Gần đây, ngày 14-2 hằng năm được xem là ngày của tình yêu đôi lứa. Ngày này thường được chú trọng đến việc trao nhận quà, nhưng thực ra còn là ngày để lắng lòng nghĩ về tình yêu. Tình yêu là ngọn lửa thắp sáng lòng người từ xưa đến nay, ở muôn nơi, không chỉ có trong ngày 14-2. Mỗi dân tộc đều có cách thắp lửa và truyền lửa tình yêu của mình.
Gần đây, ngày 14-2 hằng năm được xem là ngày của tình yêu đôi lứa. Ngày này thường được chú trọng đến việc trao nhận quà, nhưng thực ra còn là ngày để lắng lòng nghĩ về tình yêu. Tình yêu là ngọn lửa thắp sáng lòng người từ xưa đến nay, ở muôn nơi, không chỉ có trong ngày 14-2. Mỗi dân tộc đều có cách thắp lửa và truyền lửa tình yêu của mình.
Giới trẻ hiện nay thường chọn tặng hoa nhân Ngày tình yêu 14-2 (ảnh chụp chiều 13-2) |
Ngày 14-2 (Valentine’s Day) còn được gọi là Ngày tình yêu hay Ngày tình nhân. Ngày này, mọi người nhất là giới trẻ thường tặng nhau thiệp tình yêu, hoa hồng, chocolate hoặc nhiều món quà khác.
* Truyền thuyết Ngày tình yêu
Có ít nhất 3 truyện kể giải thích nguồn gốc Valentine’s Day, trong đó phổ biến nhất là truyền thuyết về linh mục tên là Valentine, sống dưới triều đại La Mã (khoảng thế kỷ thứ 3), đã chống lại sắc lệnh của vua Claudius II cấm các chàng lính trẻ lấy vợ khi đang thực hiện nghĩa vụ trong quân đội. Linh mục Valentine nhân danh tình yêu cao cả đã bí mật tổ chức các lễ thành hôn cho nhiều đôi trai gái, sau đó bị bắt giam và xử tử hình cùng các cặp trai gái thành hôn vào ngày 14-2. Lại có dị bản, trong thời gian chờ bị xử chém, tử tù Valentine (hoặc người thầy thuốc) đã chữa khỏi bệnh cho cô con gái mù của viên cai ngục. Cô gái tìm thấy ánh sáng và giữa họ nảy sinh tình yêu. Câu chuyện đó đã trở thành huyền thoại, và ngày 14-2 được xem là ngày hội của những người yêu nhau.
Bộ Giáo dục, thanh niên và thể thao Campuchia vừa ban hành thông tư nhắc nhở học sinh, sinh viên rằng ngày Valentine sắp tới (14-2) không phải ngày lễ, và càng không phải ngày để “trai gái hẹn hò lãng mạn”. Văn bản nhấn mạnh “Ngày này không phải lễ truyền thống của người Khmer, nhưng trong vài năm qua đã trở nên phổ biến, khiến giới trẻ bỏ bê chuyện học hành và có những hành động trái truyền thống, gây xấu hổ cho gia đình”. Bộ này cũng có văn bản hướng dẫn các trường ngăn chặn hành động đi ngược với văn hóa và truyền thống Campuchia trong ngày 14-2, và yêu cầu các cơ sở giáo dục công và tư nhân tăng cường biện pháp kiểm soát sinh viên, học sinh trong ngày Valentine, không để giới trẻ “cúp” học đi hẹn hò. |
Huyền thoại về Ngày tình yêu được truyền khẩu trong dân gian từ thế kỷ thứ 3 trong phạm vi hẹp ở một số nước thuộc Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng trong nhiều thế kỷ dần bị nhạt nhòa trong ký ức của người dân. Mãi đến thế kỷ 17 ở các nước phương Tây mới bùng phát thành làn sóng ngày hội tình yêu đôi lứa với hiện tượng tặng thiệp, tặng quà tình yêu làm sôi động thị trường. Từ đó, thị trường đã kích hoạt, thúc đẩy Ngày tình yêu để gặt hái lợi nhuận thương mại. Ngày tình yêu 14-2 trở thành trào lưu lan tỏa nhanh chóng trong lòng yêu của giới trẻ. Theo U.S. Greeting Card Association, trên thế giới mỗi năm có hơn 1 tỷ thiệp Valentine và quà tặng được trao tay trong ngày lễ này (chỉ xếp hạng sau ngày lễ Giáng sinh).
Tuy nhiên, mỗi nước có cách nghĩ và cách tiếp nhận khác nhau về làn sóng Ngày tình yêu. Trước đây tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Á (trong đó có Việt Nam), Ngày tình yêu là ngày 7-7 âm lịch, còn gọi là Thất tịch. Tại Brasil, ngày Dia dos Namorados (Ngày của các tình nhân) được tổ chức vào ngày 12-6. Tại Iran, Arabi Saudi, Malaysia và một số quốc gia khác lại cấm tổ chức các hoạt động kỷ niệm, mừng và bán những món quà ngày lễ tình nhân vì cho rằng ngày Valentine khuyến khích các quan hệ ngoài hôn nhân, phi truyền thống, cần phải cấm để ngăn chặn sự lây lan của văn hóa phương Tây.
Ở Việt Nam, Ngày tình nhân mới du nhập gần đây nhưng các hoạt động mua sắm, tặng quà, họp mặt, lễ hội ngày càng rộn ràng, cuốn hút theo dòng chảy thị trường mà ít người quan tâm đến cốt lõi tình yêu nhân văn mang bản sắc Việt Nam.
