Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn: Biết tiếp thu, lắng nghe để trưởng thành

11:09, 08/09/2017

"Tôi hướng dẫn học trò đánh đàn theo điệu nhạc như bài giảng mình đưa ra. Nhưng khi người được tôi hướng dẫn sáng tạo theo một điệu, một cách đánh khác hay hơn cái tôi đưa ra thì tôi đón nhận, cám ơn chân thành. ..

“Tôi hướng dẫn học trò đánh đàn theo điệu nhạc như bài giảng mình đưa ra. Nhưng khi người được tôi hướng dẫn sáng tạo theo một điệu, một cách đánh khác hay hơn cái tôi đưa ra thì tôi đón nhận, cám ơn chân thành. Bởi với tôi, cái tôi của người nghệ sĩ là cần thiết song cần hạ thấp xuống để tiếp thu những góp ý, chia sẻ của mọi người, từ đó trưởng thành hơn” đó là tâm sự của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn khi nói về quãng thời gian hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc.

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn sáng tác bên cây đàn tại nhà. Ảnh: S.THAO
Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn sáng tác bên cây đàn tại nhà. Ảnh: S.THAO

* Lấy nước mắt người nghe

Với chùm ca khúc: Tổ quốc và người lính, Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa, Những chàng trai của biển, Về hội chùa quê, Nhơn Trạch tình đất tình người, Về Rừng Sác và Trảng Bom miền đất yêu thương, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đã được xét trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015).

Có lