Dự án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) hiện vẫn đang trong giai đoạn đề xuất, xin ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân.
Dự án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) hiện vẫn đang trong giai đoạn đề xuất, xin ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân.
Nghi thức khai sắc và đọc 4 sắc phong của Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. ảnh: V. Truyên |
Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho hay, công tác chuẩn bị cho dự án được bắt đầu từ năm 2013 với rất nhiều cuộc họp do lãnh đạo tỉnh chủ trì. Qua mỗi lần họp, dự án đều có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với di tích, đặc điểm của địa phương với mục tiêu cao nhất là bảo tồn được di tích.
* Lựa chọn kỹ lưỡng phương án
Cũng theo ông Lê Trí Dũng, từ sau khi di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1990, do một số hạng mục di tích gốc xuống cấp nên theo đề nghị của chính quyền địa phương, ban quý tế đền thờ và được sự chấp thuận của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), UBND tỉnh đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý di tích tỉnh Đồng Nai thực hiện 2 lần tu bổ, chống xuống cấp đối với di tích.
Cho đến nay, Đồng Nai vẫn chưa lựa chọn phương án thực hiện dự án mà đang trong giai đoạn đề xuất, xin ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân. |
Tiếp đó, nhằm tôn vinh công lao to lớn của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người đã có công lao to lớn trong việc khai khẩn vùng đất phía Nam, năm 2013 Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã phê duyệt dự án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch được giao tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án mở rộng, trùng tu, tôn tạo, xin ý kiến các bên liên quan. Sau đó, Sở đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xin ý kiến Cục Di sản văn hóa.
Đến cuối năm 2017, dự án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm đơn vị chủ đầu tư.
Theo ông Đỗ Quang Điểm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, sau khi tiếp nhận dự án, đơn vị đã tổ chức lấy ý kiến của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, các sở, ngành, Ban quý tế đền thờ, Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai và chính quyền địa phương về thực hiện dự án. Có 2 phương án thiết kế được trình tỉnh xem xét, cho ý kiến, trong đó phương án 1 là giữ nguyên vị trí đền thờ, bình phong, cột cờ, chỉ di dời nhà bia, tượng theo trục thần đạo và xây dựng mới các hạng mục như: nhà trưng bày, nghi môn, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà bảo vệ. Còn phương án 2 là di dời đền thờ đến vị trí trung tâm của khu đất.
Ngày 5-9-2018, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Đặng Thị Bích Liên có văn bản thống nhất với tỉnh chọn phương án 1 để thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích. Phương án này hiện đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khảo sát, đánh giá, hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị cho ý kiến thống nhất.
* Thực hiện dự án là cần thiết
Theo ông Đỗ Quang Điểm, thời gian qua các thành viên Ban quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh có gửi đơn, thư đi nhiều nơi về quá trình thực hiện dự án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là do chưa nắm rõ vấn đề. Trong đó, hồ sơ thiết kế dự án trước đây đã qua 4 lần thay đổi, sửa chữa. Còn hồ sơ hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh mới tiếp nhận góp ý của UBND TP.Biên Hòa, UBND xã Hiệp Hòa, Ban quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Ban Quản lý di tích tỉnh. Do vậy, phần đánh giá hiện trạng mà các báo, mạng xã hội thông tin thời gian qua không có trong hồ sơ đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện.
Về việc có cần thiết phải thực hiện dự án khi mà thành viên ban quý tế đền thờ cho rằng đình còn rất tốt, theo
ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là đình Bình Kính) thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh là danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam đất nước. Theo tư liệu, đền thờ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng chưa được tu sửa toàn phần. Đến nay, di tích vẫn còn những hàng cột lớn và nhiều hoành phi đại tự, bộ áo mão tương truyền là của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh lúc còn sống.
Đặc biệt, năm 2015 vừa qua tỉnh đã thực hiện khai sắc đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh - đây là những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn mà đền thờ còn lưu giữ được. Tuy nhiên, do trải qua thời gian dài chịu tác động của thời tiết cùng sự xâm lấn của con người nên hiện tại diện tích khuôn viên đền thờ bị thu hẹp đáng kể so với trước kia. Ngoài ra, hiện đền thờ chính cùng các hạng mục khác như nhà bia, vị trí đặt tượng Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh không nằm trên trục thần đạo như truyền thống xây đình, đền của người Việt mà mỗi hạng mục một nơi. Cộng thêm trước đây người dân xây lấn vào đất đền thì nên diện tích tổng thể của đền thì lồi lõm thiếu cân đối.
Có một điểm đặc biệt ở ngôi đền, đó là muốn vào bên trong phải đi từ cửa sau. Lý giải về điều này, ThS.Trần Quang Toại cho hay, kiến trúc của đền thờ có mặt chính hướng ra sông Đồng Nai vì thời điểm đó việc di chuyển đường sông thuận tiện hơn đường bộ. Do đó, trong dự án mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân nhưng đảm bảo nguyên tắc bảo quản tốt nhất phần di tích gốc.
Võ Tuyên