* Ngày tình yêu bản sắc Việt Nam
Cốt lõi của Valentine’s Day vẫn là ngọn lửa tình yêu vĩnh cửu trong lòng người, nhân văn và lãng mạn. Nhưng đó là màu sắc tình yêu tuyệt đối hóa hạnh phúc cá nhân, mờ nhạt ý nghĩa xã hội. Nó bổ sung chứ không phải thay thế những ngày tôn vinh tình yêu đôi lứa mang tâm hồn Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dạng văn hóa trong hệ văn hóa phương Đông. Từ thời xa xưa khuyết sử, Việt Nam cũng như một số nước theo văn hóa phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lấy ngày 7-7 (Thất tịch) làm ngày tình yêu đôi lứa. Ngày này gắn với truyền thuyết về nhịp cầu Ô thước cho Ngưu lang - Chức nữ hội ngộ khiến đất trời rơi lệ cảm thương, thành mưa ngâu hằng năm. Chuyện kể có ý nghĩa giáo dục nhân văn: dẫu có trừng phạt thế nào cũng phải dành phần cho đôi lứa yêu nhau.
Trong cổ tích huyền thoại của Việt Nam, có câu chuyện tình yêu xứng đáng được chọn là ngày tình yêu đôi lứa mang bản sắc thuần Việt. Sách Lĩnh Nam Chích quái viết rằng, đời Hùng Vương thứ 3 (trước huyền thoại về Vanlentine’s Day nhiều trăm năm), có chàng trai tên Chử Đồng Tử ở thôn Chử Xá (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội), gia cảnh nghèo khổ nên lúc cha là Chử Cù Vân lâm chung, chàng phải nhường cái khố duy nhất chôn theo cha, chịu cảnh thân mình trần truồng, ban ngày phải giấu mình dưới nước đánh cá. Bữa nọ, nàng Tiên Dung (ái nữ của vua Hùng) vốn thích ngao du sơn thủy tình cờ dừng lại ở bãi Chử Xá, thấy nơi đây phong cảnh hữu tình nên truyền quây màn, tắm mát với thiên nhiên. Không ngờ khi tắm Tiên Dung dội nước làm trôi cát, lộ ra thân hình của chàng Chử Đồng Tử đang chôn mình trốn lánh ở đó. Duyên trời đưa đẩy, hai trái tim phóng khoáng gặp nhau, vượt qua tình huống trớ trêu, vượt lên khoảng cách sang hèn, hai người tự quyết nên duyên vợ chồng.
Chử Đồng Tử - Tiên Dung không đóng khuôn tình yêu đôi lứa của mình trong hạnh phúc cá nhân mà gắn kết, chia sẻ, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho cộng đồng. Hai người không theo ý của vua cha mà sống đời dân dã với thôn làng Chử Xá, mở chợ Hà Thám, tổ chức các hoạt động buôn bán, trao đổi sản vật; học đạo và hành đạo phụng sự dân làng, làm cho địa phương ngày càng nhộn nhịp, phồn thịnh. Hùng Vương cho là Chử Đồng Tử - Tiên Dung có ý tạo phản nên xuất binh đi đánh. Trời tối, khi quân nhà vua đóng ở bãi Tự Nhiên, bỗng nhiên nửa đêm bão to gió lớn nổi lên, Tiên Dung - Chử Đồng Tử phút chốc bay lên trời. Chỗ nền đất cũ nơi ở của đôi vợ chồng sụp xuống thành một cái đầm rất lớn, dân gian gọi là đầm Dạ Trạch; bãi cát ven sông nơi Tiên Dung tao ngộ Chử Đồng Tử gọi là bãi Tự Nhiên hoặc bãi Màn Trù (bãi quây màn).
Cặp đôi Chử Đồng Tử - Tiên Dung đắc đạo về trời, nhưng lòng vẫn ở lại với nhân gian, thường xuất hiện giúp đỡ dân lành, hỗ trợ người nghèo khó; có lần hiển linh giúp Triệu Quang Phục đánh thắng giặc nhà Lương. Tình yêu và ân đức của Chử Đồng Tử - Tiên Dung được người dân tin yêu, cảm phục, dựng đền thờ ở Dạ Trạch và nhiều nơi khác, thực hiện nghi thức thờ phụng thiêng liêng, hằng năm tổ chức lễ hội vào giữa tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa để tưởng nhớ, tri ân.
Tình yêu đôi lứa của Chử Đồng Tử và Tiên Dung có ý nghĩa khác hẳn với Valentine’s Day ở tính nhân văn, lãng mạn, gắn kết với cộng đồng, phù hợp với văn hóa cộng đồng nên được nhân dân lưu truyền, gìn giữ và thực hành nghi lễ tưởng nhớ, tôn vinh nhiều nghìn năm qua. Đáng tiếc, ngọn lửa tình yêu Chử Đồng Tử - Tiên Dung vẫn chỉ thắp sáng trong ký ức dân gian, chưa được chắp cánh để phổ quát, sống động trong dòng chảy của đời sống hiện đại, nên chưa thu hút được giới trẻ như Valentine’s Day.
Dẫu sao, Việt Nam ta cũng có biểu tượng tình yêu mang tâm hồn của mình. Nếu chỉ hướng đến Valentine’s Day mà “nhảy múa” với quà tặng tình yêu thì quá buồn và lo lắng cho ngọn lửa tình yêu của cha ông ta đã thắp sáng từ ngàn đời.
Ong mật