Báo Đồng Nai điện tử
En

Địa danh ở Biên Hòa ngày ấy, bây giờ...

10:03, 30/03/2018

Trong quá trình hình thành và phát triển, khu vực Biên Hòa có những địa danh xuất hiện từ thời mở cõi và tồn tại đến tận nay.

Trong quá trình hình thành và phát triển, khu vực Biên Hòa có những địa danh xuất hiện từ thời mở cõi và tồn tại đến tận nay.

Một trong những địa danh xuất hiện sớm nhất và còn giữ đến ngày nay dù không còn là địa danh hành chính chính thức, đó là Bến Gỗ, gồm địa giới hành chính của các xã An Hòa, Long Hưng, phường Long Bình Tân, một phần xã Tam Phước và Phước Tân. Là một trong những địa điểm được lưu dân đến lập làng sớm nhất xứ Đồng Nai, Bến Gỗ có rất nhiều đình, chùa, miếu, nhà thờ cùng những truyền thuyết gắn liền với thời mở cõi, như: bà mụ đỡ đẻ cho cọp, chuyện ông Tượng…

Theo tư liệu của Giáo phận Xuân Lộc, từ năm 1630 một số giáo dân đến vùng đất Bến Gỗ sinh sống và hình thành nên các họ đạo. Năm 1692, đức cha Francois Perez quy tụ các họ đạo lập nên Giáo xứ Bến Gỗ thuộc Giáo phận Đàng Trong. Bến Gỗ còn có đình An Hòa, theo tư liệu Bảo tàng Đồng Nai, đình được xây dựng năm 1792, được công nhận là di tích quốc gia năm 1989.

Tên gọi Bến Gỗ có thể là do khu vực này xa xưa có bến bằng tre gỗ, là nơi các đoàn thuyền đưa lưu dân cập bến, tương truyền đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên từ cửa Tư Dung (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào Đồng Nai có một số đã cập bến tại đây; đồng thời đây cũng là nơi thương nhân tập kết gỗ đưa đi bán. Từ thời vua Minh Mạng, Bến Gỗ đã có đội đua thuyền rất nổi tiếng, được duy trì đến ngày nay và thường đoạt giải trong các hội thi đua thuyền của tỉnh.  

Từ TP.Biên Hòa qua 2 cây cầu Rạch Cát và Ghềnh là đến khu vực người dân gọi là Chợ Đồn (thuộc xã Bửu Hòa). Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, sau cuộc nổi loạn của thương nhân Hoa kiều Lý Văn Quang năm 1747, cầu ván ở phía bờ Bắc Cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa) bị đốt cháy, người dân qua lại phải dùng đò, phía bờ Nam cũng có đò ngang đưa người qua chợ Bình Tiên, tục gọi là chợ Lò Giấy. Khi diễn ra cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh (1774-1785), quân Tây Sơn đóng đồn ở đây nên từ đó người dân gọi khu vực này là Chợ Đồn.

Một địa danh xuất hiện sớm nhưng có “biến thể”, đó là Tân Lân. Theo Gia Định thành thông chí, nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên khi vào Đồng Nai ban đầu định cư ở xứ Bàn Lân. Nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng Bàn Lân là viết trại ra từ Bàn Lăn, hoặc đúng hơn là Bằng Lăng vì vùng đất này lúc ấy có rất nhiều cây bằng lăng, làng Bàn Lân sau đó đổi tên thành Tân Lân (Tân có nghĩa là mới). Ngày nay Tân Lân thuộc phường Hòa Bình, trên địa bàn có đình Tân Lân.

Không thể không nhắc đến địa danh Biên Hòa. Theo ThS.Phan Đình Dũng, tên gọi Biên Hòa có từ năm 1808 khi vua Gia Long đổi tên dinh Trấn Biên thành Biên Hòa. Biên được hiểu là nơi giáp giới bờ cõi; Hòa có nghĩa là hợp làm một, thuận mọi bề. Biên Hòa được đặt tên gọi với mong muốn vùng đất biên cương được bình yên, thuận hòa.

Còn Biên Hùng là tên gọi của Biên Hòa vào năm 1775, Lý Tài - một vị tướng của Nguyễn Ánh, vốn là thương nhân người Hoa, làm phản chiếm cứ núi Chiêu Thái (Châu Thới) và sửa tên gọi Trấn Biên thành Biên Hùng trấn. Lý Tài bị Tây Sơn đánh dẹp, Đông Định vương Nguyễn Lữ đổi dinh Trấn Biên thành Biên Trấn. Ngày nay, Biên Hùng là tên gọi khu vực ngã năm trước Công viên Biên Hùng.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều