Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháng Giêng, đi chùa…...

09:02, 11/02/2019

Đến hôm nay, ngày nghỉ Tết theo hành chính đã hết. Nhưng trong dân gian, hoạt động văn hóa dịp Xuân Tết vẫn còn. Người Nam bộ có tập quán trong tháng Giêng đi viếng 10 kiểng chùa, dự các lễ hội: Chùa Ông ở Cù lao Phố, Chùa Bà Thiên Hậu ở Bửu Long và Thủ Dầu Một,  Bà Chúa Xứ ở An Giang, Dinh Cô ở Long Hải và thực hành các lễ hội cúng các miếu Bà ở các địa phương.

Đến hôm nay, ngày nghỉ Tết theo hành chính đã hết. Nhưng trong dân gian, hoạt động văn hóa dịp Xuân Tết vẫn còn. Người Nam bộ có tập quán trong tháng Giêng đi viếng 10 kiểng chùa, dự các lễ hội: Chùa Ông ở Cù lao Phố, Chùa Bà Thiên Hậu ở Bửu Long và Thủ Dầu Một,  Bà Chúa Xứ ở An Giang, Dinh Cô ở Long Hải và thực hành các lễ hội cúng các miếu Bà ở các địa phương.

Lễ hội Quán Thế Âm tổ chức ở Quan âm tu viện (xã Hóa An, TP.Biên Hòa)
Lễ hội Quán Thế Âm tổ chức ở Quan âm tu viện (xã Hóa An, TP.Biên Hòa)

Có thể nói, Tết Việt Nam là tết văn hóa của cộng đồng (không giống Tết Tây). Trước Tết Nguyên đán, cộng đồng tổ chức các lễ cúng đình thờ Ông, chạp mã ông bà đã khuất; trong những ngày Tết thì tổ chức các hoạt động gia đình gắn với bàn thờ tổ tiên, họ hàng nội ngoại và Tết thầy; sau dịp Tết, cộng đồng quan tâm nhiều đến các lễ hội cúng Bà trên cơ sở tục thờ cúng nữ thần của người Việt Nam.

Tục thờ cúng nữ thần là tín ngưỡng dân gian quen thuộc của cư dân nông nghiệp ở các nước Đông Nam Á với quan niệm: Sự sinh sản của Đất - Nước - Lúa gắn với biểu tượng Mẹ - Nữ thần. Mỗi cộng đồng cư dân thể hiện niềm tin và cách thờ cúng khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Người Việt ở Nam bộ có nguồn gốc từ Trung bộ, Bắc bộ di cư vào Nam mang theo “bóng dáng quê hương”, cả ông bà, tổ tiên và thần thánh của mình. Thực tế, thần điện thờ nữ thần ở Nam bộ gồm các lớp nữ thần được thờ cúng có sự tiếp hợp nguồn gốc bản địa và nguồn gốc Bắc nhập cư.

Lớp nữ thần bản địa có lẽ mang nguồn gốc tín ngưỡng của dân tộc thiểu số thuộc văn hóa Nam Trường Sơn như: Chăm, Mạ, Chơro, S’Tiêng... Những nữ thần liên quan đến sản sinh như đất, nước, rừng, cây lúa đều mang tính nữ là nữ thần. Gần gũi nhất là nữ thần Lúa, được thờ cúng và cầu nguyện trong những lễ giáp hạt, lên đồng, xuống đồng và đón lúa mới vào kho. Phải là người phụ nữ bưng thúng lúa đầu tiên đưa vào kho mới không xâm hại đến sự sản sinh của thần Lúa. Lúa giống cũng do người phụ nữ chọn lựa, bảo quản.

