Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiêng liêng ngày 2-9

10:08, 31/08/2018

Tháng 9 phương Nam không thấy nắng nhè nhẹ, chẳng có gió dài hiu hiu hay rực vàng hoa cúc như đặc trưng của vùng phương Bắc, nhưng dẫu ở nơi đâu trên dải đất hình chữ S, tháng 9 vẫn cứ là tháng của linh thiêng và nhung nhớ.

Tháng 9 phương Nam không thấy nắng nhè nhẹ, chẳng có gió dài hiu hiu hay rực vàng hoa cúc như đặc trưng của vùng phương Bắc, nhưng dẫu ở nơi đâu trên dải đất hình chữ S, tháng 9 vẫn cứ là tháng của linh thiêng và nhung nhớ.

Trong cuộc đời của mình, bạn biết về ngày 2-9 từ lúc nào? Với tôi, là từ khi trong tôi biết hình thành nỗi nhớ; lâu lắm rồi, có lẽ từ thuở lên 2 hay lên 3 tuổi.

2-9, ngày Tết độc lập, khắc trong tâm trí tôi qua lời kể của bà về đoàn người nơi quê nghèo, chẳng biết nhận được tin vui bằng cách nào mà cơm đùm cơm nắm, đi bộ 1 ngày ròng ra Hà Nội, hòa vào biển người cùng lặng nghe như nuốt lấy từng lời tiếng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập…

 2-9, ngày Tết độc lập, qua lời kể của mẹ, của cha là tâm trạng háo hức của những trẻ quê lên 5, lên 3, dại khờ và hay quên nhưng vẫn nhớ như in rằng, ngày Tết độc lập đầu tiên của dân tộc là một ngày vui, vui không gì tả nổi, đến độ những bước chân đi của trẻ con bỗng trở thành những bước nhảy chân sáo rộn ràng…

2-9, ngày Tết độc lập, từ khi tôi biết nhớ là ngày để chờ mong; để nghẹn ngào nghe lại lời Bác hỏi nơi Quảng trường Ba Đình lộng gió: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” và cũng là ngày để gia đình nghỉ ngơi, quây quần, để chiêm nghiệm về tự do và hạnh phúc.

2-9, ngày sinh của đất nước cũng là ngày Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu mãi mãi đi xa; bởi thế 2-9 vừa là ngày của niềm hân hoan xen lẫn nỗi ngậm ngùi vì sự trùng hợp lạ kỳ của luật đời sinh - tử.

2-9, mỗi người con đất Việt lại thấy rưng rưng trong lòng niềm thương nhớ Bác. Và tự nhắc mình, nhắc nhau hãy sống xứng đáng để không phụ lòng cha, anh, lớp người đã ghi vào lịch sử mốc son hào hùng mang tên 2-9.       

Trâm Oanh

Tin xem nhiều