Biên Hòa đã trải qua 320 năm lịch sử nhưng những nét đặc trưng của mỗi thời kỳ vẫn đủ đầy: Là nét trầm mặc nơi đền thờ người mở cõi phía Nam, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; là vẻ rêu phong 340 năm tuổi của Thất phủ Cổ miếu; là xóm bên An Bình của công nhân khu gang thép Thái Nguyên đi xây dựng công nghiệp nặng; là dấu vết làng nghề dệt chiếu, nấu đường hay trồng dâu phía Cù lao Phố...
Biên Hòa đã trải qua 320 năm lịch sử nhưng những nét đặc trưng của mỗi thời kỳ vẫn đủ đầy: Là nét trầm mặc nơi đền thờ người mở cõi phía Nam, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; là vẻ rêu phong 340 năm tuổi của Thất phủ Cổ miếu; là xóm bên An Bình của công nhân khu gang thép Thái Nguyên đi xây dựng công nghiệp nặng; là dấu vết làng nghề dệt chiếu, nấu đường hay trồng dâu phía Cù lao Phố...
Nghề làm gốm truyền thống Tân Vạn (TP.Biên Hòa). |
Biên Hòa, thành phố thuộc tỉnh lớn nhất nước với hơn 1,2 triệu dân sinh sống, nơi giao lưu trọng yếu các vùng Nam bộ. Người đi xa về, thoáng ngỡ ngàng bởi vùng trung tâm chẳng mấy khác xưa? Nhưng Biên Hòa có những đổi thay mang màu sắc riêng mà không rập khuôn như nơi này, nơi khác. Là 10 cây cầu lớn hình thành trong 20 năm(*), là biểu tượng sống động của sự phát triển. Là thành phố đang vươn về phía Đông với 6 khu công nghiệp tấp nập những dòng người, container hàng hóa...
Sáng mai thức dậy, thấy âm hưởng của quá khứ và hiện tại theo nhau dội về. Là vang vang tiếng kèn buổi sáng nơi di tích Thành Kèn. Là tiếng máy rộn ràng của khu kỹ nghệ. Là âm thanh trầm của chạm, đục đá phía làng nghề Bửu Long. Là tiếng xe be ầm ì bến gỗ phía chân cầu Mới hòa cùng tiếng rì rào của dòng sông. Là tiếng người, xe hối hả vào ca sáng hay tiếng bánh xiết đường ray của đoàn tàu qua cầu Rạch Cát, cầu Ghềnh; tiếng xe ngựa lóc cóc trên đường, tiếng mái chèo và cả tiếng máy của những chuyến xe buýt ngược xuôi những ngả đường thành phố.
(*). 10 cây cầu đã hoàn thành gồm: cầu An Hảo, cầu Bửu Hòa, cầu Đồng Nai, cầu Đồng Nai 2, cầu Hiệp Hòa, cầu Hóa An cũ, cầu Hóa An mới, cầu Ghềnh (còn gọi là cầu Đồng Nai lớn), cầu Long Thành, cầu Rạch Cát và 1 chưa xây dựng là cầu Nhơn Trạch. |
Biên Hòa trong tôi còn là vị ngọt thanh, nức tiếng của những trái bưởi Biên Hòa. Là bánh xôi chiên phồng béo ngậy, giòn tan, bùi bùi nhung nhớ. Là vị đậm, ngọt, cay, nồng của món gỏi cá Tân Mai. Còn khi nhớ hương vị của một món ăn trước khi xa xứ, bạn sẽ tìm thấy ngay: bánh đa cá rô Hải Phòng, phở Nam Định, bùn bò Huế, mì Quảng của phía đằng ngoài; canh chua, lẩu mắm miền Tây; hay cơm gà cá mặn, cơm tấm xứ Biên Hòa. Và vạt sông phía Bửu Long, có lẽ là nơi cộng đồng dân cư sống lâu đời nhất nuôi dưỡng những giọng ca cải lương ngọt mùi. Cũng không khó để gặp gỡ những câu quan họ, đoạn chầu văn hay hờn giận, vui vui của những đoạn trích bài chòi… Cư dân, văn hóa Biên Hòa ngoài bản sắc là sự đan xen bởi người phương xa và người bản địa cùng nhau làm giàu có thêm đời sống tinh thần, văn hóa.
