Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh huyện Định Quán được thành lập vào năm 2011. Đây là nơi những nạn nhân da cam, trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn được dạy chữ viết, hướng dẫn vận động thể chất, sinh hoạt tập thể...
Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh huyện Định Quán được thành lập vào năm 2011. Đây là nơi những nạn nhân da cam, trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn được dạy chữ viết, hướng dẫn vận động thể chất, sinh hoạt tập thể...
Cô bảo mẫu Trần Thị Nga hướng dẫn học viên vui chơi tại Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh huyện Định Quán. Ảnh:V.Truyên |
Nhờ có trung tâm và tình cảm của các giáo viên, nhân viên đã giúp nhiều hoàn cảnh kém may mắn do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và người thân của họ vơi đi nỗi buồn trong cuộc sống.
* Mái nhà chung
Bà Nguyễn Thị Liệu, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh huyện Định Quán cho biết, trung tâm có 4 cán bộ, nhân viên hiện đang chăm sóc sức khỏe, ăn uống và dạy văn hóa cho 29 nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh có độ tuổi từ 15-60, đều mắc những khuyết tật về thân thể, chậm phát triển trí tuệ, thể chất và hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Ông Mai Văn Nhỏ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai cho hay, Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh huyện Định Quán ra đời đã tiếp thêm sức mạnh không chỉ cho nạn nhân da cam, trẻ em bất hạnh mà còn cho thân nhân của họ. |
Trong số những nạn nhân chất độc da cam đang được chăm sóc tại trung tâm có chị Lê Thị Hằng (ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán). Chị Hằng đã có 6 năm sinh hoạt tại trung tâm. Chị Hằng cho biết, chị bị chậm phát triển thể chất nên dù đã ngoài 20 tuổi nhưng thân hình chỉ như đứa em chưa đến 8 tuổi của mình. Trước kia, khi chưa được đến trung tâm, cha mẹ đi làm chị thường nằm trong nhà một mình. Thỉnh thoảng có hàng xóm chạy qua xem tình hình của chị theo lời nhờ cậy của cha mẹ. Bạn thân của chị là chiếc tivi và radio. Nhưng từ ngày được cha mẹ cho đến trung tâm, chị có nhiều bạn hơn, được các cô, chú ở đây chăm sóc từng bữa ăn, dạy viết chữ, làm phép tính và chơi trò chơi vận động.
Theo cô Trần Thị Nga, bảo mẫu đã gắn bó với trung tâm 7 năm qua, trường hợp như chị Hằng vẫn còn có thể tự chủ vệ sinh cá nhân, tự ăn, uống. Còn nhiều người khác tuy tuổi đời đã qua ngưỡng 20 nhưng lại chẳng khác nào một đứa trẻ học mẫu giáo vì không thể tự phục vụ bản thân. Do đó, 4 cán bộ, nhân viên trong trung tâm luôn tận tình chăm sóc để họ bớt đi mặc cảm, thiệt thòi.
*Những tấm lòng nhân ái
Cũng theo cô Nga, năm 2013, khi gia đình biết cô có ý định vào làm ở trung tâm thì can ngăn bởi nơi đây học viên đều bị dị tật, đầu óc lúc tỉnh lúc mê nên công việc vất vả hơn bình thường. “Ban đầu tôi cũng e ngại nhưng vẫn quyết tâm xin vào làm và càng ở lâu tôi càng thấy quý mến, thương các em nên gắn bó đến bây giờ” - cô Nga cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Liệu chia sẻ, bà gắn bó với trung tâm từ ngày mới thành lập lúc vừa nghỉ hưu theo chế độ sau nhiều năm đảm nhận vị trí Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Định Quán. “Tôi nghĩ mình nghỉ công tác thì ở nhà vui với con cháu. Nhưng khi được các đồng chí lãnh đạo đề cử tham gia chăm lo cho nạn nhân da cam ở trung tâm, tôi đồng ý ngay vì đây là công việc có ích cho xã hội. Để tôi không vướng bận việc nhà, yên tâm làm việc, các con thuê người giúp việc nhà, chăm cháu thay tôi” - bà Liệu nói.
Ngoài bà Liệu, cô Nga, trung tâm còn có một bảo vệ là cựu chiến binh trên 60 tuổi, một đầu bếp ngoài 50 tuổi là người dân địa phương. Bên cạnh việc thực hiện công việc chuyên môn theo chức danh được giao, các cán bộ, nhân viên ở đây còn làm những việc không tên, hỗ trợ nhau trong chăm sóc học viên dù mức lương khá ít ỏi, chỉ từ 3-5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng nhiều năm qua, không ai than vãn về thu nhập cũng như công việc của mình. Ngược lại, mỗi người luôn tận tụy hỗ trợ, chăm sóc các nạn nhân da cam một cách tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Chung, phụ huynh của một trẻ là nạn nhân chất độc da cam đang sinh hoạt tại trung tâm bộc bạch: “Có những ngày vì công việc gia đình bận rộn nên vợ chồng tôi không thể đưa con đến trung tâm. Khi thấy con tôi không đến sinh hoạt, các cô chú ở trung tâm gọi điện hỏi nguyên nhân rồi chạy xe máy hàng chục cây số đón con tôi đến trung tâm sinh hoạt, chiều tối lại đưa về. Tôi rất quý trọng tình cảm này”.
Võ Tuyên