Từ bao đời nay, đi chợ Tết là một phong tục truyền thống gắn với bao thế hệ người Việt. Ngày Xuân đi chợ Tết truyền thống như chứa đựng trong đó tất cả các gam màu với đủ "mùi" lẫn "vị" của Tết cổ truyền dân tộc.
Từ bao đời nay, đi chợ Tết là một phong tục truyền thống gắn với bao thế hệ người Việt. Ngày Xuân đi chợ Tết truyền thống như chứa đựng trong đó tất cả các gam màu với đủ “mùi” lẫn “vị” của Tết cổ truyền dân tộc.
1. Những ngày giáp Tết này, không khí chợ Tết ở Biên Hòa - Đồng Nai đã rất rộn ràng. Chợ Tết thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp - ngày cúng ông Công ông Táo và kéo dài đến ngày 30 Tết. Từ chợ tỉnh đến chợ huyện, chợ xã, chợ ấp, khắp nơi rất nhiều sản phầm, hàng hóa như: thực phẩm tươi sống, rau củ quả đến bánh trái xếp từng dãy dài… được người dân bày bán. Những loại nông sản này được vận chuyển từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các địa phương trên địa bàn tỉnh trồng trên các rẫy hay thu hái từ rừng.
Các em thiếu nhi tham quan gian hàng thư pháp Việt trong chương trình Phiên chợ ngày Tết do Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Nga Sơn |
Bắt mắt nhất trong chợ Tết có lẽ vẫn là hoa Tết. Mặc dù hoa Tết đã có ở chợ hoa, song ở các chợ truyền thống hay các chợ ở ấp, khu phố xa trung tâm, hoa vẫn được xem là một trong những mặt hàng không thể thiếu, bởi thiếu hoa thì Tết năm đó “thiếu hẳn mùa Xuân”. Hoa ở chợ truyền thống không phong phú, chủ yếu là cúc, vạn thọ, lay ơn… để chưng bàn thờ, cúng tổ tiên. Người Biên Hòa - Đồng Nai đi chợ Tết mua hoa ngoài việc để mua hay ngắm hoa còn để cảm nhận một cách rõ ràng hơn công việc của những người trồng hoa và bán hoa Tết.
Ở độ tuổi 60, bà Lê Thị Minh (KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vẫn giữ nếp sinh hoạt đi chợ Tết hằng năm. Dù có đi đâu, làm gì, ngày giáp Tết bà cũng trở về để có mặt trong vài buổi chợ. Đi chợ, có lúc để bán hoặc không có gì bán, cũng chẳng mua sắm gì nhiều nhưng đi để được ngắm nhìn, để được lắng nghe chút không khí của ngày Tết.
“Nhớ mãi hồi bé, tôi rất thích theo mẹ đi chợ Tết. Mỗi lần đi, bao giờ tôi cũng khệ nệ tay xách nách mang theo mẹ đủ thứ, mệt nhưng vui lắm. Thường thì Tết nào chúng tôi cũng phải đi mất vài ba bận mới mua sắm hết các thứ cần thiết. Đi chợ Tết cũng khá vất vả vì người mua đông hơn so với ngày thường, phải chen nhau. Giá cả ngày Tết có tăng nhẹ nhưng phù hợp và người mua cũng chấp nhận được nên rất ít khi “mặc cả” với nhau” - bà Minh bộc bạch.
2. Là người có nhiều năm nghiên cứu về hoạt động chợ ở Đồng Nai nói riêng và Đông Nam bộ nói chung, TS.Lê Quang Cần cho biết, chỉ có vào ngày Tết, các chợ truyền thống mới trở nên bừng sáng hơn với muôn màu sắc của hoa, trái… Không gian chợ mang tính xởi lởi, tạo nên diện mạo văn hóa cộng đồng mộc mạc, thấm đượm tình làng, nghĩa xóm. Chợ Tết vừa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, khách du lịch vừa mang đến đặc trưng riêng trong truyền thống văn hóa của dân tộc.
“Ở chợ Tết, nhất là chợ ở vùng quê, người bán người mua không “tiếc” trao nhau nụ cười, lời thăm hỏi thân tình đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Chính văn hóa chợ truyền thống nói chung và chợ Tết nói riêng góp phần lưu giữ, lan tỏa, tiếp biến văn hóa của người dân mỗi địa phương, vùng miền trong nước, khu vực và thế giới” - TS.Lê Quang Cần nói.
Để góp phần bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa độc đáo của Tết cổ truyền, hiện nay ở nhiều trường học, bảo tàng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các phiên chợ ngày Tết, đi kèm theo đó là các trò chơi dân gian ngày Tết, ẩm thực Tết... Chị Vương Thị Cúc (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ rằng, đây là năm thứ 3 chị cho con tham gia phiên chợ ngày Tết ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Tết trong ký ức của chị vẫn còn đọng mãi hình ảnh cùng những người thân yêu gói bánh tét, quây quần bên nồi bánh chờ đón giao thừa; hay theo mẹ đến các phiên chợ Tết chọn những bộ đồ mới...
“Hiện nay, thế hệ các con tôi không còn sống trong không khí Tết truyền thống nữa. Vì thế, việc Nhà thiếu nhi Đồng Nai hay các trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm phiên chợ ngày Tết là rất ý nghĩa. Chúng tôi mong, các đơn vị sẽ tổ chức phiên chợ và tái hiện một không gian Tết xưa nhiều hơn với các hoạt động hấp dẫn hơn nhằm giúp con trẻ vừa đến vui chơi vừa tìm hiểu để yêu hơn nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc” - chị Cúc bày tỏ.
3. Nhịp sống hiện đại đã mang đến những cái Tết khác nhau, cách chơi Tết khác nhau. Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ số đã giúp người nội trợ có thể đi chợ online tiện lợi và đỡ vất vả hơn. Vì thế việc chuẩn bị mua sắm Tết cũng trở nên dễ dàng hơn. Đủ loại mặt hàng được bán trên chợ online, từ nông sản, thủy sản, quần áo, bánh kẹo... Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều và có thể mua bất cứ lúc nào, giờ nào. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, cả một siêu thị sẽ “thu nhỏ” trước mắt người mua. Sản phẩm được chuyển đến tận nhà sau vài giờ hoặc vài ngày.
Tiện ích của chợ online là điều bất cứ ai cũng không thể phủ nhận. Dẫu vậy, người Việt vẫn không quên đi chợ Tết theo cách truyền thống. Không chỉ các mẹ, các chị đều mong đợi Tết để có thể đi chợ mua sắm đồ đạc mà cả những người trẻ cũng thích hòa mình vào không gian văn hóa cổ truyền của dân tộc. Số lượng có thể không nhiều nhưng việc mua bán ấy khiến người ta tìm thấy nhiều ý nghĩa tinh thần trong việc sửa soạn vật chất…
My Ny