Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp "Mai"

09:01, 10/01/2020

Truyện ngắn của Khôi Vũ

Khu phố ông ở vốn là một xóm ngoại ô đang được nâng dần lên thành phố trung tâm. Thực ra là việc này đã được thực hiện từ hàng chục năm nay bắt đầu bằng việc nâng cấp hành chính từ xã lên phường, ấp thành khu phố.

Khu phố ông ở vốn là một xóm ngoại ô đang được nâng dần lên thành phố trung tâm. Thực ra là việc này đã được thực hiện từ hàng chục năm nay bắt đầu bằng việc nâng cấp hành chính từ xã lên phường, ấp thành khu phố. Con đường ngang qua xóm được mở rộng, có lề đường đến bốn mét. Nhiều nhà mặt tiền được xây dựng lại khang trang, hiện đại với ba, bốn tầng.

Nhà ông có mặt tiền rộng đến sáu mét, hình chữ L, ông chừa hẳn mét rưỡi bên hông nửa nhà trước làm lối đi vào nhà sau. Phòng ngoài cùng còn lại bốn mét rưỡi chiều ngang, sâu sáu mét, ông cho nhiều người thuê đều chỉ được hơn năm là trả. Lần gần đây nhất, căn phòng được một người phụ nữ tới thuê mở tiệm bán bánh cuốn nóng. Cô này tên Mai, có chồng đi làm ăn xa, một tháng mới về thăm nhà một lần, và thằng con trai tên Hảo đang học THCS.

 Gia đình cô Mai có căn nhà nhỏ trong hẻm cách quốc lộ khá sâu. Thằng Hảo không dám ở một mình nên trong ngày, ngoài giờ đi học, nó ra phụ má. Bánh cuốn chỉ bán buổi sáng đến tầm mười giờ. Nửa năm đầu, hàng bán ế, cô Mai đã tính trả phòng. Sau suy tính sao đó, cô đặt thêm chiếc xe nước mía bán cho khách qua đường và mở cửa suốt ngày, có lẽ để thử thời vận một thời gian nữa xem sao. Đúng lúc này thì xảy ra một việc bất ngờ. Một anh nhà báo ghé uống nước mía thấy thằng bé phụ má xong là ngồi vào cái bàn trong góc chăm chỉ học bài, làm bài. Mấy lần gặp như thế, anh hỏi chuyện và viết một bài Gương mặt đời thường về thằng Hảo rồi đăng báo. Từ đó có nhiều người ghé lại tiệm bánh cuốn ăn sáng hay ghé uống nước mía hơn. Cô Mai không còn lo phải trả phòng trước hợp đồng nữa! Thỉnh thoảng, cả nhà ông cũng ra ăn sáng, gọi là ủng hộ tiệm bánh cuốn, cô Mai thường ưu tiên dọn ra những đĩa bánh đầy hơn của khách thường.

***

Gia đình tam đại đồng đường sáu người của ông sống ở hai căn phòng rộng phía sau và trên lầu. Tiền cho thuê nhà, tiền lương hưu của hai ông bà, tiền lương của vợ chồng anh con trai, tương đối giúp đời sống kinh tế của gia đình ông dễ thở. Giàu thì không đến mức nhưng khó khăn thì cũng chẳng đến nỗi bị xếp hạng.

Từ khi về hưu, ông quyết thực hiện cái thú chơi mai dịp Tết của mình mà khi còn đi làm, ông đã giao cho anh con trai lo chuyện hoa hòe ngày Tết. Ông vốn là cựu công chức ngành nông nghiệp, chỉ tiếc là ông làm việc hành chính văn phòng nên không có chuyên môn trồng trọt, nhiều năm liền lận đận với những chậu mai tậu từ chợ hoa Tết của tỉnh về vào một ngày sau ngày đưa ông Táo về trời.

