Biên Hòa những ngày này không còn nắng gắt mà chuyển sang se se như chớm thu miền Bắc. Những cơn mưa cũng đỏng đảnh dài hơn, rả rích hơn khiến ta chỉ muốn nhâm nhi một tách trà nóng với món gì đưa chuyện. Lục tủ, may còn sót lại bịch gạo cốm dì gửi cho đợt tết, thế là đi tong một ngày với hoài niệm.
Biên Hòa những ngày này không còn nắng gắt mà chuyển sang se se như chớm thu miền Bắc. Những cơn mưa cũng đỏng đảnh dài hơn, rả rích hơn khiến ta chỉ muốn nhâm nhi một tách trà nóng với món gì đưa chuyện. Lục tủ, may còn sót lại bịch gạo cốm dì gửi cho đợt tết, thế là đi tong một ngày với hoài niệm.
Cốm, món cốm của dì chẳng giống kiểu cốm làng Vòng nức tiếng, cũng không phải món cốm được đóng khuôn như một số nơi vẫn làm, mà nó cực kỳ đặc biệt. Đặc biệt bởi được làm ra từ đôi tay cần mẫn ruộng đồng của dì chăng?
Cấy lúa một năm hai vụ, vụ hè - thu lúc nào dì cũng dành hẳn một ruộng để cấy nếp làm cốm. Đến độ lúa bắt đầu nặng hạt, dì gặt về, đập ra, luộc chín hạt và phơi khô rồi đem ra xay bằng cối tre. Những hạt lúa nếp bị tróc vỏ lăn xuống rào rào trong thúng làm chúng tôi hào hứng. Mấy anh chị lớn luôn giành nhau kéo cối thay dì, bọn nhỏ nhỏ như tôi thì háo hức đưa những bàn tay nhỏ xíu đón lấy những hạt nếp đầu tiên nhả ra từ miệng cối. Dì coi đó là niềm vui…
Để xong được mẻ nếp cốm cũng phải xay đi xay lại 3 lượt, cái đó mấy anh chị lớn làm được. Nhưng xay xong thì chỉ có dì mới làm được ra hạt nếp trong suốt kia. Khi những thúng nếp xay xong, dì lấy một cái nong lớn, rộng bằng nửa sải tay, đổ mấy gầu nếp vào đấy sẩy cho bằng hết vỏ trấu ra một chỗ, sau đó dì lấy sàng thưa đặt trên nong lớn bắt đầu sàng. Tôi thích ngắm dì lúc này nhất. Cánh tay dì chắc nịch cầm lấy cái sàng đưa lên vẽ một vòng tròn trên nong. Những hạt nếp bắt đầu rơi xuống. Trên mặt sàng xuất hiện một xoáy tròn màu nâu, lâu lâu dì dừng lại gom đám màu nâu đó bỏ vào cái âu bên cạnh. Đó là những hạt nếp chưa được bóc hết vỏ. Dì xúc nếp, rồi sàng, rồi gom, rồi đong… nhanh đến mức chúng tôi nhìn thôi cũng chóng mặt. Dì làm nhanh hơn cả vị ảo thuật gia biến cái khăn mùi soa thành con chim bồ câu ngoài chợ phiên mà lâu lâu chúng tôi vẫn được xem.
Xong món sơ chế, dì nổi lửa lên rang cốm. Mùi rơm khô, mùi cốm mới, mùi gừng, mùi mật mía quện vào nhau thơm một góc nhà. Bây giờ tôi đã đi thật xa, dì cũng đã lấy chồng từ độ ấy, nhưng mùi cốm của dì vẫn phảng phất đâu đây. Rót một ly trà nóng, nhâm nhi với mẻ cốm vừa rang nơi Biên Hòa xa xôi mà nhớ dì kinh khủng. Ngoài kia có phải thu sang mà mùi cốm của dì nồng nàn đến vậy?
Ngô Hường