Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tấm lòng thầm lặng

10:03, 13/03/2019

Tôi biết anh, chị dễ đã đến 5 năm nay. Anh giờ là người bạn thân thiết của tôi còn chị đã là người quen biết. Những năm qua, họ vẫn âm thầm đến với những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh nghèo nơi tôi dạy học. Những việc làm tự nguyện của họ mang đậm chất nhân văn và đầy ắp nghĩa tình.

Tôi biết anh, chị dễ đã đến 5 năm nay. Anh giờ là người bạn thân thiết của tôi còn chị đã là người quen biết. Những năm qua, họ vẫn âm thầm đến với những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh nghèo nơi tôi dạy học. Những việc làm tự nguyện của họ mang đậm chất nhân văn và đầy ắp nghĩa tình.

Hội viên Hội Người mù tại huyện Trảng Bom nhận quà tết do Hội Xây dựng Đồng Nai kết hợp cùng Chi đoàn Văn phòng Sở Văn hóa - thể thao và du lịch trao tặng trong dịp Tết Kỷ Hợi (ảnh minh họa). ảnh: Văn Truyên
Hội viên Hội Người mù tại huyện Trảng Bom nhận quà tết do Hội Xây dựng Đồng Nai kết hợp cùng Chi đoàn Văn phòng Sở Văn hóa - thể thao và du lịch trao tặng trong dịp Tết Kỷ Hợi (ảnh minh họa). ảnh: Văn Truyên

1. Chị là kế toán của một công ty nước ngoài ở tỉnh Bình Dương. Không phải doanh nhân, không giàu có, nhưng một lần chị tâm sự: “Thấy học trò nghèo, khó khăn quá nên mình dành dụm ít tiền gửi nhà trường tiếp sức cho các em học sinh đến trường”. Mấy năm nay, cứ vào dịp khai giảng là chị lại đến trường, lặng lẽ nhờ nhà trường mua cho các em quần áo, sách vở đi học hay tặng những bộ máy vi tính cho trường làm phòng máy tính để học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, tham gia các cuộc thi trên mạng.

Học sinh trường tôi mặc dù ở nội ô thành phố, nhưng nhiều em còn rất nghèo. Có em cha mẹ không việc làm ổn định, nhiều em cha mẹ chia tay phải ở với nội hay ngoại, có em lại phải đi bán vé số...  Những cảnh đời đặc biệt mới nghe nói tới thôi đã làm chúng ta chạnh lòng. Vậy nên, các em đến trường đã là cố gắng lắm rồi. Chuyện mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, đóng tiền trường của gia đình cho các em là không thể. Năm nào chị cũng hỗ trợ vài chục suất bảo hiểm y tế. Năm học 2018-2019 này, chị nhờ tôi gửi nhà trường mua cho 20 học sinh 1 năm bảo hiểm với số tiền hơn 10 triệu đồng. Gần tết, chị lại gọi điện gửi 30 phần quà đến các em học sinh nghèo. Giúp đỡ học sinh rất nhiều, song ít ai biết đến tên tuổi chị. Chị gửi gắm tôi: “Thầy nói nhà trường đừng ghi tên trên bảng đóng góp cho trường hay cảm ơn trong những buổi lễ”. Tính chị vậy đó, không thích ồn ào, không thích “đánh bóng” tên tuổi. Vì vậy, chúng tôi rất quý tấm chân tình của chị...

2. Bạn tôi là giám đốc một công ty xây dựng có tiếng không chỉ ở tỉnh Đồng Nai. Tôi biết anh là người đến với những người nghèo neo đơn vào một lần hẹn cà phê nhưng anh tới trễ. Anh cho biết vừa tranh thủ chở gạo giúp cho mấy hộ ở phường Bửu Long và Hòa Bình của TP.Biên Hòa. Cứ khoảng đầu mỗi tháng, đều đặn anh lại mang những bao gạo trắng, dẻo thơm tặng những gia đình nghèo khó. Anh chia sẻ: “Mình không giàu có, nhưng thấy còn nhiều người nghèo quá nên bớt chút tiền chi tiêu hằng tháng mong họ bớt cơ cực hơn”. Không tham gia vào nhóm từ thiện này nọ, không đánh bóng hình ảnh, tên tuổi bằng các chương trình của truyền thông, anh cứ âm thầm đến với những địa chỉ mà các anh khu phố trưởng giới thiệu. Tháng này qua tháng kia đi, lại mang gạo, mang tiền giúp đỡ  và anh đã quá quen với những con hẻm bé nhỏ khó đi, xóm nghèo túng thiếu.

Nhiều lần anh cho biết, đi mới thấy không ít người còn khó khăn và thiếu thốn. Một bao gạo thôi với mình là nhỏ bé, chuyện thường, song đối với họ là cả một vấn đề. Gắng làm được càng lâu càng tốt. Đó là mong ước của anh khi nói về công việc thiện nguyện của mình.

Cách nay không lâu, anh gọi điện rủ tôi lên vùng rừng núi Tân Phú chơi. Trên đường đi anh mới cho biết đi “thực địa” những địa chỉ người già nghèo để hằng tháng anh giúp họ một số tiền mua gạo, mua thuốc lúc ốm đau. Trời hôm ấy vào ngày bão đang đổ vào miền Trung nên mưa xối xả. Đã hẹn trước với người bạn làm công chức ở huyện Định Quán quê Tân Phú, chúng tôi đành phải lên đường. Thật bất ngờ đến địa phận Tân Phú trời nắng dịu. Đi mới biết vùng núi này vẫn còn những gia đình diện xóa đói giảm nghèo. Ghé Phú Lộc, anh Bí thư Chi bộ và Trưởng ấp đã nhiệt tình đưa chúng tôi đến với những cảnh nghèo. Một bà già không nhà cửa được đứa cháu mang về chăm sóc trong căn nhà tạm bợ. Một ông cụ người dân tộc Khmer già yếu với căn nhà nhỏ vách gỗ đã mục nát. Một gia đình không có lấy một miếng đất nhỏ cắm dùi. Một gia đình có con bệnh tật triền miên nằm sâu trong con đường nhỏ gập ghềnh đá ong khiến chúng tôi đắng lòng, thương cảm, bùi ngùi...

Những bao thư anh trao cho họ nhẹ thôi, nhưng đầy nặng nghĩa tình trong đó. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt khắc khổ sáng lên niềm vui khi anh bạn hứa mỗi tháng sẽ gửi giúp một khoản tiền đến lúc còn có thể.

3. Khi tôi viết bài này, đọc được, thấy bóng dáng của mình trên trang báo, chắc chắn anh, chị sẽ trách dù tôi không ghi rõ tên tuổi. Đã nhiều lần có ý định viết về anh, về chị nhưng tôi biết họ sẽ từ chối. Vâng, họ là những người không thích phô trương, không muốn mọi người biết đến việc mình chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo. Họ lặng lẽ mang yêu thương ấm áp đến với những mảnh đời cơ cực, nghèo khó. Muốn cho đi nhưng không hề mong muốn có ngày được nhận lại.

Đẹp và đáng quý trọng biết bao khi trên đời này vẫn còn đó những tấm lòng nhân ái, trách nhiệm vì cộng đồng, xã hội. Việc làm của họ đã làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, xây dựng tỉnh Đồng Nai văn minh, hiện đại và nhân văn. Xin cảm ơn những tấm lòng thầm lặng...

Hòa Hiệp

Tin xem nhiều