Bên lề lễ ký kết, tôi nghe thấp thoáng ý tưởng rất thú vị về sự kết nghĩa giữa TP.Dubna của Nga với TP.Long Khánh của Việt Nam. Hoàn toàn chẳng mơ mộng tí nào, bởi như một câu nói khác của Flerov mà tôi ghi được trên bức tường của Viện Dubna: "Nếu tôi đồng ý ngay với bạn, bạn sẽ không tôn trọng tôi nữa. Nếu tôi nói không với bạn, bạn sẽ không nghe tôi nữa. Do đó, không có gì là không có thể!".
Bên lề lễ ký kết, tôi nghe thấp thoáng ý tưởng rất thú vị về sự kết nghĩa giữa TP.Dubna của Nga với TP.Long Khánh của Việt Nam. Hoàn toàn chẳng mơ mộng tí nào, bởi như một câu nói khác của Flerov mà tôi ghi được trên bức tường của Viện Dubna: “Nếu tôi đồng ý ngay với bạn, bạn sẽ không tôn trọng tôi nữa. Nếu tôi nói không với bạn, bạn sẽ không nghe tôi nữa. Do đó, không có gì là không có thể!”.
Lễ ký kết thỏa thuận ba bên về hợp tác thực hiện nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và kỹ thuật |
* Từ đống tro tàn…
Sáng sớm ngày 18-4, chúng tôi khởi hành từ trung tâm Moscow đi về hướng đông bắc để đến Dubna. Đó là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Moscow (vùng quốc gia của Liên bang Nga). Ra khỏi Moscow vài cây số, hầu hết là những cánh rừng, cảm giác có vẻ xa xôi. Phải thật lâu mới thấy một cửa hàng bên cạnh trạm xăng dầu, xe dừng lại để đoàn thư giãn đôi chút. Đập vào mắt tôi, ở bên kia đường, là một chiếc xe sắt cổ quái như trong các bộ phim kinh dị, với hai chiếc bánh mà có lẽ đường kính phải trên mười thước. Anh Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, không rõ có từng sống và học tập ở Nga không nhưng rất rành xứ sở bạch dương, giải thích đó là chiếc “xe tăng” có từ thời Sa hoàng, cách nay hơn một trăm năm. Anh chụp vội cho tôi tấm hình kỷ niệm rồi đoàn tiếp tục hành trình. Trên đường đi, thấp thoáng hai bên đường, dưới cánh rừng cũng là những chiếc xe tăng, đủ kiểu, đủ thời. Người Nga lập bảo tàng thật độc đáo, không cứ phải tập trung tất cả hiện vật về một nơi.
Những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhất là Thế chiến thứ hai, đã lùi xa, hơn cả tuổi thọ trung bình của người Nga hiện giờ, nhưng chứng tích cần phải gìn giữ đôi khi không chỉ một đời người. Lý do nhiều khi là để thấy sự “phục sinh” của một vùng đất, một quốc gia!
Dubna xứng đáng hơn một sự hồi sinh. Thành phố bé nhỏ này nằm bên bờ Volga, con sông dài nhất châu Âu, cách Moscow hơn 120km. Từ giữa thế kỷ trước, nó chỉ là một làng quê bé nhỏ, gần như vô danh.
Ngày 26-3-1956, Chính phủ Xô Viết quyết định hợp nhất Viện Nghiên cứu các vấn đề hạt nhân (INP) và Phòng thí nghiệm Vật lý Electron (EFLAN) của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Liên Xô thành Viện Nghiên cứu liên hợp hạt nhân Dubna (JINR), gọi tắt là Viện Dubna, đặt tại làng quê xưa cũ này. Từ ngày đó, Dubna đã được coi là một trong những thành phố khoa học quan trọng của Liên Xô và dần trở thành điểm sáng lấp lánh trên bầu trời khoa học toàn nhân loại.
Dubna chỉ có trên 60 cây số vuông với hơn 6 vạn dân, chưa bằng một phần ba TX.Long Khánh (từ ngày 1-6-2019 là thành phố) của tỉnh Đồng Nai cả về diện tích lẫn dân số. Từ cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, Chính phủ Liên bang đã có chủ trương xây dựng Dubna thành đặc khu mang cấp Chính phủ - Khu kinh tế tự do (Free economic zone) vào năm 2020.
* … Đến thành phố khoa học và khu kinh tế đặc biệt đổi mới sáng tạo
Nói Dubna là thành phố khoa học không có gì phải bàn cãi. Điều đó hiển hiện ngay trên con đường dẫn đến Viện Dubna với bức tượng bán thân của những biểu tượng khoa học Nga như Dmitri Mendeleev (tác giả của Bảng tuần hoàn Mendeleev), Georgy Flerov, cùng những bức bích họa miêu tả phản ứng nhiệt hạch.
Hơn 60 năm qua, Viện Dubna đã trở thành một trung tâm nghiên cứu về nhiều lĩnh vực đa dạng của vật lý hạt nhân, với sự tham gia thường xuyên của hơn 6 ngàn người. Trong đó, hơn 1 ngàn nhà khoa học, với hàng chục viện sĩ hàn lâm, hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, hàng ngàn kỹ sư và nhân viên kỹ thuật. Viện Dubna có 8 phòng thí nghiệm để hơn 1 ngàn nhà khoa học từ khắp nước Nga và trên thế giới đến làm việc. Mỗi năm tại đây có khoảng 1.500 công bố quốc tế và báo cáo khoa học.
