Báo Đồng Nai điện tử
En

Vợ chồng tài tử

08:05, 19/05/2018

Gần 40 năm qua, lớp học đờn ca tài tử do vợ chồng ông Lê Văn Có - bà Lường Thanh Tùng (ngụ ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) duy trì luôn thu hút đông đảo người dân đến học.

Gần 40 năm qua, lớp học đờn ca tài tử do vợ chồng ông Lê Văn Có - bà Lường Thanh Tùng (ngụ ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) duy trì luôn thu hút đông đảo người dân đến học.

Vợ chồng ông Lê Văn Có (bìa trái) - bà Lường Thanh Tùng (bìa phải) hướng dẫn bà con học ca tài tử tại nhà (ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: V.TUYÊN
Vợ chồng ông Lê Văn Có (bìa trái) - bà Lường Thanh Tùng (bìa phải) hướng dẫn bà con học ca tài tử tại nhà (ở ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: V.TUYÊN

Mỗi tuần 3 ngày, từ 17 giờ đến 22 giờ 30, những ai yêu đờn ca tài tử lại tập trung tại nhà đôi vợ chồng này để được hướng dẫn đờn ca.

* Cùng đam mê

Trong số 10 học viên có mặt tại lớp học tài tử được bố trí ngay tại hiên nhà của ông Có và bà Tùng, có người chỉ sống cách đó mấy căn nhà song cũng có học viên đến từ tỉnh Bình Dương. Có người ở độ tuổi 40, nhưng cũng có ông lão đã 70 tuổi. “Ai muốn học đờn ca tài tử, vợ chồng tôi đều dạy. Mà hễ dạy nhiệt tình hết mức, xem mọi người đều công bằng và chỉ hơn thua nhau ở lòng nhiệt thành muốn học hay không mà thôi. Trước thì lớp học lúc nào cũng đông, có nhiều người trẻ tuổi nhưng đến nay “trụ” lại toàn người có tuổi, nên hễ có người chịu học là vợ chồng tôi mừng lắm” - ông Lê Văn Có cho hay.

Lường Thanh Tùng nói: “Trước đây, đám tiệc xa gần gì bà con cũng mời ban đờn ca tài tử đến góp vui. Bây giờ thì mời ban tài tử đến nhưng lại chủ yếu đòi chơi tân nhạc, nên người học đờn, ca tài tử cũng do dự, muốn chuyển qua tân nhạc để dễ kiếm cơm hơn”.

Cũng vì ông Có xem người đến học với mình là niềm vui nên nhiều người khi đến học chỉ cần góp gói trà, chai rượu, món ăn để cùng ngồi học, vừa chơi tài tử là ông thấy mãn nguyện. Bà Quách Kim Ngọc, học viên là người khuyết tật năm nay đã 52 tuổi, đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “Vợ chồng ông Có - bà Tùng dạy đờn ca tài tử đã mấy chục năm nay. Mà vợ chồng này dạy nhiệt tình lắm, phải học thuộc bài, ca cho được từng câu thì mới cho mình qua bài mới. Còn nếu không thuộc nữa thì chồng đàn, vợ ngồi kế bên dìu từng chữ mà không tính toán thời gian”.

 Nói về lớp học được mở tại nhà, bà Tùng cho hay: “Vợ chồng tôi tự xem việc truyền dạy đờn ca tài tử cho mọi người là trách nhiệm. Vậy nên, dù cả 2 đều bận rộn với việc mưu sinh nhưng chưa khi nào chúng tôi để lớp nghỉ học”.

Không chỉ nhiệt tình trong chỉ dạy đờn ca tài tử cho mọi người, vợ chồng ông Có - bà Tùng còn được xóm làng hết lòng khen ngợi bởi sự nhiệt tình, quý người học.

“Trước đây khi đường sá đi lại còn khó khăn, cuộc sống còn nghèo khó, nhiều thanh niên ở xa đến học chưa kịp ăn cơm còn được ông Có và bà Tùng lo cơm nước tại nhà” - ông Lâm Huỳnh Vạn, học viên cao tuổi nhất của lớp học, cho biết.

* Niềm trăn trở

Năm nay, ông Có và bà Tùng đã bước qua ngưỡng lục tuần. 13 tuổi, ông bà đã gắn bó với đờn ca tài tử rồi sau này nên duyên vợ chồng cũng bởi có chung niềm đam mê. Mỗi người trải qua 47 năm vui buồn của cuộc sống cùng với sự thăng trầm của đờn ca tài tử ở địa phương. Đôi vợ chồng tài tử cho biết họ rất vui và tự hào với niềm đam mê mà mình đã chọn và có lẽ sẽ theo 2 người đến suốt cuộc đời.

“Bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng vợ chồng tôi vì có đóng góp cho hoạt động đờn ca tài tử được treo đầy tường nhà. Gia đình tôi được bà con gửi niềm tin để mình chỉ dạy đờn ca. Cũng chính đờn ca tài tử đã góp phần tạo nên cuộc sống tốt hơn cho gia đình tôi qua việc đi biểu diễn dịch vụ cho những nơi có nhu cầu” - ông Có chia sẻ.

Nhưng rồi khuôn mặt 2 vợ chồng chùng xuống khi nhìn những học viên trong lớp. Ông Có cho hay: “Trước đây tụi trẻ học nhiều lắm, nhất là mấy đứa 14-15 tuổi. Bây giờ toàn là người trên 40 tuổi theo học. Việc tìm người trẻ kế cận phát triển cho phong trào đờn ca tài tử ở địa phương mà tôi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu gặp khó lắm. Tôi rất trăn trở về chuyện này”.

Bà Tùng cho biết thêm trước đây ở địa phương có khá nhiều người nắm rõ 20 bài bản tổ, nhưng rồi qua thời gian lớp người cũ có hiểu biết này dần mất đi. Bây giờ người nắm rõ bài bản tổ rất ít. Phần lớn mọi người hát theo ý mình, hay hát theo kiểu “trả bài” mà không gửi được tình cảm, cái hồn vào lời ca. Điều này dễ làm người xung quanh không hiểu hết về đờn ca tài tử.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều