Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện trữ tình ẩn bức tranh thế sự

09:11, 27/11/2019

Tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng của nhà văn Cao Chiến do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành là câu chuyện trữ tình pha màu sắc huyền ảo xúc động về những số phận con người, những sinh linh bé nhỏ, qua đó hiện dần lên bức tranh thế sự muôn mặt gai góc của xã hội đương đại. Một bức tranh đẹp với những gam màu tối, thi thoảng điểm xuyết vài vệt màu sáng, toát lên vẻ đẹp nhân ái và bao dung.

Tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng của nhà văn Cao Chiến do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành là câu chuyện trữ tình pha màu sắc huyền ảo xúc động về những số phận con người, những sinh linh bé nhỏ, qua đó hiện dần lên bức tranh thế sự muôn mặt gai góc của xã hội đương đại. Một bức tranh đẹp với những gam màu tối, thi thoảng điểm xuyết vài vệt màu sáng, toát lên vẻ đẹp nhân ái và bao dung.

Nhà văn Cao Chiến. Ảnh: N.P.H
Nhà văn Cao Chiến. Ảnh: N.P.H

Nhà văn Cao Chiến là cây bút lặng lẽ mà vững vàng về nội lực bút pháp và luôn hướng tới sự khám phá, sáng tạo. Tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng của ông một lần nữa chứng tỏ điều đó sau tiểu thuyết Những mảnh ghép (năm 2011). Bằng cái nhìn duy mỹ và tình yêu tha thiết cuộc sống, nhất là đối với thế giới trẻ thơ bất hạnh, Cao Chiến đã dựng nên một câu chuyện trữ tình không có cốt truyện lay động lòng người.

Đối với nhân vật chính xưng Tôi, một sinh linh vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ bãi rác sống cùng các sinh linh khác trong hốc cây bồ đề trước khi về ngôi Cổ Tự, vẫn thấy cái đẹp của tình mẫu tử trong nỗi khao khát mong chờ mẹ và thấy được nỗi khổ đau của mẹ, nghe được tiếng lòng của mẹ mỗi khi mẹ cùng em đi viếng chùa cầu nguyện.

Thông qua câu chuyện trữ tình huyền ảo, dường như mọi vấn đề nổi cộm của xã hội Việt Nam hiện nay đều được nhà văn Cao Chiến chuyển hóa một cách khéo léo vào tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng. Không phải tiểu thuyết tư liệu hoặc tiểu thuyết luận đề, trung thành với cái nhìn duy mỹ xuyên suốt tác phẩm, nhà văn thể hiện nhuần nhuyễn những điều mắt thấy tai nghe, quan sát ghi chép, trăn trở suy nghĩ và cả dự cảm về thời đại mình đang sống, góp tiếng nói phản biện, nâng cao nhận thức và vẻ đẹp tâm hồn con người.

Ngoài nhân vật chính, dưới gốc bồ đề bãi rác còn có các sinh linh cùng nương náu là thằng quỷ, cặp song sinh buồn vui có nhau. “Ở bãi rác, thằng quỷ có một thâm niên đáng kể. Nó là một kho tàng chuyện, hầu như gì cũng biết, không chỉ là biết theo lối hóng mà thực mục sở thị hẳn hoi. Với nó, bãi rác như một xã hội bỏ túi. Có vua, quan, đầu nậu. Cả đội quân móc rác người ngợm thối inh. Nhiều sinh linh bị bỏ tại đây từng chơi với nó” (tr.32).

Sau khi bãi rác bị giải tỏa để xây trường học, cây bồ đề bị chặt, các sinh linh được thầy cúng chiêu an mời về Cổ Tự. Đây là ngôi chùa linh thiêng có lịch sử lâu đời, từng được những người đạo cao đức trọng tạo lập nhưng có một thời hoang phế. “Sau này, xuất hiện một kẻ mạo xưng, cũng hương khói, gõ mõ tụng kinh nhưng sa đà hưởng thụ, sớm tối rượu thịt bét nhè. Thậm chí có đứa con gái nhà lành bị dụ ăn nằm đến chửa. Từ đấy Cổ Tự hết thiêng. Đám trẻ đi thi đốt hương xin xỏ nhiều đứa trượt vỏ chuối. Đỉnh điểm có một CEO lễ hẳn bầy heo tộc, chẳng biết xin xỏ gì tháng trước tháng sau đi tù!” (tr.73).

