Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến tướng kể chuyện ăn Tết rừng miền Đông

10:01, 17/01/2020

Không khí Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc đang rạo rực lan tỏa từ đất liền tới hải đảo. Giữa niềm vui nô nức dâng trào của mùa Xuân bình yên, thi thoảng tôi vẫn nghe những tiếng lòng trắc ẩn nhớ về những mùa Xuân xa với bao điều kỳ lạ…

Không khí Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc đang rạo rực lan tỏa từ đất liền tới hải đảo. Giữa niềm vui nô nức dâng trào của mùa Xuân bình yên, thi thoảng tôi vẫn nghe những tiếng lòng trắc ẩn nhớ về những mùa Xuân xa với bao điều kỳ lạ…

Thượng tướng Trần Văn Trà về thăm lại Chiến khu Lộc Ninh ở miền Đông Nam bộ sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh: Tư liệu
Thượng tướng Trần Văn Trà về thăm lại Chiến khu Lộc Ninh ở miền Đông Nam bộ sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh: Tư liệu

“Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi/ Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu…”. Không chỉ thời binh lửa mà ngay cả ngày nay bài hát ấy của nhạc sĩ Xuân Hồng vẫn âm vang trong lòng những người từng vào sinh ra tử mỗi khi Xuân về Tết đến, đặc biệt là những người từng gắn bó với rừng miền Đông “gian lao anh dũng” nơi bài hát ra đời trên đường hành quân.

* Người lính ăn Tết thật vui!

Không gian mùa Xuân núi rừng thật lãng mạn. Vậy còn con người trong chiến khu ăn Tết ra sao trong điều kiện chiến tranh ác liệt và thiếu thốn trăm bề? Có lẽ đó là câu hỏi mà các thế hệ trẻ sau này không phải ai cũng có thể trả lời.

Sinh thời, Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, khi trò chuyện với chúng tôi đã tâm sự rằng, do hoàn cảnh chiến tranh nên khi tới Tết cổ truyền, không có dịp đoàn tụ gia đình, hầu như ai cũng có nỗi niềm riêng se sắt trong lòng. Có người đã năm bảy cái Tết xa quê. Nỗi khát khao sum họp thức dậy trong trái tim những người lính còn rất trẻ. Thậm chí có người sau phút giao thừa đã lặng lẽ ra treo võng giữa hai cây rừng nằm đắp chăn đơn nuốt nước mắt vào lòng!

Danh tướng Trần Văn Trà là người gắn bó xuyên suốt chiến trường Nam bộ trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, nhất là với rừng miền Đông. Là một chiến tướng mang trái tim nghệ sĩ, ông dễ đồng cảm và thấu hiểu tâm tư của người lính giữa những ngày thiêng liêng của dân tộc từ năm cũ bước sang năm mới. Vì vậy, Tư lệnh Trần Văn Trà cùng các cấp chỉ huy luôn chăm lo cho chiến sĩ ăn Tết chu đáo trên cơ sở tự lực, nên từ cơ quan chỉ huy cao nhất chiến trường đến từng đơn vị bộ đội đều có tiêu chuẩn ăn Tết. Nghèo vật chất nhưng giàu tình nghĩa, phong phú về tinh thần, ấm áp trong một đại gia đình, đảm bảo cho người lính ăn Tết thật vui!

Thượng tướng Trần Văn Trà cho biết, tại các cơ quan thuộc Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, cuối năm đều có bộ phận chuẩn bị cho Tết cổ truyền, ngoài sự nỗ lực chung của mọi người. Nhà ở chiến khu cất cùng một kiểu hình vuông, hai chái, lợp lá trung quân đã được trang trí bằng các loại đèn làm bằng tre và giấy pơ-lua nhuộm đủ các màu với nhiều hình thù trông rất sinh động, vui mắt. Cây niêu trước sân dựng lên. Có những ngôi nhà còn dựng cổng chào tam quan bằng lá đủng đỉnh, với đôi liễn ghi câu đối viết theo lối chữ Nho trông rất đẹp. Con đường Thống Nhứt xuyên rừng nối các cơ quan bộ vốn lặng lẽ bỗng chốc rộn ràng.

Đồng thời, các chị nuôi, anh nuôi được sự hỗ trợ của các cô quân y, văn phòng và những người khéo tay lao vào gói bánh tét, bánh chưng, bánh ít, làm các loại mứt, dưa hành, củ kiệu và nấu nướng các loại thịt rừng săn bắn hoặc chăn nuôi. Người miền Nam giỏi gói bánh tét. Người Bắc giỏi làm bánh chưng. Có cả một vài món đặc sản cung đình do những người gốc Huế làm. Nồi quân dụng cỡ lớn đặt trên bếp Hoàng Cầm nấu bánh lửa đỏ bập bùng. Trai gái quây quần vừa làm vừa tán chuyện cười đùa rôm rả. Đôi khi tình yêu trai gái cũng nảy nở “đỏ lửa” quanh nồi bánh tét, bánh chưng để rồi đơm hoa kết trái.

