Gia đình tôi không phải người gốc Đồng Nai. Ông nội tôi quê ở Hà Tĩnh, khoảng đầu thập niên 30 thế kỷ trước vào Đồng Nai làm việc ở Công ty cao su Xuân Lộc, còn bà nội quê gốc Nghệ An, vào thăm người cậu cũng làm ở sở cao su thế là quen với ông nội, 2 người nên duyên tại Long Khánh. Nhưng đó vẫn chưa là cơ duyên để gia đình tôi trở thành cư dân Đồng Nai.
Gia đình tôi không phải người gốc Đồng Nai. Ông nội tôi quê ở Hà Tĩnh, khoảng đầu thập niên 30 thế kỷ trước vào Đồng Nai làm việc ở Công ty cao su Xuân Lộc, còn bà nội quê gốc Nghệ An, vào thăm người cậu cũng làm ở sở cao su thế là quen với ông nội, 2 người nên duyên tại Long Khánh. Nhưng đó vẫn chưa là cơ duyên để gia đình tôi trở thành cư dân Đồng Nai.
Trường THPT Ngô Quyền - ngôi trường THPT đầu tiên của Biên Hòa - Đồng Nai. |
Ông nội tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia cướp chính quyền ở Long Khánh và khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông cùng một số công nhân cao su vào rừng lập làng kháng chiến, là tiểu đội trưởng du kích. Cuối năm 1946, làng bị quân Pháp tấn công bất ngờ, cả tiểu đội du kích 17 người bị bắt, chỉ có 2 người thoát được. Quân Pháp lùa hết cả làng ra chứng kiến cảnh hành hình đội du kích. Bà nội cùng với cha tôi - mới 6 tuổi, tận mắt nhìn thấy ông tôi bị chặt tay, bị bắn, bị đạp xác xuống hố chôn tập thể. Làng cũng bị đốt, những ngôi nhà tranh mới vừa mọc lên vào những ngày đầu kháng chiến cháy rừng rực trong lửa đỏ. Giặc Pháp xua hết dân - lúc đó chỉ còn phụ nữ và trẻ con ra khỏi làng. Trong buổi chiều muộn, bà tôi gánh đôi gióng một đầu là 2 người cô (một người 2 tuổi, người kia chưa giáp thôi nôi), đầu kia là cái mền cùng mấy bộ quần áo các con mà bà vơ kịp. Tất cả tài sản gia đình đã thiêu rụi trong trận đốt phá của quân Pháp. Ba tôi lẽo đẽo nắm một đầu gióng đi theo bà, đến một khúc quanh mọi người không ai bảo ai quay lại nhìn lần cuối ngôi làng vẫn còn cuồn cuộn khói, rồi lại lầm lũi bước đi trong giá rét của ngày cận tết.
Bà tôi đem các con đến một xóm lao động ở Gò Vấp, vừa buôn gánh bán bưng nuôi con vừa thay ông nội hoạt động cách mạng với nhiệm vụ rải truyền đơn trong nội thành Sài Gòn. Rồi bà bị bắt, đưa ra tòa xét xử. Tòa tuyên án bà 1 năm tù, cho hưởng án treo nhưng trục xuất khỏi Sài Gòn. Lính mã tà áp giải bà và các con lên xe lửa, thả xuống ga Biên Hòa. Người góa phụ và 3 con nhỏ bơ vơ trên sân ga vắng, không một cắc lận lưng. Lại là một buổi chiều muộn…
Bà tôi hỏi thăm ngôi chùa gần ga xe lửa nhất, rồi dắt díu các con đến Thiên Long cổ tự ở xóm Chùa, sát bên đình Bình Trước (nay thuộc phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) xin tá túc. Sư thầy trụ trì cám cảnh mẹ góa con côi nên đồng ý cho bà tôi được ở tạm nơi chái bếp, còn cho mấy ký gạo sống qua những ngày đầu nơi đất mới. Từ đó, bà tôi tiếp tục buôn gánh bán bưng lo cho các con, tối về mượn ngọn đèn dầu nhà chùa dạy ba tôi học chữ. Ba tôi và các cô cũng nhờ hạt gạo, củ khoai, con cá của bà con lối xóm đùm bọc qua ngày.
Thấy ba tôi ham học, sư thầy hướng dẫn bà xin cho ba tôi vào học ở Trường tiểu học Nguyễn Du. Đốc học của trường lúc đó là thầy Hồ Văn Tam sau khi khảo sát trình độ đã cho ba tôi vào học thẳng ở lớp 2, mấy tháng sau thì chuyển lên lớp 3 chớ không phải qua từng lớp một như bây giờ. Nhà tôi, từ ở đậu chái bếp sau chùa chuyển sang thuê một nửa của ngôi nhà gần đó, rồi thuê hẳn nguyên căn nhà sau đó là mua đứt luôn của chủ cũ. Má tôi dạy ở Trường tiểu học Lân Thành gần nhà, bà nội thì có sạp bán hàng bông ở chợ Kỷ Niệm đối diện trường Ngô Quyền. Hằng đêm dưới ánh đèn dầu leo lét, má tôi và bà nội còn loay hoay làm mứt dừa, mứt me, bánh rế, đậu phộng ngào đường bỏ mối cho các nơi để ba tôi yên tâm đi học.
Từ ngôi nhà ván cũ, bà tôi xây nhà mới. Nhà tôi cũng mắc được đường dây điện, lần lượt có tivi, tủ lạnh, quạt máy cùng các thiết bị sinh hoạt gia đình khác. Má tôi sinh mấy đứa em sau thì gia đình đã có điều kiện thuê người giữ em, thuê người giúp việc. Đời sống ngày càng khấm khá, cả nhà tôi đã coi mình là người Biên Hòa.
Khoảng tháng 3-1975, chiến sự ngày càng gần Biên Hòa hơn. Có những đêm cả gia đình tôi không ngủ được vì tiếng đạn pháo ì ầm. Ba tôi muốn mang cả nhà ra nước ngoài, thậm chí gia đình tôi đã có được thẻ lên máy bay trong một chuyến bay đưa người di tản. Nhưng bà nội tôi bảo: “Các con muốn đi thì cứ đi, má ở lại. Nơi này có xương máu của ba con, có ơn nghĩa của bà con cô bác, má hổng bỏ được”. Đơn giản vậy thôi mà cả nhà tôi đã ở lại.
Bà nội, rồi ba tôi lần lượt qua đời. Đến lượt anh chị em chúng tôi tiếp tục gắn bó với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Trong những câu chuyện kể cho các con chúng tôi bao giờ cũng có chuyện ông nội hy sinh ở Long Khánh, chuyện bà nội được người dân xóm Chùa cưu mang cùng với câu nói của bà nội: “Người Biên Hòa sống tình nghĩa lắm…”.
Thanh Thúy