Chiều, thành phố mưa chơi vơi, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn những giọt mưa tí tách rơi, nghe đâu đây lời ca ngọt ngào, man mác: "Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh…". Tiếng hát đưa tôi trở về với ký ức rau đắng tươi xanh một thuở quê nhà.
Chiều, thành phố mưa chơi vơi, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn những giọt mưa tí tách rơi, nghe đâu đây lời ca ngọt ngào, man mác: “Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh…”. Tiếng hát đưa tôi trở về với ký ức rau đắng tươi xanh một thuở quê nhà.
Thời thơ bé, tôi thích nhất là món canh rau đắng mẹ nấu với cá rô đồng. Đám rau đắng sau hè nhà tôi lúc nào cũng xanh ngắt, tươi non mơn mởn. Quê tôi nhà ai cũng trồng rau đắng trong vườn. Có lẽ nó như đặc sản miệt vườn ở xứ tôi vậy. Những chiều không đến trường, tôi thường cùng bạn bè đi câu hay giăng lưới bắt cá rô, cá sặc. Mẹ thường chọn những con rô đồng to mập để nấu canh rau đắng. Cá rô mà nấu canh rau đắng thì ngon tuyệt, ăn cơm đầy bụng vẫn thòm thèm. Mẹ làm sạch cá, nấu nước sôi, bỏ cá vào, nêm nếm vài thứ gia vị cho vừa miệng rồi mới cho rau đắng vào nồi. Mùi thơm ngọt của cá quyện trong mùi rau đắng dân dã quyến luyến những ai lần đầu thưởng thức. Với những đứa trẻ chúng tôi lớn lên từ bờ ruộng, dòng sông thì món ăn ấy chưa đi xa đã nhớ quay quắt lòng.
Nhớ hôm nào trở lại quê nhà, bạn đãi tôi món cháo cá lóc ăn với rau đắng ngoài vườn nhà bạn. Chẳng phải đêm khuya đói bụng mà tôi bị hương vị rau đắng quyến rũ nên ăn hoài không thấy no. Dễ có đến hơn chục năm rồi tôi mới được ăn món cháo ngon đến thế. Ăn cháo cá lóc rau đắng, uống rượu nồng, nghe cô bạn học ca Dạ cổ hoài lang với giọng ngọt ngào làm tôi say lòng. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe bạn ca, vẫn giọng hát của cái thuở làm tâm hồn tôi say mê, ngẩn ngơ mỗi khi bạn cất lên tiếng ca. Tôi đã đi nhiều nơi, nghe nhiều người ca bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, nhưng sao không thấy say thấy hồn cốt như lời mộc mạc, chân quê của bạn.
Ở thành phố, vào những nhà hàng sang trọng, tôi thường gọi những món quê nhà có ăn với rau đắng, nhưng ăn sao chẳng giống mùi vị như quê nhà. Cứ thấy thiếu thiếu một thứ gì đó khó gọi thành tên. Để rồi mỗi lần nghe tiếng ru hời mênh mang: “Ầu... ơ... Canh rau đắng cá rô đồng. Nồi cơm mẹ nấu thơm nồng ban trưa...”, tôi lại nhớ, lại thương hoài nồi canh rau đắng của mẹ ngày xưa.
Hồng Khởi