phá, chẳng thích thú gì.

Cái buồng kính chứa hơn chục người từ từ được nâng cao khỏi mặt đất. Phía dưới là dòng sông Thames cùng những con tàu di chuyển chầm chậm như những chiếc lá rơi trôi trên mặt nước. Về một phía, cuối chiếc cầu Westminster là tòa nhà quốc hội Anh và tháp Big Ben mờ nhòe vươn lên trong màn mưa. Đến vị trí cao nhất của vòng xoay, ông và gia đình mới chụp mấy bức ảnh kỷ niệm. Biết là không đẹp như ý nhưng vẫn cứ chụp. Liệu có lần thứ hai như thế này không? Ông nhớ lại mấy ngày ở Huddersfield, ông đã chụp nhiều bức ảnh của nhà thờ thị trấn với cái tháp chuông mà dân địa phương gọi là Big Ben của Huddersfield, vui vui khi nghĩ dễ có mấy du khách được hai lần gặp Big Ben như mình...

Ngày hôm sau, theo lịch trình, gia đình ông sẽ đi big bus xuống đầu bên này cầu Westminster rồi đi bộ qua phía bên kia, chiêm ngưỡng tận mắt tháp Big Ben. Mong sao trời không mưa để chuyến tham quan được trọn vẹn...

***

Phòng đặt tại khách sạn Grand Plaza nằm trên tầng ba, phải lên bằng chiếc cầu thang sắt ở phía ngoài. Từ phòng tiếp tân, cả nhà phải đi qua một khoảnh sân có nhà hàng nhỏ với vài thực khách ngồi nhâm nhi cà phê, bánh ngọt. Anh nhân viên phục vụ giúp đưa mấy cái vali lên phòng rồi lịch sự chúc cả nhà “good night”.

Phòng rộng khoảng ba mươi mét vuông, tương đương phòng khách nhà ông ở tỉnh, bằng hơn nửa diện tích căn hộ chung cư con ông thuê ở đảo quốc Sư Tử. Vậy là quý lắm rồi! “London đắt đỏ!” với ngày thứ nhất nhiều cung bậc cảm xúc, coi như kết thúc trong căn phòng ấm cúng này. Nó là phòng dành cho gia đình thuê ở nên có cả một khoảnh dành cho việc bếp núc với đủ các vật gia dụng nấu nướng. Hai người phụ nữ cùng ra tay làm bếp với những món ăn đóng gói đem theo: mì, phở, bánh đa...

Ờ, London lạ quá! Lạ nhất là bên những chiếc taxi dáng cổ, bên giờ check in không giống ai, vé metro theo thời gian không tính chuyến, vòng quay vẫn đông khách dù trời mưa... thì vẫn có một căn phòng gia đình quen thuộc cùng với “mùi Việt Nam” nức mũi...

“Bố mẹ nhớ hôm nay là ngày gì không? Ngày Valentine!”. Con gái ông vừa đặt tô bánh đa cua lên cái bàn nhỏ trước mặt ông vừa nói.

Ông nhìn một lượt những người thân trong căn phòng nhỏ hẹp. Ở một nơi xa lạ như thế này, ông vẫn cảm nhận được rất rõ không khí gia đình thân yêu và quen thuộc. Ông nói khẽ để một mình nghe: Family Valentine.

K.V

Tin xem nhiều