Một năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi tạm chia tay cái nắng nóng miền Đông để đến với Hà Nội tham dự lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du.
Một năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi tạm chia tay cái nắng nóng miền Đông để đến với Hà Nội tham dự lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du.
Lớp học của tôi với hơn 100 học viên, đến từ mọi miền đất nước. Lứa tuổi khác nhau, giọng nói khác nhau, chuyên môn cũng khác. Điểm chung duy nhất của hàng trăm cá thể chính là tình yêu văn học. Bên cạnh những giáo viên dạy văn, cán bộ công tác trong ngành văn hóa nghệ thuật là những kỹ sư cơ khí, những bác sĩ, doanh nhân, công an, sĩ quan quân đội đương chức hoặc đã nghỉ hưu…
Có đôi bàn tay quen với việc cầm máy khoan, máy tiện, có đôi bàn tay suốt ngày làm bạn với sợi chỉ, cây kim, có những bàn tay tối ngày nhóm lửa. Còn có cả những bàn tay quen cầm cuốc, cầm liềm, hái rau nhặt cỏ… Nhưng những đôi bàn tay ấy, khi cầm bút lên, viết những dòng thơ, câu văn đều miệt mài, mê mải, mềm mại, mượt mà. Đơn giản, vì đó là những đôi tay của những tâm hồn nghệ sĩ, những con người đam mê văn học nghệ thuật, muốn trải lòng mình qua những trang văn.
Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là một học viên mang cây nạng gỗ. Chú Bùi Kim Tứ, đến từ Hưng Yên, với cách cư xử mực thước, tác phong quân đội, ánh mắt hiền hậu, bao dung khiến bao người trong lớp quý mến và cảm phục. Tôi đã ngỡ chú là thương binh, bỏ lại chiến trường một phần máu thịt của mình. Sau này, tôi mới biết, chú bị liệt một chân từ sau đợt bệnh sởi lúc lên ba. Không lần nào nhập ngũ, nhưng chú vẫn kiên cường “chiến đấu” trên mặt trận đời thường, hằng ngày vật lộn với gánh nặng áo cơm dù từng tốt nghiệp đại học.
Đến tham dự lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du là món quà tinh thần mà cậu con trai tặng chú. Biết chú yêu văn chương từ những ngày trai trẻ, vẫn viết những vần thơ tự sự, trải lòng như những trang nhật ký nhiều năm qua, cậu đã động viên chú tham gia lớp bồi dưỡng để bồi đắp thêm niềm đam mê sáng tác…
Một niềm vui nữa, chính là ở chỗ, tôi nhận ra rằng: ở lớp học đặc biệt này, tôi chỉ là người có tuổi đời trẻ gần nhất thôi. Hóa ra không phải chúng ta già thì không học, mà chính bởi không học chúng ta mới già. Trong lớp học đặc biệt của chúng tôi, tâm hồn người nào cũng trẻ.
Huyền Quy