Mùa mưa là mùa của rau đồng, rau muống, bông súng, rau ngổ, rau dừa... thi nhau mọc lên và vượt theo nước xanh non mượt mà.
Mùa mưa là mùa của rau đồng, rau muống, bông súng, rau ngổ, rau dừa... thi nhau mọc lên và vượt theo nước xanh non mượt mà.
Nói đến rau đồng không thể nào không kể đến rau muống đồng, thứ món ăn giản dị quá đỗi quen thuộc, thứ thực đơn dai dẳng của những bữa cơm nghèo. Rồi ngẫm ra không có thứ rau nào thảo hiền như rau muống, thứ rau duy nhất có thể ăn suốt quanh năm, xào, luộc, nấu canh chua, hay bóp dấm ăn kèm với cá kho đều rất tuyệt vời.
Muốn ăn một nồi canh rau tập tàng không cần phải đi xa, ra hè nhà quanh vườn là có đủ, này là rau má, rau trai, vòi voi, cỏ mực, rau ngót, nhãn lồng... không sao đếm xuể. Cái thú nhất của nồi canh rau tập tàng là tự tay mình đi hái, tự tay mình chọn lựa những loài cây cỏ mọc ra từ đất, được thưởng thức loại rau xanh đang ngọt ngào nhựa sống lược tích lại cái tinh hoa của trời đất.
Khi ăn bánh xèo là chọn lá. Lá lụa, lá sộp, lá cóc có vị chua; lá tra, lá cơm nguội, lá chùm ruột có vị chát; lá cách có mùi thơm. Tất cả đều phải non mơn mởn và liệt vào hạng hiếm hoi.
Ngày trước các loại rau đồng mọc nhiều đến nỗi không cách gì ăn cho hết. Giờ thì đã thành của hiếm, các loại rau đồng mọc cạn, mọc trên nước đã mất dần. Bởi công nghệ sản xuất lúa thâm canh, đồng đất không còn được nghỉ ngơi, mà chúng có cố mọc đi nữa thì cũng được coi là cỏ, là đối tượng của thuốc diệt trừ.
Mất dần cọng rau đồng, văn hóa miền Nam nghèo đi phong vị. Càng ngẫm nghĩ càng thấy thấm thía một điều, khi mất chúng mới nhận ra, mới nhớ. Như con cá, cọng rau đồng bình dị bởi nó quá quen thuộc ngay dưới bước chân mình từ khi chập chững bước đi.
Rau đồng không phải để làm no, nhưng cái vị ngon mọc ra từ đất, từ nước ấy đã làm nên máu thịt nuôi lớn tâm hồn và tình yêu chúng ta với đất đai quê nhà.
Hoàng Trường