Niềm vui Tết chiến khu càng nhân lên vào sáng mùng 1. Mai nở bung vàng rực. Các loại hoa Xuân khác cũng đua nhau khoe sắc, thơm ngát núi rừng. Mọi người ăn mặc tươm tất chỉnh tề đi chúc Tết các cơ quan lẫn nhau. Nhiều chị nhiều em còn diện quần áo mới do gia đình từ đồng bằng gửi lên. Rượu thịt, bánh mứt được trưng bày chiêu đãi. Những trận đấu giao hữu bóng chuyền, cầu lông diễn ra giữa các cơ quan. Và có cả múa lân. Đầu lân thô sơ tự làm, đủ đầu đuôi. Nhà văn Nguyễn Thi, tác giả của Người mẹ cầm súng nổi tiếng, cũng tham gia giũ đuôi múa lân. Chẳng cần bài bản, múa vui là chính. Xoong nồi dùng đánh thay trống thúc lân.

* Cùng hướng về nguồn cội

Cùng với danh tướng Trần Văn Trà, một người đồng đội thuộc quyền gần gũi của ông mà chúng tôi cũng có nhiều dịp trò chuyện là Thượng tướng Hoàng Cầm, bí danh Năm Thạch. Ông không phải “cha đẻ” cái bếp trùng tên như nhiều người nhầm lẫn. Tác giả của cái bếp không khói độc đáo từ thời chống Pháp là một ông Hoàng Cầm khác trong lực lượng hậu cần, mang quân hàm đại úy trước khi về hưu. Thượng tướng Hoàng Cầm là một chỉ huy chiến trường dày dạn trận mạc, riêng ở chiến trường Đông Nam bộ thời đánh Mỹ trước khi được cử về thành lập và làm Tư lệnh Quân đoàn 4, ông là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam sát cánh cùng Tướng Tư lệnh Trần Văn Trà. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông trực tiếp chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc mở “cánh cửa thép” cho đại quân tiến về Sài Gòn.

Danh tướng Hoàng Cầm có 10 cái Tết chung vui cùng bộ đội trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Ông từng ăn Tết cùng lính Sư đoàn 312 thời đánh Pháp ở núi rừng Tây Bắc khi ông là Sư đoàn phó, còn Lê Trọng Tấn là Sư đoàn trưởng. Khi vượt biển vào chiến trường, hai ông có dịp đoàn tụ, ăn Tết chung với nhau ở rừng miền Đông. Thượng tướng Hoàng Cầm bảo rằng, ngày Tết cổ truyền ở chiến khu của các cấp chỉ huy chẳng khác người lính bình thường. Mọi tiêu chuẩn về vật chất gần như nhau. Các cấp chỉ huy còn trách nhiệm phải chăm lo cho chiến sĩ để họ xua đi nỗi buồn xa gia đình, yên tâm và phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ đánh giặc.

Cũng theo hồi ức của Thượng tướng Hoàng Cầm, ở nhiều nơi của miền Đông Nam bộ trước đây do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, mặc dù có đồn bốt địch nhưng dân - lính và địch - ta hay lẫn vào nhau, đụng nhau giữa dòng người xe tấp nập. Có lúc lính Sài Gòn biết có quân giải phóng đang lẫn vào trong dân nhưng lờ đi vì họ cũng muốn cho êm thấm, nhất là dịp Xuân về ai cũng muốn hưởng không khí ngày Tết cổ truyền chung của người Việt. Nhờ vậy mà các anh nuôi thường giả trang mua được những vật dụng cần thiết phục vụ cho các đơn vị đóng quân. Các cơ sở cách mạng hoặc người dân có cảm tình cũng dễ dàng tiếp tế cho bộ đội thức ăn, thức uống cho ba ngày Tết.

Tư lệnh Hoàng Cầm bảo rằng cảnh quan nhiều vùng miền Đông Nam bộ gần Sài Gòn thời chống Mỹ rất giống những vùng giáp ranh giữa Chiến khu Việt Bắc với Hà Nội thời chống Pháp, thật khó phân biệt đâu là chiến tranh đâu là hòa bình và đâu là ta, đâu là địch. Đất nước mình có những thời kỳ lạ lùng như vậy. Và đã là người Việt với nhau, cho dù đang đối đầu trên chiến trường, thì ai cũng mong muốn có được cái Tết cổ truyền an vui, lòng cùng hướng về cội nguồn ông bà, tổ tiên! Đó cũng chính là gốc rễ của tình yêu thương và sự hòa giải khi non sông thống nhất, mọi người Việt trong lẫn ngoài nước cùng hướng về tương lai tươi đẹp của dòng giống Lạc Hồng!

Thượng tướng Hoàng Cầm luôn nhớ tình cảm của đồng bào ta dành cho bộ đội vào dịp lễ, Tết. Vì vậy, những đơn vị nào đóng trong vùng dân hoặc gần dân, giáp Tết luôn được các má, các chị, các em mang gà vịt, bánh trái, rượu thịt đến tặng. Có đơn vị còn được người dân mang biếu cả một con heo hoặc con trâu, con bò để ăn Tết. Nếu hoàn cảnh cho phép, một số chiến sĩ còn được người dân mời về nhà ăn Tết cùng gia đình, làng xóm. Tư lệnh Hoàng Cầm cùng Chính ủy Lê Văn Tưởng và các chỉ huy của Sư đoàn 9 đã nhiều lần đến nhà dân chúc mừng năm mới, ăn Tết cùng đồng bào nơi trú quân. Tình cảm xúc động quân dân chia ngọt sẻ bùi một thời bom đạn ác liệt ấy luôn khắc ghi trong tâm khảm ông.

Phan Hoàng

Tin xem nhiều
Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu