Tình trạng quảng cáo không phép treo, dán tràn lan khắp nơi; bảng, biển quảng cáo được cấp phép nhưng thực hiện không đúng nội dung giấy phép… đã và đang làm cho nhiều tuyến đường trở nên nhếch nhác.
Tình trạng quảng cáo không phép (quảng cáo “rác”) treo, dán tràn lan khắp nơi; bảng, biển quảng cáo được cấp phép nhưng thực hiện không đúng nội dung, kích thước, vị trí trong giấy phép đăng ký với cơ quan chức năng… đã làm cho những tuyến đường trở nên nhếch nhác.
Cơ quan chức năng và người dân TP.Biên Hòa ra quân xử lý quảng cáo rác trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa |
Điều này gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân đặc biệt là ở những khu dân cư đô thị.
* Xấu xí và nguy hiểm
Vừa đưa tay gỡ bỏ những tờ quảng cáo “cho vay tiền nhanh” được dán lên tường và cây cột điện phía trước nhà mình, ông Nguyễn Văn Hương (ngụ KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) vừa cho biết, cứ mỗi lần gỡ bỏ tờ quảng cáo này thì lát sau lại xuất hiện những tờ quảng cáo khác. “Tôi đã nhiều lần theo dõi để bắt quả tang nhưng họ toàn “canh” lúc mình vắng nhà, giờ nghỉ ngơi mới đi dán nên cũng không làm gì được” - ông Hương nói.
Từ đầu năm đến nay, tại TP.Biên Hòa đã có trên 8 ngàn tờ quảng cáo “rác” các loại bị tháo gỡ, cạo xóa. Ngoài ra, Đội Kiểm tra liên ngành 814 TP.Biên Hòa đã kiểm tra, phát hiện 6 cơ sở kinh doanh cà phê giải khát, phòng khám nha khoa vi phạm việc không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp, tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Qua đó, Đội Kiểm tra liên ngành 814 TP.Biên Hòa đã đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 77,5 triệu đồng. |
Tình cảnh bị bôi bẩn bằng quảng cáo “rác” khá phổ biến ở nhiều khu dân cư, tuyến đường ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, khu vực thị trấn các huyện với đủ loại thông tin nhưng nhiều nhất vẫn là mua bán nhà đất, cho vay tiền nhanh, khoan cắt bê tông, hút hầm cầu...
Cùng với quảng cáo “rác”, ngay chính những biển hiệu quảng cáo được Nhà nước cấp phép thực hiện nhưng treo dán tràn lan, không đúng quy định cũng khiến bộ mặt thành phố, trung tâm hành chính các huyện, xã, từng khu dân cư trở nên xấu xí hơn.
Theo ông Trần Trọng Tá, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, qua rà soát biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thì bảng quảng cáo sai lệch về kích thước giữa thực tế so với trong hồ sơ xin cấp phép diễn ra rất phổ biến. Nhiều chủ hộ kinh doanh, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo ở vị trí che kín mặt tiền nhà, không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy. Ngoài ra, việc treo, gắn bảng hiệu, bảng quảng cáo trên cột điện, sát với đường dây điện vừa nguy hiểm tính mạng vừa gây mất mỹ quan đô thị.
* Điệp khúc dán - gỡ
Để giải quyết tình trạng quảng cáo “rác”, quảng cáo sai quy định làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sự an toàn của người dân, thời gian qua các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, các xã, phường trong tỉnh đều tổ chức ra quân ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp. Sau mỗi đợt ra quân, hàng ngàn tờ quảng cáo “rác” lớn nhỏ bị gỡ bỏ, nhiều bảng quảng cáo đặt sai quy định bị thu giữ hay cơ quan chức năng nhắc nhở gia chủ điều chỉnh lại.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, quy hoạch phát triển cho hoạt động quảng cáo hiện tại là vấn đề ưu tiên hàng đầu nhằm đưa hoạt động tuyên truyền cổ động nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như hoạt động quảng cáo thương mại đi vào nề nếp, đảm bảo mỹ quan, môi trường. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng các địa phương sẽ có những giải pháp để hoạt động quảng cáo ngoài trời thực hiện theo đúng lộ trình, đạt mục tiêu từng giai đoạn đề ra. |
Ở một số phường của TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh còn thành lập được đội xử lý “rác” quảng cáo. Hằng ngày, các đội xử lý rác quảng cáo di chuyển qua nhiều tuyến đường để gỡ quảng cáo “rác”. Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân cùng góp sức xử lý quảng cáo “rác” nên khi phát hiện người dán quảng cáo, bà con gọi điện báo cho đội xử lý, UBND phường để xử lý.
Trong 5 năm qua, Thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, phòng văn hóa - thông tin các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa đã thực hiện 305 buổi ra quân kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các trường hợp quảng cáo sai quy định. Qua đó đã tháo dỡ hơn 26 ngàn tờ quảng cáo “rác”, băng-rôn lớn nhỏ các loại, đồng thời tháo dỡ, thu giữ 95 biển hiệu, hộp đèn sai về kích thước, nội dung so với hồ sơ đăng ký với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch.
Bên cạnh đó, ngành đã vận động được 48 hộ kinh doanh tự tháo dỡ, thay đổi nội dung biển hiệu lắp dựng bằng tiếng nước ngoài theo đúng quy định, biển hiệu đã cũ rách. Ngoài ra, còn buộc tháo dỡ 110 trường hợp treo băng-rôn không phép.
Tuy nhiên, có một thực tế là mỗi tuần sau đợt ra quân thứ bảy xanh - sạch - đẹp tình trạng quảng cáo “rác” lại xuất hiện khắp nơi. Hay sau khi các đội xử lý “rác” quảng cáo tiến hành tháo gỡ thì chỉ ít giờ sau quảng cáo “rác” lại xuất hiện trở lại.
Ông Nguyễn Thành Thái, chuyên viên phụ trách lĩnh vực quảng cáo, Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa cho biết, trong các đợt ra quân xử lý quảng cáo “rác” nhiều lần bắt quả tang người treo dán quảng cáo. Những lần như vậy, cách xử lý là nhắc nhở, yêu cầu họ dừng lại việc treo dán quảng cáo, khôi phục lại hiện trạng nên không có tác dụng răn đe. Vì thế, quảng cáo “rác” vẫn tràn lan, khó quản lý.
* Cần sự chung tay
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân phản ảnh rất nhiều về vấn đề quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo “rác”. Ví dụ, quảng cáo “rác” kèm theo số điện thoại xuất hiện từ nhà ra tới ngõ. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng chỉ cần gọi thử vào số đó để xác định xem có đúng là số của người làm quảng cáo “rác” hay không. Thế nhưng chưa thấy địa phương nào giải quyết triệt để việc các cá nhân sử dụng số điện thoại quảng cáo “rác”.
Quảng cáo “rác” nằm ở phía dưới và “leo” lên biển báo chỉ dẫn đường bộ ở khu vực ngã tư dưới chân cầu vượt Hóa An (thuộc phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) |
Bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông cho hay, từ năm 2017 đến gần cuối năm 2018, có 4 địa phương là Trảng Bom, Biên Hòa, Long Thành và Vĩnh Cửu đã tổng hợp 500 số điện thoại trên các quảng cáo “rác”. Sở đã hỗ trợ các địa phương nhắn tin mời chủ thuê bao quảng cáo “rác” đến phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố để làm việc. Nếu chủ thuê bao không đến làm việc, Sở tổng hợp danh sách gửi đến nhà mạng đề nghị tạm khóa một chiều, đến khi chủ thuê bao đến làm việc, cam kết không tái phạm mới tiếp tục cung cấp dịch vụ. Điều này rất hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng quảng cáo “rác”.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, theo quy định mới được ban hành thì các cơ quan chức năng không còn thẩm quyền yêu cầu nhà mạng cắt sóng đối với số điện thoại thực hiện hành vi quảng cáo “rác”. Vì vậy mà mới đây, TP.Long Khánh đã tổng hợp 28 thuê bao di động vi phạm quy định về quảng cáo, rao vặt để đề xuất Sở Thông tin - truyền thông có biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ song Sở không thể xử lý theo đề nghị của địa phương được.
Do đó, theo bà Giang Thị Thu Nga, để giải quyết tình trạng quảng cáo sai quy định, quảng cáo “rác”, Nhà nước cần trao cho cơ quan chức năng thẩm quyền yêu cầu nhà mạng cắt sóng đối với số điện thoại quảng cáo “rác”, bắt buộc khôi phục hiện trạng đối với người thực hiện quảng cáo “rác”…
Về góc độ người trực tiếp tham gia xử lý rác quảng cáo, ông Phạm Ngọc Phương Nhân, thành viên Đội Xử lý rác quảng cáo phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mong muốn nhất của những người xử lý quảng cáo “rác” là làm sao người dân cùng có ý thức làm đẹp thành phố, đừng vì lợi ích cá nhân mà làm xấu thành phố. Riêng bà con sống ở các khu dân cư khi phát hiện người treo, dán quảng cáo “rác” cần có thái độ phản ứng đúng mực để bài trừ cái xấu thay vì không có phản ứng”.
Võ Tuyên