Đó là nhận định của nhà báo Trung Nghĩa, người từng tham dự 3 kỳ Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp) và 5 kỳ Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) 2019 tại Nhật Bản.
Đó là nhận định của nhà báo Trung Nghĩa, người từng tham dự 3 kỳ Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp) và 5 kỳ Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) 2019 tại Nhật Bản.
Nhà báo Trung Nghĩa tại Liên hoan phim Tokyo 2019 |
Trở về từ chuyến tham dự TIFF lần thứ 32 vừa bế mạc tuần đầu tháng 11-2019, nhà báo Trung Nghĩa nhận định: “Cơ hội cho phim Việt Nam tỏa sáng, đoạt giải ở các kỳ Liên hoan phim quốc tế ở châu Á (như Liên hoan phim Busan, Tokyo) lẫn thế giới (Cannes, Berlin, Venice, Toronto…) không phải là ít. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực thật tốt để làm ra những bộ phim có giá trị sản xuất (production value) và dấu ấn riêng về nội dung”.
* Anh ghi nhận điều thú vị gì từ kỳ liên hoan phim mới nhất mà anh tham dự tại Tokyo?
- Tôi tham dự chính thức TIFF 2019 theo lời mời từ Trung tâm châu Á - Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation Asia Center). Năm nay là lần tổ chức TIFF thứ 32, thu hút tới 65.211 lượt khán giả thưởng thức 180 phim được trình chiếu trong khuôn khổ liên hoan, chủ yếu tại cụm rạp hiện đại ở Roppongi Hills (Tokyo).
Với vị trí là một trong những liên hoan phim hàng đầu châu Á, TIFF mang đến không khí hội hè cho giới làm phim quốc tế và người yêu điện ảnh có dịp thưởng thức những tác phẩm mới chất lượng cao của thế giới lẫn từ nền điện ảnh nước chủ nhà Nhật Bản. Các nhà làm phim hàng đầu Nhật Bản rất được kính trọng như: đạo diễn Yoji Yamada (88 tuổi), Nobuhiko Obayashi (81 tuổi), diễn viên “huyền thoại” Tatsuya Nakadai (86 tuổi), hay đạo diễn Masayuki Suo, đạo diễn Tatsuya Mori (63 tuổi, người có phim thắng giải phim hay nhất hạng mục Japanese Cinema Splash)… được tôn vinh hoặc giới thiệu trang trọng tại liên hoan qua các bộ phim của họ. Trong khi đó, các ngôi sao thế giới như Chương Tử Di, Alicia Vikander (giải Oscar 2016) hay Quách Phú Thành (Hong Kong)… được giới truyền thông lẫn công chúng chào đón nhiệt liệt tại TIFF.
* Các đại diện phim Việt đã tạo dấu ấn gì tại TIFF 2019?
- Năm nay, TIFF chọn phim Người bất tử của Việt Nam trình chiếu trong chương trình Crosscut Asia (Lát cắt điện ảnh châu Á). Đạo diễn Victor Vũ đã bay sang Tokyo tham dự chương trình giao lưu với khán giả xem phim trong 2 ngày. Ngoài ra, tập phim Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! do Phan Đăng Di làm đạo diễn, nằm trong series Food Lore (Truyền thuyết ẩm thực) do kênh truyền hình HBO Asia sản xuất, được công chiếu toàn cầu lần đầu (World premiere) tại TIFF. Đạo diễn Phan Đăng Di được khán giả Nhật quan tâm và đặt nhiều câu hỏi thú vị về quá trình làm bộ phim đặc tả nhiều món ăn Việt Nam như phở, tào phớ (đậu hủ nước đường)… này. Anh Tsuyoshi Sugiyama, một đạo diễn sân khấu, xem xong phim Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa! hồ hởi nói với tôi: “Tôi thích bộ phim này và nó khiến tôi nhớ quãng thời gian làm việc ở Hà Nội và được thưởng thức những món phở, bún cá, bánh mì… “thương hiệu Việt Nam” rất ngon miệng”.
Phim Ông chú đoạt giải Tokyo Grand Prix 2019. Ảnh: TIFF |
* Theo anh, làm thế nào để phim Việt xuất hiện ngày càng nhiều ở các liên hoan phim quốc tế, nhất là được chọn tranh giải thưởng và có giải?
- Trước hết, nền điện ảnh Việt cần phát triển mạnh nơi thị trường trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng phim sản xuất hằng năm. Người làm phim phải sống được với nghề qua những bộ phim có giá trị và doanh thu tốt. Qua đó góp phần hình thành một lực lượng nhân lực giỏi, đầy đủ ở các khâu trọng yếu trong guồng máy vận hành sản xuất phim chuyên nghiệp (viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn, diễn viên, hậu kỳ, quảng bá…).
Kế đến, nhưng lại mang yếu tố quyết định, là điện ảnh Việt phải có và dung dưỡng những thế hệ nhà làm phim nghệ thuật/phim độc lập (art-house, indie film) giỏi, biết cách kể câu chuyện bằng hình ảnh theo góc nhìn cá nhân và tư duy sáng tạo không giới hạn. Phim Việt cần tạo dấu ấn và khai thác bản sắc đời sống đương đại, những câu chuyện đặc sắc về quá trình phát triển quốc gia, mối quan hệ giữa các tầng lớp xã hội, những tác động, đổi thay đáng chú ý trong nhịp sống con người lẫn môi trường thiên nhiên chẳng hạn.
Tại TIFF 2019, tôi có dịp trao đổi trực tiếp với ông Kenji Ishizaka, Giám đốc tuyển chọn các phim châu Á của TIFF, xoay quanh vấn đề làm sao phim Việt được chọn lựa trình chiếu hay tranh giải nhiều hơn. Ông Kenji chia sẻ rằng, các nhà làm phim tài năng cần “phản ánh được những vấn đề đương đại”. Các bộ phim mang góc nhìn cá nhân, mang câu chuyện địa phương hóa song lại có tính phổ quát toàn cầu hóa mà ai cũng có thể cảm, hiểu được sẽ dễ lọt vào “mắt xanh” tuyển chọn ở mọi liên hoan phim.
Giám tuyển TIFF Yoshi Yatabe đúc kết thông điệp của TIFF 2019 bằng ba từ: “Challenging, Inspiring, Entertaining” (Thử thách, Cảm hứng và Giải trí), qua đó cho thấy người Nhật tổ chức liên hoan phim bằng sự dung hòa rất khéo giữa các hình thái điện ảnh phong phú và đa dạng. Năm nay, giải thưởng cao nhất Tokyo Grand Prix thuộc về phim Ông chú của đạo diễn người Đan Mạch Frelle Petersen, kể về một phụ nữ trẻ sống trong một trang trại nhỏ và chăm sóc người chú tuổi cao, tàn tật. Bộ phim Iran Old Men Never Die (đạo diễn Reza Jamali) được trao giải Tinh thần châu Á (The Spirit of Asia) của Trung tâm châu Á - Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản… |
Bửu Long (thực hiện)