Và hậu quả của kẻ mạo danh tu hành để lừa đảo: “Một đêm trăng muộn, kẻ mạo xưng đột nhiên như bị phát hỏa, trần truồng lao ra ngoài đường đâm đầu vào xe bò. Từ đấy Cổ Tự bị bỏ hoang, cỏ gai mọc lút đầu người. Tận dụng cơ hội trời cho, mấy nhà ở quanh đấy lấn chiếm vô tội vạ. Sau này, cũng có người muốn khôi phục lại nguyên trạng, nhưng bàn tới bàn lui rốt cuộc bàn xong lại đút vào hộc tủ” (tr.73-74).

Khi ngôi Cổ Tự được phục hưng thì khách thập phương đông đảo, nhất là vào dịp Tết lễ chùa cầu tài cầu lộc, lấy thiên ấn. Và người ta nhét đầy tiền lễ khắp các tượng, gốc cây, kẽ nứt trong chùa, rồi nào là trái cây, vịt quay, heo sữa trên bàn thờ chính. Phần đông thì thuê con heo sữa xoay vòng bưng ra bưng vào cho rẻ. Và một cảnh tượng quen thuộc đi lễ chùa bây giờ là có nhiều xe ô tô biển số xanh xen lẫn biển trắng nối đuôi nhau…

Chưa dừng ở đó, bức tranh tiểu thuyết Buổi chiều đi qua cánh đồng còn chấm phá khi đậm khi lướt chuyện: giết người ăn cướp thùng tiền công đức trong chùa, trồng cây đeo bảng người trồng ở các di tích, bà nội âm mưu hại cháu, vệ sinh an toàn thực phẩm, ca nhạc inh ỏi, đám tang, chặt phá cây xanh. “Nhiều người nghĩ cây cỏ vô tri. Họ có thể ăn, bẻ, chặt bỏ, thậm chí giày xéo mà chẳng mảy may hoài nghi rằng cây cỏ cũng biết đau và sợ hãi, và cũng như con người chúng rất cần được yêu thương” (tr.119). Rồi cả chuyện cát tặc, gây sụt lở đường sá, ruộng vườn, nhà cửa và những cái chết thương tâm.

Một hiện tượng nhức nhối phổ biến khác là sự lừa dối trong xây dựng khi cọc nhồi bê tông cốt thép bị đúc thay bằng cốt tre gây nên bao hậu quả nghiêm trọng, trong đó có xây trường học cho con em nhiều thế hệ. “Chừng ấy đứa học trò vô tư chạy nhảy. Chừng ấy thầy cô ngày ngày đứng lớp. Cái móng gian dối kia liệu trụ được bao lâu? Nhưng dù gì cũng đã nghiệm thu, còn ở đây...! Gã thầu chợt rùng mình chẳng dám nghĩ tiếp. Bao nhiêu cọc đã nhồi gã lệnh cho móc lên đập bỏ bằng hết!”. Có thực lương tâm gã thầu xây dựng được thức tỉnh hay nhà văn Cao Chiến hy vọng ánh sáng của cái đẹp cái thiện vẫn còn le lói cuối đường hầm khi danh lợi đen tối thui chột tâm hồn bao con người?

Nhờ công việc của một luật sư có thâm niên tham gia quản lý ngành tư pháp, nhà văn Cao Chiến có cái nhìn vừa toàn cục vừa chi tiết những vấn đề đương đại, tái hiện bức tranh sinh động thời sự xã hội, mà ở đó có cái thiện xen lẫn cái ác, vẻ đẹp cao quý luôn đối mặt với sự bỉ ổi, tầm thường.

Nguyễn Phan Huỳnh

Tin xem nhiều