Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi tìm giải pháp phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng

09:01, 14/01/2019

Từ lâu, các nước trên thế giới đã đưa di tích lịch sử vào khai thác phục vụ mục đích du lịch. Ở nước ta, nhiều di tích lịch sử cách mạng cũng bắt đầu được quan tâm khai thác và thu hút du khách như: di tích An toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), di tích Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...

PGS-TS.Lâm Nhân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh

Từ lâu, các nước trên thế giới đã đưa di tích lịch sử vào khai thác phục vụ mục đích du lịch. Ở nước ta, nhiều di tích lịch sử cách mạng cũng bắt đầu được quan tâm khai thác và thu hút du khách như: di tích An toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), di tích Nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Một đoàn khách tham quan khu địa đạo ở di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ thuộc xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Một đoàn khách tham quan khu địa đạo ở di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ thuộc xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

Việc khai thác du lịch đối với di tích lịch sử cách mạng một mặt làm phong phú thêm loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách nhưng mặt khác cũng góp phần phát huy giá trị của di tích, giúp tăng cường giáo dục và nâng cao truyền thống văn hóa - lịch sử dân tộc. Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử cách mạng, nhưng cho đến nay mới chỉ có 2 di tích cấp quốc gia gồm: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962), Căn cứ Khu ủy miền Đông (nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu) được khai thác hoạt động du lịch, tuy vậy vẫn còn không ít hạn chế.

* Tiềm năng lớn, khai thác nhỏ

Về lý luận, 2 di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Căn cứ Khu ủy miền Đông đảm bảo được các yếu tố cần của di tích lịch sử cách mạng, đó là gắn liền với quá trình kháng chiến chống Pháp và Mỹ của phong trào đấu tranh ở Đồng Nai, miền Đông Nam bộ và cả Nam bộ. Tự thân các di tích mang giá trị tâm linh, là niềm tin, sự ngưỡng vọng mang tính tâm linh đối với những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng, sáng ngời của những tập thể, cá nhân gắn với di tích.

Trong thực tế, một trong những thế mạnh của di tích cách mạng đang được khai thác ở Đồng Nai là cảnh quan môi trường của di tích - yếu tố rất quan trọng trong tổng thể và là một phần không thể thiếu, tạo nên nét đặc trưng và giá trị của di tích. Với đặc điểm địa lý nằm trong rừng nên toàn bộ các khu di tích hài hòa với không gian, cảnh quan và môi trường, có sông nước, rừng cây với sự đa dạng sinh cảnh tạo nên một bức tranh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành làm tăng giá trị của di tích.

Thời gian gần đây, địa phương đã đầu tư hạ tầng giao thông để rút ngắn thời gian đi lại của du khách khi đến với các cơ sở di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Với những yếu tố cần và đủ ấy, 2 di tích cách mạng ở huyện Vĩnh Cửu đang ngày càng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ cho biết, nếu như năm 2010 các khu di tích có khoảng 12 ngàn lượt khách đến tham quan thì năm 2018 vừa qua số du khách đã đạt đến 44.850 lượt người. Trong đó, chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh đến khu vực di tích để du lịch về nguồn, du lịch tâm linh hoặc du lịch hoài niệm. Tuy nhiên, số lượng du khách như hiện nay vẫn bị đánh giá là chưa xứng tầm với tiềm năng của các di tích này.

Một trong những hạn chế để phát triển du lịch của các di tích nói trên là cơ sở hạ tầng của địa phương vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các di tích cách mạng ở huyện Vĩnh Cửu cũng đã có bước phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa cao đã làm giảm sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Tại khu vực di tích, cơ sở lưu trú cho du khách có số lượng phòng rất ít, không đáp ứng đủ cho những đoàn khách có số lượng lớn. Do đặc điểm cơ sở lưu trú tại đây là nhà nghỉ, nhà khách nên chất lượng còn hạn chế, chất lượng internet, truyền hình kém, hệ thống nước nóng thường gặp trục trặc, hệ thống máy lạnh chưa tốt... Về dịch vụ cũng chỉ có dịch vụ cho thuê phòng, không có các dịch vụ khác.

Nhu cầu ẩm thực cho du khách cũng chưa được đáp ứng đầy đủ. Khu vực cũng chưa có hệ thống cơ sở phục vụ hoạt động vui chơi giải trí; các loại hình vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, thiếu sản phẩm du lịch; hệ thống sản phẩm, quà lưu niệm đơn điệu, thiếu hấp dẫn… nên du khách đến tham quan di tích chỉ ở trong ngày là chính. Đây là nguyên nhân thời gian lưu trú của du khách thấp, chưa đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách; doanh thu du lịch đạt thấp.

Ngày nay, hoạt động du lịch không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan mà du khách còn có nhu cầu tìm hiểu, khám phá những nét độc đáo của truyền thống văn hoá, lịch sử, nhất là với khách quốc tế. Thế nhưng, kỹ năng ngoại ngữ của đội ngũ thuyết minh viên tại 2 di tích còn rất yếu. Với du khách người nước ngoài, đội ngũ thuyết minh giao tiếp viên còn lúng túng, truyền đạt thông tin thiếu sót, phần lớn cần nhờ đến sự hỗ trợ của phiên dịch viên hoặc hướng dẫn viên đoàn du lịch lữ hành...

* Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để có thể gắn kết với du lịch, các di tích cách mạng kháng chiến cần có sự quản lý, định hướng chiến lược, xây dựng tầm nhìn, năng lực tăng trưởng và cạnh tranh. Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết huyện Vĩnh Cửu phải có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch để đảm bảo sự phát triển ngành phù hợp với điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch, đặc điểm dân số và lực lượng lao động để tổ chức và xây dựng phương án. Bên cạnh đó, cũng cần phải quan tâm đến những dự án về xúc tiến, quảng bá, bảo tồn, đào tạo nguồn nhân lực. Đây là điều kiện cần thiết, không thể thiếu để quy hoạch được thực thi trên thực tế, và quy hoạch cần được công khai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị du lịch mang lại lợi ích thiết thực, sự phát triển bền vững để quá trình triển khai thực hiện quy hoạch được thông suốt. Địa phương cũng cần tổ chức giám sát theo các chỉ tiêu kinh tế du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường để đảm bảo quy hoạch được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Mỗi di tích đều có các đặc trưng riêng, có câu chuyện lịch sử, sự kiện và nhân vật riêng mình, vì vậy cần xây dựng các chương trình phù hợp với du khách, lồng ghép các trò chơi trí tuệ, trải nghiệm hoặc vận động tập thể theo đội nhóm, lứa tuổi tạo hứng thú cho các đối tượng tham gia, thông qua đó truyền tải các kiến thức, thông điệp mà di tích muốn thể hiện.

Với di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Căn cứ Khu ủy miền Đông, bên cạnh các địa điểm mang tính lưu niệm cần hướng đến sự quy hoạch phát triển du lịch di tích cách mạng kháng chiến gắn với văn hóa dân tộc và cảnh quan sinh thái. Việc kết hợp phát triển loại hình du lịch về nguồn kết hợp du lịch văn hoá - sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm tạo sự phong phú, đa dạng về sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch tại đây.

Quy hoạch phát triển du lịch của huyện cần có sự kết nối với cộng đồng, phát triển du lịch dựa trên các đặc trưng văn hóa. Cụ thể phải gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống bao gồm di tích lịch sử, di sản văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lễ hội và nghề thủ công truyền thống. Địa phương cần có kế hoạch từng bước khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống như: làng nghề đúc gang thép xã Thạnh Phú, làng nghề sản xuất tre trúc xã Phú Lý, làng bưởi Tân Triều xã Tân Bình, nghề trồng mía nấu đường xã Bình Lợi. Đồng thời, việc tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, lễ hội tạo ra được những sản phẩm tinh thần mới, có dấu ấn sâu đậm, có sức lan tỏa rộng đối với các du khách đến tham quan tại các cơ sở di tích cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển không ngừng của hoạt động du lịch gắn liền với di tích.

Về công tác marketing, quảng bá di tích cần tăng cường qua các sách du lịch, trang web; ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng hữu hiệu các trang mạng xã hội do càng ngày càng có nhiều du khách quyết định sử dụng thông tin từ internet. Thiết kế trang web cần bắt mắt với các thông tin về di tích được lựa chọn kỹ càng để hấp dẫn người xem, đặc biệt là khách du lịch. Trang web cần được dịch sang các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc để dễ dàng tiếp cận với các du khách quốc tế.

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng một cách hiệu quả, khắc phục các hạn chế về cơ sở hạ tầng, lưu trú, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng… Đồng Nai cần có nguồn vốn đầu tư lớn. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, cần chú trọng đến phương án xã hội hóa cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ cho di tích để bảo vệ tôn tạo di tích, cảnh quan thiên nhiên, phục dựng lại chiến trường xưa, tạo sản phẩm mới, khôi phục văn hóa dân gian và làng nghề truyền thống, làm tài nguyên cho phát triển du lịch.

Ngoài ra, địa phương cần có nhận thức mới về vai trò của cửa hàng lưu niệm tại các di tích cách mạng kháng chiến. Những món quà lưu niệm có thương hiệu của di tích như một dấu ấn cho khách du lịch, từ đó giúp họ lưu lại dấu ấn về di tích cũng như quảng bá cho di tích thông qua các sản phẩm. Mục tiêu của cửa hàng lưu niệm là sự tiếp nối giáo dục văn hóa trên cơ sở bản sắc địa phương, các sự kiện lịch sử, là quảng bá giới thiệu du lịch và kinh doanh mang lại lợi nhuận cho di tích.

Những người thực hiện hoạt động phục vụ du khách của di tích ngày nay được nhìn với cách “thoáng” hơn đó là bao gồm cả nhân sự của di tích và các tình nguyện viên có thể là người địa phương hoặc sinh viên chuyên ngành Văn hóa - xã hội…

L.N

Tin xem nhiều