Cây mai đầu tiên ông mua về chơi Tết là vào năm đầu tiên ông về hưu. Nó được trồng trong cái chậu gốm khá lớn, là loại mai giảo, thế mẫu tử. Nhà vườn khéo chăm bón nên từ ngày ba mươi, cây mai đã nở được một nửa số nụ xanh chi chít, bông mai nhiều cánh vàng rực đến là thích mắt. Cây mai này ông để trong phòng khách, chơi đến mồng mười mới bảo con trai chuyển lên khoảng sân thượng mười mấy mét vuông mà dưỡng cây theo lời chỉ dẫn của người bán mai. Rảnh rỗi, ông cũng mở Google tra tìm tài liệu về cách chăm sóc cây mai sau Tết. Ông làm đúng tất cả hướng dẫn. Nào là cắt bỏ hết những bông tàn, bông kết hạt để cây không bị mất sức, rồi cắt tỉa cành nhánh cho gọn, rồi vô phân đợt đầu, đợi tới đầu mùa mưa thì thay đất, vô phân lần nữa… Vậy mà đến cuối mùa mưa, còn cách Tết hai, ba tháng, cây mai bị rụng một ít lá, rồi trổ nụ, rồi nở lác đác bông. Ông tiếc, để chơi vài ngày rồi ngắt bỏ, hy vọng cây sẽ cho đợt bông sau vào dịp Tết. Tiếc rằng trời phụ lòng ông. Hăm lăm, hăm sáu tháng Chạp mà nó chỉ nở được hơn chục bông, số nụ xanh cũng chỉ tương đương. Tết ấy, ông phải ra chợ hoa mua một cây mai khác để chơi.

Năm thứ hai, ông lại ra sức chăm sóc cho cả hai cây mai. Vẫn theo đúng các bài bản được hướng dẫn. Kết quả là Tết kế đó, ông vẫn phải mua cây mới về bày ở phòng khách. Cây thứ nhất rụng hết lá, coi như xong. Cây thứ nhì cũng chỉ cho bông lèo tèo. Anh con trai nói:

 - Ba không có “tay” dưỡng mai rồi. Cứ mỗi năm ba mua một cây mới về chơi, coi như bỏ ra một món tiền mua niềm vui chục ngày Tết cũng được mà. Cây mai cũ, để con bảo thằng bạn nhà có vườn nó đem về dưỡng xem sao.

Ông gật đầu cái rụp. Chứ cái sân thượng nhỏ xíu của nhà trồng đủ thứ cây hoa kiểng cũng chỉ có chỗ đặt hai chậu mai là đã nhìn chật mắt rồi.

Năm thứ ba, ông mua chậu mai mới về chơi, khá ưng ý dù nó chỉ là loại mai năm cánh truyền thống, thế trực, nụ bông chi chít từ dưới gốc lên đến ngọn. Đang ngắm mai thì có điện thoại. Đầu bên kia là tiếng cậu bạn con trai ông:

- Bác ơi, bác mua mai chưa ạ. Nếu chưa thì để cháu chở cây mai năm rồi của bác đến. Nó ra bông khá lắm bác ạ. Cành nhánh nào cũng vàng rực.

- Thế à… Anh giỏi thật đấy. Nhưng… tôi đã mua cây mới rồi. Anh cứ để lại mà chơi. Mồng hai, cha con tôi đến nhà anh ngắm nó là được rồi…

Con trai ông nghe ông kể cũng phấn khởi ra mặt:

- Ba thấy chưa! Trồng cây cứ phải là có “tay” thì mới thành công.

Năm ấy ông lại cho một anh bạn khác của con trai mình cây mai năm cánh truyền thống thế trực. Nhà anh này không có vườn nhưng có khoảnh sân thượng rộng gấp đôi nhà ông. Ông nghĩ thầm: “Biết đâu anh này cũng có “tay” dưỡng mai thành công như anh kia để mình lại có dịp đến ngắm ngày mồng hai”.

Kết quả đúng như ông nghĩ. Cây mai truyền thống thế trực ra bông tuy không rực rỡ như năm trước nhưng cũng được một tám một mười khiến ông phải tấm tắc khen chủ nhà khi cùng con trai đến chúc Tết, ngắm mai ở nhà anh ta. Quành lại nhà anh có vườn, ông cũng thấy cây mai ở đó nở bông vàng khắp các cành nhánh.

Từ đó ông quyết định sẽ không tự mình dưỡng mai nữa, mà chỉ mua cây mới, qua Tết thì cho ai đó đem về dưỡng. Mấy ngày Tết ông có buổi chiều ngày mồng hai, sau khi anh con trai cùng gia đình đi chúc Tết bên vợ về, chở ông đi một vòng ngắm kết quả những cây mai của mình, được “tá túc” ở các nhà khác nhau. Ông thật vui khi hầu hết chúng đều cho bông khá đẹp. Cũng có một cây thất bại như cây mai đầu tiên của ông. Tình cờ sao, người thất bại này đã nói giống ông: “Chắc tại cháu không có “tay” dưỡng mai bác ạ”. Ông cười xòa:

-  Thì cứ coi như mình có “tay” ngắm mai vậy!