Nếu phải xa mảnh đất này, tự hỏi sắc màu gì làm ta nhung nhớ? Là xanh ngọc của gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Là ngắt tím bằng lăng lúc đông về của những con đường đổ xuống dòng Đồng Nai. Là xanh mát hay rực rỡ sắc màu hoa giấy của cửa ngõ lớn nhất, đường Nguyễn Ái Quốc. Là vàng hực của cánh đồng hướng dương trên Văn miếu. Là lấp lánh ánh bạc của dòng Đồng Nai đêm về hay bóng áo trắng tan trường dưới tán phượng hè rực cháy. Là bầu trời bừng sáng trong đêm pháo hoa cùng dòng người nô nức niềm vui chung của quê hương, Tổ quốc và đất trời.
Vùng trung tâm Biên Hòa nhỏ bé lại là nơi lưu giữ những điều lớn lao. Là Trường bá nghệ Biên Hòa, nơi đào tạo thợ năm nào nay nâng tầm mục tiêu, đào tạo những con người làm đẹp cho đời, cho đất. Là Khu kỹ nghệ Biên Hòa, khu công nghiệp đầu tiên trong lòng đất Việt. Là lò gốm Tân Vạn, Bửu Hòa với những sản phẩm độc đáo mang lời thì thầm của tình đất, tình người. Là nhà lao Tân Hiệp, dấu tích của một thời liệt oanh. Là sân bay Biên Hòa, niềm tự hào của quân và dân trong thời dựng xây hay giữ nước.
Tôi là người Biên Hòa, nếu được bạn ghé thăm, sẽ cùng lên Văn Miếu Trấn Biên. Để biết trong hành trình gian nan mở cõi, việc học được đặt lên hàng đầu. Gọi một bình trà Phú Hội, rót một ly, nhấp một ngụm nhỏ, sẽ thấy nước và tình Đồng Nai lan qua từng đường gân, thớ thịt, để thấm thía hơn về cội nguồn.
Biên Hòa - Đồng Nai, ta nhớ cả khi chưa xa. Và nếu xa, sau tiếng Biên Hòa, địa danh nào làm ta nhung nhớ; có phải Cù lao, Hố Nai, Bửu Long, sân bay hay Bảo tàng, Vườn Mít. Hay phố mới đường Năm, khu dân cư Bửu Long, dòng Đồng Nai hay ánh đèn đêm nơi Nhà hát nghệ thuật truyền thống? Nhớ lắm, bởi thế người nơi xa đến chẳng muốn về, bởi Biên Hòa luôn rộng lòng và cưu mang tất cả. Người Biên Hòa không biết nói về mình bằng những lời hoa mỹ nhưng nhìn dòng người đổ về, chung tay làm khang trang thành phố, bấy nhiêu để hiểu hơn mọi lời tán dương, quảng bá.
Theo dòng phát triển, Biên Hòa đang lớn mạnh từng ngày. Nhưng cũng bởi yêu thương nên còn tiếc nuối. Ước có một cây đũa thần, gõ nhẹ đánh thức du lịch Bửu Long, vườn bưởi Tân Triều, làng bè sông Cái hay Cù lao Phố. Tiếc thành phố như một thanh niên khỏe mạnh, giỏi giang nhưng ít chăm chút bản thân nên những điểm nhấn thị thành thiếu vắng. Tiếc dòng Đồng Nai lấp lánh bạc, vàng nhưng mới khai thác sơ khai. Buồn cho ai đó đến đất này, được cưu mang nhưng chưa tròn bổn phận của người dân với xứ. Nhưng trên hết, Biên Hòa trong tôi vẫn là tự hào, yêu thương, nhớ nhung và gắn bó.
Bởi tất cả những điều đó nên tôi gọi Biên Hòa là thành phố của nơi đất lành yêu thương.
Trâm Oanh