Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàng Ngọc Điệp với Cù lao yêu dấu và Bin mũi hếch

09:10, 06/10/2018

Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp vừa cho ra mắt 2 cuốn sách dành cho thiếu nhi: Cù lao yêu dấu Bin mũi hếch.          

Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp vừa cho ra mắt 2 cuốn sách dành cho thiếu nhi: Cù lao yêu dấu và Bin mũi hếch.   

Bìa 2 cuốn sách Cù lao yêu dấu và Bin mũi hếch.
Bìa 2 cuốn sách Cù lao yêu dấu và Bin mũi hếch.

         

Cù lao yêu dấu là cuốn sách viết về cô bé Na sinh ra và lớn lên ở xứ cù lao. Từ ngày có cây cầu, nối cù lao với phố thị, vùng đất đang tẻ buồn bỗng bừng khởi sắc. Khách lạ đến cù lao nhiều hơn. Tham quan có, để làm ăn kiếm sống cũng có. Những đổi thay khiến cù lao bật lên những mảng màu khác biệt. 

Cù lao yêu dấu lôi người đọc đi thẳng một mạch từ trang đầu đến trang cuối bởi một giọng văn ngọt ngào. Toàn cảnh cù lao hiện lên, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử từ truyền thống đến hiện đại được tác giả công phu tìm hiểu, quan sát và thể hiện trên trang viết. Những điều đó không phải người viết nào cũng có thể “phóng” bút nếu không thực sự am hiểu vùng đất này. Người viết có thể đi thực tế sáng tác nhưng để miêu tả cù lao đến chân tơ kẽ tóc thì thật khó. Ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu mà con tim không rung động, tâm hồn không hòa hợp thì không thể sáng tạo. Hoàng Ngọc Điệp đã làm được điều đó. 

Ngoài nhân vật chính, cha mẹ, bạn bè, người thân của Na được tác giả chịu khó và tỉ mỉ khắc họa chân dung từng người với những nét riêng biệt. Cô bé Na vụt lớn lên so với tuổi lên 10 khi đưa một người bạn của cha đi thăm và giới thiệu những đình chùa miếu mạo trong và ngoài xứ cù lao xinh đẹp. Sinh hoạt văn hóa dân gian Địa - Nàng, Bóng rỗi vào trang viết ghi dấu ấn rất đậm trong lòng người đọc qua tâm tình của một cô gái bất hạnh, là người đồng tính nữ, chỉ vui khi biểu diễn trên sân khấu nhưng đơn độc trong bóng tối bởi thiếu người đồng cảm. Những vui buồn, những khó khăn trong cuộc sống của bạn cùng lớp, cho đến những người bạn tạt ngang qua cù lao kiếm sống bằng nghề cắt cỏ, bẫy chuột đồng, cả những người vì miếng cơm đã đánh bắt chim trời bằng thủ đoạn tận diệt... đều được miêu tả chân thực, sống động.

Bin mũi hếch là truyện dài gồm 2 tập, kể về một cậu bé có cái mũi hếch tên Bin. Sự dụng công viết Bin mũi hếch, có thể nói khó nhiều lần hơn so với Cù lao yêu dấu. Bin mũi hếch không đơn thuần viết về sự hồn nhiên trong trẻo của tuổi nhỏ mà có một tầm vóc lớn hơn. Đây là một truyện dài nhiều nhân vật, nhiều tình huống, nhiều mối tương tác mà nếu không có tay nghề và kinh nghiệm thì khó có thể “múa bút”.

Bin có cha  mẹ, ông bà nội ngoại, họ hàng xa gần, bạn bè, hàng xóm... Nhà ông bà ngoại có ruộng, vườn. Ông bà nội ở phố. Cha mẹ Bin làm việc ở cơ quan nhà nước. Gia đình Bin là một trong rất nhiều gia đình đang hiện diện từ phố thị đến làng quê, những nơi đã, đang thay da đổi thịt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chuyện về một gia đình nhỏ, một cậu trai nhỏ ngỡ đơn giản nhưng hóa ra cũng phức tạp. Vì sao? Vì sự ăn nên làm ra của người dân ở những vùng đang phát triển kéo theo rất nhiều hệ lụy. Bé con lớn lên trong thời mà các bậc cha mẹ dỗ con ăn ngủ cùng máy tính bảng. Đang trên ghế nhà trường, nhiều trẻ đã bỏ học, đi bụi, tìm đến khói thuốc lá và rượu..., sự phức tạp của xã hội hiện đại đang rình rập, đe dọa thành trì của các gia đình.

Rất may, nền tảng gia đình, tình yêu thương, những bài học nhẹ nhàng của cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo đã tạo thành “lá chắn thép” cho cậu bé Bin lớn lên khỏe khoắn cả thể xác lẫn tâm hồn. Hoàng Ngọc Điệp đã rất công phu để cuốn sách mang tính giáo dục mà không giáo điều, áp đặt…

Bin mũi hếch là một cuốn sách thú vị với cả trẻ em và các bậc cha mẹ.                                  

Nguyễn Trí

Tin xem nhiều