Điều rất thú vị là phát minh ra Bảng tuần hoàn (Định luật tuần hoàn) của các nguyên tố hóa học là một người Nga, Dmitri Mendeleev (1834-1906) vào năm 1869. Thời đó, trí tuệ nhân loại mới chỉ biết đến 63 nguyên tố. Từ năm 1940-1965, qua Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Đại học California ở Berkley (LBNL) của Mỹ, các nhà khoa học tiếp tục phát minh thêm 9 nguyên tố nữa (93-101). Ra đời muộn hơn gần 20 năm, Viện Dubna, từ năm 1966, đã giành quyền là nơi phát minh của những nguyên tố mới, đặc biệt là các nguyên tố siêu nặng, sau Uranium: 113, 114, 115, 116, 117 và mới nhất là nguyên tố 118. Tên của TP.Dubna được đặt cho nguyên tố 105 - nguyên tố Dubnium. Trường hợp của Flerov Georgy Nikolaevich (1913-1990), Giám đốc Viện Dubna còn độc đáo hơn nữa. Nguyên tố Flerovium (114) được ông và ê-kíp khoa học của mình phát hiện ở Dubna. Flerov là nhà khoa học thứ hai trên thế giới đang sống mà tên của mình được đặt cho một nguyên tố hóa học.
Thật khó có thể kể hết những gì mà tôi được nghe, được biết khi đến Dubna. Nhờ có khoa học mà một làng quê nghèo nàn trở thành thành phố văn minh và sáng tạo. Nhờ khoa học mà hiện giờ Dubna đang dần trở thành khu kinh tế tự do của nước Nga, với hàng trăm doanh nghiệp, chủ yếu là khoa học và công nghệ, đang hoạt động.
* “Khoa học kết nối các quốc gia”
Đấy là tên slogan của TP.Dubna. Ra đời từ trong lòng chế độ Xô Viết, nhưng ban đầu Viện Dubna đã là tổ chức liên chính phủ. Với tầm nhìn của các nhà khoa học và hẳn nhiên của cả các nhà chính trị, để Dubna trở thành một trung tâm nghiên cứu quốc tế thì việc mở cửa phòng thí nghiệm và hợp tác quốc tế mới có thể đem lại những hiểu biết mới của con người và đẩy mạnh ứng dụng của năng lượng hạt nhân vì hòa bình. 50% thời gian của các phòng thí nghiệm ở đây dành cho người ngoài viện đến làm việc. Ngay như năm vừa rồi, hơn 100 nhà khoa học quốc tế đã đến để làm trên 200 thí nghiệm khoa học. Cả kinh phí hoạt động của Viện Dubna cũng trên cơ sở đóng góp của 20 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, là thành viên từ buổi ban đầu.
Tác giả bên chiếc xe tăng cổ trên đường đến Dubna |
Khoa học kết nối các quốc gia (Science bringing nations together) đã là tinh thần và mục tiêu của Dubna xuyên suốt từ khi hình thành đến nay. Nếu giám đốc đầu tiên của Dubna là Dmitrii Blokhintsev - nhà vật lý Liên Xô mới hoàn thành việc thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới ở Obninsk (Nga) thì hai vị phó là người Ba Lan (Marian Danyzs) và Séc (Vaclav Votruba).
Trên một bức tường ở Viện Dubna, chúng tôi thấy có treo ảnh của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới về vật lý hạt nhân. Điều rất thú vị là bên cạnh bức chân dung rất đẹp của Flerov Georgy Nikolaevich là câu nói của ông. Tôi nhờ TS.Nguyễn Ngọc Anh ở Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học - công nghệ) dịch như sau: “Khi giải thích với một lãnh đạo quan trọng về một vấn đề khoa học phức tạp, anh không phải giải thích theo đúng nghĩa của nó mà hãy giải thích để lãnh đạo hiểu. Đó là sự lừa dối cao cả”. Cống hiến đối với khoa học của ông vô cùng to lớn, nhưng ít người biết rằng, năm 1942, viên trung úy lái xe tăng Flerov từ mặt trận đã gửi một bức thư về cho Đại nguyên soái Stalin. Không ai biết trong lá thư ấy nói gì, nhưng không lâu sau đó người Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến hàng trăm ngàn người dân vô tội đã chết, và Liên Xô đã biết làm gì để tránh một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân.
Ở Dubna, chúng tôi được biết và nghe kể về thành tích của không ít nhà khoa học Việt Nam đã đến đây học tập, nghiên cứu và có những phát minh xuất sắc cho nhân loại. Đó là
GS.Nguyễn Đình Tứ, nguyên Chủ tịch Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, tác giả phát minh phản hạt sigma âm. Là GS.Nguyễn Văn Hiệu, Đại diện toàn quyền Việt Nam tại Dubna... Ngay tại Dubna hiện giờ cũng đang có hơn 40 người Việt Nam là cán bộ khoa học, nghiên cứu sinh đang học tập và làm việc.
Buổi cuối cùng ở Dubna, đoàn công tác của Bộ Khoa học - công nghệ và tỉnh Đồng Nai đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận ba bên về hợp tác thực hiện nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và kỹ thuật giữa Viện Dubna, Đại diện toàn quyền Việt Nam tại viện và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Bên lề lễ ký kết, tôi nghe thấp thoáng ý tưởng rất thú vị về sự kết nghĩa giữa TP.Dubna của Nga với TP.Long Khánh của Việt Nam. Hoàn toàn chẳng mơ mộng tí nào, bởi như một câu nói khác của Flerov mà tôi ghi được trên bức tường của Viện Dubna: “Nếu tôi đồng ý ngay với bạn, bạn sẽ không tôn trọng tôi nữa. Nếu tôi nói không với bạn, bạn sẽ không nghe tôi nữa. Do đó, không có gì là không có thể!”.
Bùi Quang Huy
(*) Bài cuối (Xem các bài từ số 3590 ngày 7-5-2019)