Những cơn bão hình thành nơi Biển Đông, dẫu sức có mạnh và cuồng nộ bao nhiêu, về đến đất Đồng Nai thường chỉ còn là áp thấp.
Những cơn bão hình thành nơi Biển Đông, dẫu sức có mạnh và cuồng nộ bao nhiêu, về đến đất Đồng Nai thường chỉ còn là áp thấp.
Những ngày áp thấp, thời tiết như cô gái mới lớn, đỏng đảnh, nhiều cảm xúc lại thêm thất thường tính khí. Có khi bầu trời đang quang đãng, nắng chan hòa thì sầm sập mây đen kèm gió rít nơi những vòm lá trên cao. Chuyện mười mươi sắp có mưa to và dông. Rồi như chỉ để đùa giỡn với con người, gió nghĩ lại, thổi mây bay đi, chỉ để lại ít hạt mưa lộp bộp trên mái tôn hay rạt rào trên tán lá. Rồi trời lại trong xanh, như chưa hề có câu chuyện dọa dẫm làm “mất lòng” vừa qua. Nhưng cũng có khi đang nắng ráo thì xối xả đến một cơn mưa, đến độ đi đường thấy mình ướt lướt thướt trước khi choàng xong tấm áo đi mưa. Và rồi lại chuyển qua râm mát, lại có gió hiu hiu, có nắng nhẹ nhàng và ông mặt trời hiện ra, bình thản kiểu như “nãy giờ tôi chưa làm gì trần gian đâu nhé!”.
Giữa hè, bão tố chọn bờ biển phía Bắc làm điểm đầu đặt chân rồi từ từ chuyển đến miền Trung và miền Nam là điểm dừng chân cuối. Trong câu chuyện của các bản tin hằng ngày, xót xa đâu đó những thông tin về mất mát, thương đau và những câu chuyện lá lành, lá rách ấm áp lòng người.
Mới biết để đi qua mùa bão tố, với người Đồng Nai chỉ là việc nhẹ nhàng, giản đơn, chỉ là sự đổi thay nhỏ nhoi cần phải có bởi những ngày nắng hay ngày mưa đã lặp lại nhiều lần nên có “nguy cơ” trở nên đơn điệu nếu không có sự xuất hiện kịp thời của áp thấp. Mới thêm yêu đất Đồng Nai; yêu những cánh rừng còn nguyên sinh bạt ngàn nơi cuối cùng của dãy Trường Sơn, nơi Chiến khu Đ hay những cánh rừng cao su, cây ăn trái bốn mùa xanh mát. Để hiểu rằng, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, người Đồng Nai luôn biết chăm chút và giữ gìn những mảng xanh cho mình, để bão tố từ đâu đó, dẫu sức có mạnh và cuồng nộ bao nhiêu, về đến đất Đồng Nai thường chỉ còn là áp thấp.
Bởi thế, người Đồng Nai, dẫu có đi xa thì vẫn nhớ về gần.
Trâm Oanh