Tục thờ nữ thần đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt ở phương Nam, hình thành và phát triển từ lâu đời, có sức sống bền vững, hỗn dung nhiều nhân tố mới mà không xa rời cội nguồn, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng. Đấy là biểu tượng đẹp, mang ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc gắn liền với truyền thống văn hóa tích cực của dân tộc. Những giá trị văn hóa đích thực của nó cần được gạn lọc, bảo tồn và định hướng phát triển hợp lý, vừa duy trì bản sắc vừa phù hợp thực tế phát triển và hội nhập; đồng thời hạn chế và loại trừ sự biến tướng bởi kẻ buôn thần bán thánh mưu lợi cá nhân.

Hệ thống nữ thần nhập cư từ miền Bắc hiện chiếm lĩnh các đền thờ nữ thần ở Nam bộ. Nhưng đó không phải là sự sao chép nguyên bản mà có cải biến cho phù hợp với nhận thức và điều kiện ở quê hương mới. Mẹ Âu Cơ - mẹ của cả dân tộc - được thờ vọng ở nhiều nơi. Nhưng nhiều hơn cả là Tam Tòa Thánh Mẫu hoặc Tứ phủ được thờ ở miễu, ở đền; cả ở đình, ở chùa (tiền thần hậu mẫu). Cách bài trí điện thờ và vị trí các Mẫu không khác mấy so với nguyên gốc. Các miễu thờ Tam Tòa thường là mẫu Thiên mặc áo đỏ ngồi giữa, mẫu Thoải áo trắng, mẫu Thượng Ngàn áo xanh ngồi 2 bên. Nếu là Tứ Phủ thì Mẫu Liễu Hạnh với áo choàng đỏ sậm, trang sức rực rỡ ngự ở điện cao có màn che phủ, lớp dưới là các cô, các cậu hầu Mẫu. Đáng chú ý là trong 7 cô được hầu điện, Cô út với nước da đen đúa có lý lịch là người dân tộc và giỏi nghề đốn củi đốt than, có lẽ là nữ thần bản địa được nhập điện thờ Mẫu. Trong 2 cậu của Mẫu (cậu Tài - cậu Quới), có cậu Tài thường ôm con gà trống với đặc tính là ham vui, rất yêu thích và rất giỏi đá gà, tính cách này sát hợp với người địa phương nên gần gũi mọi người.

Khi giao lưu với dòng văn hóa tâm linh của người Hoa, quá trình tiếp biến văn hóa đã biến bộ tứ (Tứ Phủ) thành bộ ngũ (Ngũ Hành). Người Hoa đã bổ sung một nữ thần quan trọng: Bà Thiên Hậu. Bà Thiên Hậu có chùa thờ riêng ở Bửu Long (Chùa Thiên Hậu), ở Thủ Dầu Một (Chùa Bà), được giới buôn bán xem là mẹ bảo trợ của mình. Bà Cửu Thiên Huyền Nữ (Thiên Phủ) trở thành mẹ sanh mẹ độ mạng người được lập trang thờ ở gia đình. Mẫu Thoải, người địa phương gọi là Bà Thủy “thêm nhiệm vụ” độ trì, cứu nạn cho người làm nghề sông nước, được thờ cúng theo ghe hoặc các miễu nhỏ ven sông. Người ta cho rằng những người chết nước linh thiêng trở thành bộ hạ hầu Bà Thủy ở thủy phủ.

