Ngày 10-1 vừa qua, Báo Thể thao và văn hóa đã tổ chức họp báo công bố giải âm nhạc Cống hiến lần thứ 13-2018. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này có cuộc gặp mặt trực tiếp nhà báo để trao đổi về những dự kiến đề cử cũng như vấn đề xử lý bản quyền âm nhạc.
Ngày 10-1 vừa qua, Báo Thể thao và văn hóa đã tổ chức họp báo công bố giải âm nhạc Cống hiến lần thứ 13-2018. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này có cuộc gặp mặt trực tiếp nhà báo để trao đổi về những dự kiến đề cử cũng như vấn đề xử lý bản quyền âm nhạc.
Sở dĩ vấn đề bản quyền trong âm nhạc một lần nữa được đem ra bàn luận ở giải thưởng năm nay là do đây là năm mà vấn đề đạo nhạc lại tiếp tục ầm ĩ với những vụ bị phát hiện và vẫn có những giằng co, cãi lý từ 2 phía. Bên cạnh đó, sự chồng chéo từ phía luật pháp nhà nước với đại diện là Cục Bản quyền cùng các hội đoàn liên quan và những thiết chế của các công ty đa quốc gia trên mạng xã hội tạo ra những cách biệt lớn.
Ví như trường hợp MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của ca sĩ Noo Phước Thịnh sau khi đứng vị trí số 1 trong top trending trên YouTube đã bị trang này xóa bỏ vì phát hiện vi phạm quyền sở hữu bản quyền bởi Epic Elite. Trước đó hàng loạt các ca khúc của Sơn Tùng MTP, Đông Nhi, Erik… cũng dính những nghi án tương tự.
Những nghi án như vậy cuối cùng vẫn chưa có cách giải quyết ổn thỏa cho đôi bên lẫn những người quan tâm. Nên khi vấn đề này được Ban tổ chức Giải âm nhạc cống hiến đưa ra đề mục thảo luận chính thì lập tức nhận được ý kiến phản hồi đa chiều từ các nhà báo tham dự.
Theo quan điểm riêng của ban tổ chức, việc đạo nhái là lĩnh vực thuộc bản quyền tác phẩm âm nhạc. Và kết luận vi phạm bản quyền âm nhạc hay không là thuộc thẩm quyền của tòa án dân sự, nếu đối tượng bị xem là vi phạm bản quyền và chủ thể vi phạm bản quyền không thỏa thuận được với nhau.
Tuy nhiên với những dẫn chứng tương tự vụ MV Noo Phước Thịnh, các nhà báo lại đề nghị ban tổ chức giải có những cách nhìn khác và đưa vấn đề tranh chấp bản quyền vào các điều kiện xét giải.
Vấn đề của cuộc họp báo chỉ là lắng nghe góp ý trước khi lựa chọn tác phẩm vào vòng đề cử và trao giải chính thức vào cuối tháng 3 tới đây, nhưng chuyện bản quyền một lần nữa nóng lên cho thấy trong khung pháp lý của nước ta, vấn đề bản quyền, các khía cạnh bảo vệ bản quyền, các kẽ hở của quy định của Nhà nước vẫn còn quá nhiều chỗ không hợp lý.
Nền nhạc trẻ nước ta hơn chục năm gần đây có những chuyển biến mạnh mẽ, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ sức đọ với nền âm nhạc khác trong khu vực và châu lục. Hàng năm vấn đề đạo nhái các ca khúc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn cứ bị phanh phui trên truyền thông. Đây là một nguyên nhân chính trong những nguyên nhân trực tiếp cho thấy vì sao nền âm nhạc nước ta kém cạnh về danh tiếng so với các nước trên.
Vậy nên, từ câu chuyện bản quyền được đưa ở một giải thưởng âm nhạc uy tín, thiết nghĩ Nhà nước nên bổ khuyết những định chế cần thiết để vấn đề bản quyền trong âm nhạc được kiện toàn. Từ sự kiện toàn đó mới tạo được tiền đề để một nền âm nhạc phát triển lành mạnh và bền vững.
Bảo Bình