Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm nhiều tác phẩm văn học mới

11:11, 28/11/2019

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 nhưng với văn học - nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai có thể xem là một năm thành công của giới văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ giữ được "lửa" đam mê và không ngừng cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, gần gũi với cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 nhưng với văn học - nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai có thể xem là một năm thành công của giới văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ giữ được “lửa” đam mê và không ngừng cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, gần gũi với cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Một số tác phẩm của hội viên Hội Văn học nghệ thuật xuất bản trong năm 2019. Ảnh: L.Na
Một số tác phẩm của hội viên Hội Văn học nghệ thuật xuất bản trong năm 2019. Ảnh: L.Na

Việc các tác giả Ban Văn học liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm mới trong thời gian ngắn chứng tỏ đời sống văn học Đồng Nai đang có sự chuyển động ấn tượng.

* Một năm sôi động…

Năm 2019 là năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động VHNT thiết thực, ý nghĩa, đi vào chiều sâu và bám sát, phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương. Đến thời điểm hiện tại, hội viên Ban Văn học đã xuất bản hơn 30 đầu sách đủ các thể loại.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các trại sáng tác, đặc biệt chú trọng đến lực lượng sáng tác trẻ. Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp với các địa phương, trường học để đưa tác phẩm văn học về với cơ sở. Qua đó, lan tỏa VHNT của Đồng Nai đến gần hơn với bạn đọc.

Cụ thể, ở thể loại thơ có các tác phẩm như: Xao thu của Đàm Chu Văn, Gầm giường của Lê Sỹ Tùng, Nhặt gió sang mùa của Nguyễn Thị Minh Hòa, Hạnh phúc lang thang của Hoàng Đình Nguyễn, Nhớ mãi của Hoàng Văn Thống… Trong thơ, hình ảnh con người, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và nhiều vùng miền của Tổ quốc đi vào thơ ca hết sức sinh động, chân thực và giàu tính nhân văn.

Với thể loại văn xuôi, nhiều đầu sách hay (truyện ngắn và tiểu thuyết, ký) của các tác giả, nhà văn cũng lần lượt được ấn hành. Có thể kể đến như: bộ sách Khí phách Biên Hùng, Mẹ hay ô sin của Nguyễn Thái Hải; Trên đồi đất đỏ của Nguyễn Trí; Ngày biển ấm của Hoàng Ngọc Điệp; Đường đến chân trời của Hoàng Đình Nguyễn; Đối mặt của Đào Sỹ Quang; Nửa ngày chiến tranh của Dương Đức Khánh; Cua kềnh vượt vũ môn của Phạm Thanh Quang; Bông hồng đen của Dương Thị Thu Hường...

Bên cạnh mảng thơ, truyện và ký, một số tác giả cũng ra mắt các đầu sách nghiên cứu văn hóa, lịch sử của Đồng Nai và vùng đất Nam bộ hoặc các đầu sách tổng hợp những bài viết đã đăng trên báo chí. Cụ thể, PGS-TS.Huỳnh Văn Tới với 2 tác phẩm: Luận cổ suy kim (gồm 139 mẩu chuyện viết ngắn), Văn hóa Đồng Nai - Góp nhặt cát bụi; TS.Lê Quang Cần với tác phẩm Chợ miền Đông Nam bộ - một góc nhìn.

* Thiếu vắng sách của người viết trẻ

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai nhận định, so với những năm trước, mảng văn học năm nay thực sự “bội thu” về số lượng tác phẩm. Nhiều tác giả tiếp tục khẳng định mình với những tác phẩm mang tính sáng tạo độc đáo. Mảng sách viết cho thiếu nhi cũng được các tác giả quan tâm.

“Để có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực miệt mài của các nhà văn, nhà thơ, Hội VHNT Đồng Nai đều đặn tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác, mở các lớp trao đổi nghiệp vụ... Qua đó, giúp nhà văn, nhà thơ sâu sát với hiện thực đời sống, nghiền ngẫm hiện thực tâm trạng thể hiện thành đặc trưng nghệ thuật ngôn từ, hình tượng và tư tưởng tác phẩm. Từ văn xuôi đến thơ ca đều kết tinh được chiều sâu và chiều rộng, hướng đến nhiều bài học nhân văn sâu sắc…” - NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp, nếu nhìn vào số lượng đầu sách được in ở Đồng Nai, dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng sách của các người viết trẻ, đội ngũ sáng tác chủ yếu của tỉnh nhà trong tương lai. Người viết trẻ chủ yếu có tác phẩm tham dự một số trại sáng tác hay các cuộc thi… được tập hợp trong các đầu sách chung hoặc đăng trên báo, tạp chí.

“Văn học ở đâu muốn xung phong, phát triển, kế tục thì đều dựa vào người viết trẻ. Thời gian qua, Đồng Nai đã và đang bổ sung lực lượng sáng tác này. Tuy nhiên, với nhiều lý do vừa chủ quan vừa khách quan, người trẻ ít quan tâm đến đời sống văn học. Mong rằng, trong thời gian tới, người viết trẻ sẽ tích cực sáng tạo để cho ra nhiều đầu sách mới, sách hay, tạo ra không khí mới và sức sống mới cho văn học Đồng Nai” - bà Hoàng Ngọc Điệp bày tỏ.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích