Nếu phim Cô Ba Sài Gòn ra mắt cách đây hơn 1 tuần tạo nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả, tạo tiếng vang cho nền điện ảnh Việt, thì vụ việc quay phim và truyền trực tuyến lên mạng xã hội (livestream) lén bộ phim này cũng gây xôn xao không kém trong dư luận.
Nếu phim Cô Ba Sài Gòn ra mắt cách đây hơn 1 tuần tạo nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả, tạo tiếng vang cho nền điện ảnh Việt, thì vụ việc quay phim và truyền trực tuyến lên mạng xã hội (livestream) lén bộ phim này cũng gây xôn xao không kém trong dư luận.
Chiều 15-11 vừa qua, Phòng An ninh bảo vệ chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm việc với anh Nguyễn V.Tr. (19 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng công nghệ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trú tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc phát tán phim Cô Ba Sài Gòn lên mạng xã hội. Theo tường trình của thanh niên này, sau khi xem phim ít phút, Tr. dùng điện thoại của bạn gái livestream cảnh phim Cô Ba Sài Gòn đang chiếu lên trang Phim+ trên mạng xã hội facebook. Trang này lại do Tr. và một người bạn là quản trị. Khi thanh niên này phát livestream được khoảng 30 phút, nhân viên của rạp đi vào kiểm tra nên V.Tr. đã ngắt phát trực tiếp. Ngay sau khi phát trực tiếp lên facebook, V.Tr. thấy có những bình luận (comment) phê phán hành vi nên Tr. đã gỡ, xóa đoạn phim chia sẻ. Nhân viên của rạp phim đã mời Tr. ra ngoài làm việc và lập biên bản sự việc. Dù chỉ trong thời gian ngắn bị livestream nhưng theo nhà sản xuất phim công bố đã thiệt hại ban đầu là 250 triệu đồng.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim chiếu rạp lan truyền trên mạng. Trước đó là trường hợp của các phim như: Tấm Cám, chuyện chưa kể, Vòng eo 56, Em chưa 18… cũng lan truyền trên mạng dù phim chỉ khởi chiếu mấy ngày.
Các trường hợp trước đây bị phát hiện chủ yếu chỉ xử phạt ở mức lập biên bản và yêu cầu gỡ video nhưng đến Cô Ba Sài Gòn, nhà sản xuất phim này là diễn viên Ngô Thanh Vân đã quyết tâm lên tiếng bảo vệ bộ phim đáng giá bạc tỷ với nhiều tâm huyết của mình. Ngô Thanh Vân chia sẻ trên mạng xã hội facebook: “Đây là lần thứ 2 liên tiếp, thành quả lao động của tập thể sản xuất phim do Vân đứng đầu bị tình trạng ăn cắp 1 cách trắng trợn dù Vân đã lên tiếng ngay lúc bạn vừa làm. Ngành công nghiệp điện ảnh Việt đã tha thứ, cảnh cáo và giáo dục rất nhiều lần nhưng không đem lại một hiệu quả nào rõ rệt. Giống như chúng ta đang nhắm mắt làm ngơ cho những việc xấu tưởng chừng là nhỏ, để rồi tất cả đều hại nhau”. Do đó, ngay sau sự việc xảy ra Ngô Thanh Vân đã có đơn yêu cầu Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý hành vi vi phạm bản quyền của V.Tr. theo quy định pháp luật.
Thực tế trong thời buổi công nghệ tiên tiến và thuận tiện như hiện nay, người xem dù ở độ tuổi nào, trình độ học vấn ra sao… đều có thể livestream một cách dễ dàng. Chỉ cần một điện thoại thông minh tầm 3 triệu đồng có kết nối internet, người xem đều có thể livestream lén bộ phim đang xem ở rạp lên mạng xã hội. Thậm chí, cụm từ khóa “phim bản cam” đã trở thành thuật ngữ cho dân xem và tải phim trên mạng. Thiết nghĩ, mấu chốt của vấn đề nằm ở ý thức của người thực hiện, trong trường hợp này lại là sinh viên của một trường cao đẳng, chưa ý thức được hậu quả của việc mình làm. Dù thanh niên này chưa khai rõ mục đích việc mình làm, nhưng không loại trừ xuất phát từ việc muốn câu view, câu like, ăn theo độ “hot” của bộ phim…
Rõ ràng, hành động này không chỉ gây thiệt hại cho nhà sản xuất, mà còn tác động tiêu cực đến những nhà làm phim Việt Nam. Nếu không ngăn chặn, có biện pháp xử lý nghiêm minh thì những vụ việc sẽ tái diễn. Do đó, slogan “Nói không với livestream trong rạp” một mặt kêu gọi người xem phim văn minh hơn, một mặt cũng là để bảo vệ một nền điện ảnh trong sạch cho khán giả…
Lâm Viên