Người Việt ở vùng đất mới phương Nam trù phú đã gởi gắm tâm linh của mình ở những nữ thần có lai lịch bản địa tuy không giàu thần tích nhưng gắn bó với mảnh đất họ đang sinh sống. Vì thế, xuất hiện các bà: Chúa Xứ, Chúa Ngọc, Bà Đen... ở Nam bộ. Cô Lê Hồng Thủy, một trinh nữ chết trôi có tấm lòng yêu đất, yêu biển Long Hải nên được phụng thờ ở Dinh Cô (Long Hải). Thị Vải có cá tính khác thường, giàu lòng nhân ái và khát vọng tự do cũng được lập miếu thờ. Cô Bóng Hiên khẳng khái, thực lòng mà phải tội chết trở thành thần nữ linh thiêng có miễu thờ khang trang ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Tục thờ nữ thần trong tín ngưỡng dân gian có xu hướng thâm nhập vào các hình thức tín ngưỡng khác. Đa số các đình và nhiều chùa có bàn thờ Mẫu ở hậu điện. Đạo giáo cũng thường chọn các hội lễ cúng Bà để bày tỏ đạo pháp. Quan Thế Âm của Phật giáo Bắc tông, bà Kh’mau của Phật giáo Nam tông và Mẹ Maria của Thiên Chúa giáo được tín đồ ưu ái phụng thờ hơn cả, có lẽ xuất phát từ thói quen tín ngưỡng thờ nữ thần. Tượng Quan Âm Bồ tát ở các chùa, các nơi lộ thiên thường được “mẫu hóa” bằng cách khoác một áo choàng, thường là sắc áo trắng của Bà Thủy (Mẫu Thoải). Người ta tin rằng Bà Thủy và Quan Âm Bồ tát có “họ hàng” với nhau trong việc cứu người lâm nạn trên sông nước, vì vậy 2 bà cùng được mời gọi khi khấn nguyện. Và, hình tượng Quan Âm Bồ Tát trở nên gần gũi, quen thuộc với mọi người hơn bất cứ vị Phật, Thánh nào khác.

So với lễ hội cúng đình thờ Ông, lễ hội cúng Bà ở miễu, ở đình, đền... cởi mở và sinh động hơn, bởi lẽ không bị ràng buộc bởi nghi thức cung đình. Lễ hội cúng Bà cũng thường tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch (tháng mười cúng cha, tháng ba cúng mẹ). Lễ hội cũng gồm các nghi lễ dâng hương, đăng, trà, quả cúng Bà và xin lộc Bà như ở Bắc bộ, có khác là nghi thức thỉnh Bà từ ngoài biển vào với ý nghĩa như là sự tái hiện hình ảnh di nhập vào Nam bộ của buổi ban đầu. Ở chùa Thiên Hậu rước Bà bằng “lễ bắt cầu” lúc nửa đêm; ở Dinh Cô, thỉnh Cô bằng thuyền lúc rạng sáng.

Người dân dâng hương Ngũ hành nương nương ở đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa)
Người dân dâng hương Ngũ hành nương nương ở đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa)

Lễ hội cúng Bà thu hút các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của nhiều vùng: hát bả trạo hầu Cô ở lễ hội Dinh Cô vốn có nguồn gốc từ Trung bộ gắn với lễ tế cá Ông của cư dân miệt biển; hát chầu văn theo cung cách của Hội Phủ Giầy nhưng bài bản có cải biến hợp với tâm tư người địa phương; chặp Địa - Nàng, một biến thể của hát bội Nam bộ có cội nguồn từ Trung bộ; hát bóng rỗi vừa mang tính nghi lễ vừa là trò diễn dân gian.

Thông thường mỗi chương trình Bóng rỗi, Địa - Nàng cúng miễu Bà gồm các tiết mục: 1. Khai tràng, 2. Chầu mời - thỉnh tổ, 3. Chặp Địa - Nàng, 4. Hát bóng rỗi. Đó là những tiết mục được người địa phương yêu thích nhất, vừa gọn trong một đêm diễn. Những bóng Sửu, bóng Đặng (ở Cù lao Phố) từng nổi tiếng khắp miền Đông là nhờ sự khéo léo, điêu luyện trong các tiết mục kể trên. Học trò của bóng Tời (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) hiện vẫn còn hành nghề khắp các tỉnh miền Đông.

Năm 2015, trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai phối hợp với các đơn vị tổ chức Liên hoan Bóng rỗi - Địa Nàng thu hút 12 đoàn truyền thống ở Nam bộ tham gia biểu diễn, đã chứng minh sức sống và đặc điểm  nghi lễ - nghệ thuật của loại hình này.

PGS-TS.HUỲNH VĂN TỚI

Tin xem nhiều