Là ông nói để an ủi chủ nhà thế thôi - mà cũng để tự an ủi cái đận dưỡng mai thất bại của mình. Chứ thật tâm, ông vẫn muốn tự tay mình có thể chăm được một cây mai ra bông dịp Tết. Muốn lắm chứ!

***

Hăm tám Tết năm ngoái, ông mua mới về một cây mai trồng trong cái chậu gốm đường kính bốn mươi phân. Đó là một cây mai thuộc nhóm trung bình, phù hợp với túi tiền của giới “không giàu không nghèo” như ông. Lúc anh xe ôm chở chậu mai về trước nhà ông thì cô Mai đang quét dọn trong phòng, dội nước rửa ngoài lề đường để đóng cửa nghỉ Tết. Nhìn cây mai, cô khen:

- Bác mua cây mai đẹp quá! Chơi Tết xong, bác chăm cho cây, thế nào sang năm nó cũng lại ra bông đẹp…

Ông cười hà hà:

- Tiếc là tôi không có “tay” dưỡng mai. Mấy năm trước, tôi đã hai lần thất bại với hai cây mai rồi…

- Thế năm sau đó thì sao ạ?

- Làm gì có năm sau đó nữa. Từ ấy chơi Tết xong, tôi cho người ta luôn…

- Phí quá! Năm nay bác cứ để lại nhà đi. Da cây mai này màu nâu lợt, chưa có u nần gì nghĩa là cây còn non, có thể chơi hai ba năm nữa đó. Cháu sẽ hướng dẫn bác cách chăm sóc. Nhà ba má cháu ở Sa Đéc, có vườn trồng mai nên cháu cũng học đòi được đôi chút kinh nghiệm.

- Thế thì có khi tôi sẽ làm theo lời cô thử một năm xem sao…

Trong năm, càng ngày ông càng có cơ sở đặt thêm niềm tin vào cô Mai vì những hướng dẫn của cô có nhiều điểm khác với “sách vở Google”. Chuyện nhỏ như phải lót dưới đáy chậu một lớp cát giúp thoát nước dễ dàng, khi thay đất mới. Mà đất mới cũng phải thật là “mới”, anh con trai xin ở vườn nhà bạn chở về chứ không phải lấy từ chậu cây khác qua trộn với đất hữu cơ mua từng bao ngoài vườn cây kiểng. Chuyện quan trọng hơn là kinh nghiệm tưới nước nhiều hay ít theo thời tiết và giai đoạn phát triển của cây mà trước giờ ông vẫn xem thường… Gần cuối mùa mưa, cây mai lác đác nở vài bông và ông nghe lời cô Mai ngắt bỏ tất cả. Được dẫn lên sân thượng xem mai, cô chủ tiệm bánh cuốn nói: “Hầu hết lá vẫn xanh mướt thế này, chắc chắn Tết năm nay bác sẽ có chậu mai đẹp”.

Ông mong rằng lời tiên đoán của cô Mai trở thành thực tế. Từ hôm ấy ông đếm từng ngày đến Tết và tuân thủ mọi hướng dẫn về việc tưới cây. Hóa ra chẳng có công thức cứng nhắc nào về việc tưới nước mà phải tùy hẳn vào thời tiết…

Ngày đưa ông Táo về trời, ông lặt lá cây mai. Những cái búp nụ hiện ra nơi nách lá, có búp đang bung lớp vỏ trấu lộ ra những cái nụ nhỏ xíu màu xanh ẩn bên trong. Ông mừng quá, xuống nhà nhất định bắt cô chủ tiệm bánh cuốn theo mình lên sân thượng để xem…

***

Chiều mồng hai Tết, ông vẫn bảo anh con trai chở đi ngắm mai ở nhà mấy cậu có “tay” dưỡng mai. Tới nhà nào ông cũng bảo con mở máy điện thoại, khoe ảnh cây mai do ông chăm sóc một năm qua nở hoa khá là bắt mắt. Ở đâu, ông cũng nói thêm:  

- Tự tay mình làm được việc gì đó có kết quả, trong lòng nó sướng ngất ngây làm sao ấy...

K.V 

Tin xem nhiều