Chưa có thời điểm nào mà số lượng di tích được xếp hạng trong tỉnh lại được trùng tu, sửa chữa nhiều như năm nay, đặc biệt là huy động được sự tiếp sức rất lớn về kinh phí từ người dân.
Chưa có thời điểm nào mà số lượng di tích được xếp hạng trong tỉnh lại được trùng tu, sửa chữa nhiều như năm nay, đặc biệt là huy động được sự tiếp sức rất lớn về kinh phí từ người dân.
Các thành viên trong Ban quý tế đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) đang chung tay sửa chữa một góc di tích từ nguồn xã hội hóa. |
* Nhiều di tích được tu sửa
Đang theo dõi nhân công tháo dỡ các chi tiết của chánh điện di tích cấp tỉnh chùa Bửu Hưng (chùa Cô Hồn, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), ni sư Thích Nữ Diệu Minh, trụ trì chùa Bửu Hưng cho hay trước đây mỗi khi trời mưa thì nước từ trên nóc chánh điện chảy xuống làm ngập nền nhà, ướt hết các đồ thờ cúng. Việc này đã xảy ra nhiều năm nhưng do chưa có kinh phí nên chùa chưa sửa chữa được. Năm nay, nhờ các phật tử ủng hộ, chùa chủ động xin phép UBND TP.Biên Hòa, Ban Quản lý di tích tỉnh lập hồ sơ tu sửa, kinh phí hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Khi nghe tin chùa được tu sửa, mọi người đến chùa rất vui và góp sức ủng hộ.
Cùng thời điểm này tại TP.Biên Hòa còn có 2 di tích cấp quốc gia khác là đình Tân Lân (phường Hòa Bình) và di tích chùa Long Thiền (phường Bửu Hòa) được tiến hành tu sửa. Theo ông Lâm Văn Lang, Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân, việc tu sửa phần mái chính điện của đình Tân Lân được thực hiện từ kinh phí của Nhà nước. Riêng phần làm lại sân đình, sửa chữa cửa, sơn lại lớp mới trong đình được làm từ nguồn xã hội hóa với số tiền dự kiến hơn 100 triệu đồng.
Còn tại huyện Thống Nhất, 2 di tích cấp tỉnh là đình Hưng Lộc, đình Dầu Giây cũng được tu sửa từ nguồn xã hội hóa. Ông Ngô Chơn Thuận, Trưởng ban Quý tế đình Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2) cho biết: Vừa qua đình mới đưa vào hoạt động khu vực nhà thờ các anh hùng liệt sĩ với số tiền xây dựng 40 triệu đồng, xây dựng nhà khách gần 80 triệu đồng. Trước đó, người dân còn đóng góp số tiền lớn để xây dựng hàng rào, cổng đình”.
* Góp phần bảo tồn di tích
Ngoài 5 di tích kể trên còn hàng loạt di tích được tu sửa bằng nguồn xã hội hóa trong thời gian qua và sắp tới tiếp tục thực hiện là: di tích cấp tỉnh đình Cẩm Vinh (huyện Vĩnh Cửu); di tích cấp tỉnh đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa (TX.Long Khánh); di tích cấp quốc gia chùa Bửu Phong (TP.Biên Hòa); di tích cấp quốc gia núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc).
Trước việc các di tích được người dân chung sức đóng góp tu sửa, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho hay đây là tín hiệu đáng mừng vì người dân ngày càng đóng góp nhiều hơn cùng với Nhà nước cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích ở địa phương.
Ngoài việc góp phần tu sửa, tôn tạo di tích, người dân còn tham gia bảo vệ, làm đẹp di tích. Như tại di tích cấp tỉnh đền thờ quốc Tổ Hùng Vương (ấp Phú Lâm 2, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú), đều đặn hằng tuần người dân sống quanh di tích này lại quét dọn bên trong nhà thờ, trang trí hoa, dâng hương, nhổ cỏ, phát quang xungquanh khu vực. Ngoài ra, bà con ở xã còn đóng góp để làm đường dẫn lên di tích vì đền thờ nằm ở vị trí trên đồi cao so với mặt đường và đưa điện về để làm sáng nơi thờ quốc Tổ.
Mới đây nhất, để góp phần làm đẹp thêm cho di tích cấp quốc gia Thành Biên Hòa vừa được trùng tu, tôn tạo với kinh phí 41 tỷ đồng, các mạnh thường quân, ban quý tế, ban trị sự các đình, đền, chùa trong tỉnh đã tham gia đóng góp kinh phí để thực hiện công trình cây xanh, thảm cỏ nhằm tạo cảnh quan đẹp, bóng mát cho du khách khi đến tham quan di tích này.
Tất cả những việc làm này của các tầng lớp nhân dân đã góp phần rất lớn cùng với Nhà nước bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Đồng Nai.
Võ Tuyên