Nhà báo Phạm Minh sinh ra tại Cà Mau năm 1936. 13 tuổi, ông đi theo tiếng gọi của cách mạng. Đến năm 1952, ông vào bộ đội và được biên chế ở Bộ Tư lệnh miền Tây Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được tạo điều kiện cho đi học nhiếp ảnh, làm báo
Nhà báo Phạm Minh sinh ra tại Cà Mau năm 1936. 13 tuổi, ông đi theo tiếng gọi của cách mạng. Đến năm 1952, ông vào bộ đội và được biên chế ở Bộ Tư lệnh miền Tây Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được tạo điều kiện cho đi học nhiếp ảnh, làm báo. “Cũng từ thời điểm đó, tôi bắt đầu trở thành phóng viên” - nguyên Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai Phạm Minh chia sẻ.
Nhà báo Phạm Minh cùng cuốn sách ảnh của mình. Ảnh: V.TRUYÊN |
ông đã từng theo đoàn quân giải phóng đi khắp các mặt trận ở Long Khánh, Định Quán, Xuân Lộc, Biên Hòa… để ghi lại những bức ảnh lãnh đạo cách mạng họp bàn phương án tác chiến, thị sát chiến trường, cảnh quân dân cùng hành quân tải đạn phục vụ chiến đấu, biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ nơi đầu tuyến và sau này là vào tiếp quản vùng giải phóng. Bức ảnh ông chụp Đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh của chế độ Việt Nam Cộng hòa, đầu hàng quân giải phóng của ta là minh chứng cho việc nhà báo Phạm Minh luôn có mặt cùng đoàn quân cách mạng ở những nơi đạn lửa.
“Tôi được tạo điều kiện đi chụp ảnh khắp nơi. Nhưng có một hình ảnh tôi chưa lần nào chụp được mà đến giờ vẫn còn thấy tiếc. Đó là trong một lần tham gia cùng 100 cán bộ, nhân viên Khu ủy miền Đông Nam bộ đi tải đạn phục vụ quân ta pháo kích vào Sân bay quân sự Biên Hòa, khi việc chuyển đạn pháo đã xong, tận mắt thấy hình ảnh đạn tóe lửa bay ra khỏi nòng súng vút lên cao, tôi xin ở lại để ghi lại khoảnh khắc đó. Song vì an toàn tính mạng của tôi mà cấp trên không đồng ý. Giá như lúc đó tôi được cấp trên đồng ý cho ở lại thì đã ghi lại được hình ảnh đẹp” - nhà báo Phạm Minh cho hay.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhà báo Phạm Minh là người có may mắn được cầm máy ảnh ghi lại khoảnh khắc Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh về thăm Khu ủy miền Đông tại Biên Hòa vào ngày 5-5-1975, tức là chỉ 5 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Rồi hình ảnh quân dân Biên Hòa tham gia lễ mít tinh kỷ niệm lần thứ I Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30-4-1975 - 30-4-1976) phía trước Rạp chiếu phim Thanh Bình ngày nay.
Nhà báo Phạm Minh cũng là người ghi lại những hình ảnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ I-1976. Cũng từ năm 1976, ông thôi cầm máy ảnh để tham gia vào công tác quản lý cho đến khi nghỉ hưu năm 1996.
Nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4, những tác phẩm ảnh của ông được Hội Nhà báo tỉnh chọn lọc, tập hợp giới thiệu đến công chúng qua cuốn Phạm Minh, tác giả - tác phẩm do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành. Cuốn sách gồm 82 trang ảnh, được chia làm 2 phần là: Chiến tranh (hình ảnh từ năm 1965 đến
30-4-1975) và Hòa bình (từ 30-4-1975 đến năm 1976).
Sáng nay 21-4 tại Đài PT-TH Đồng Nai diễn ra buổi giới thiệu sách và giao lưu cùng tác giả, nhà báo Phạm Minh.
Võ Tuyên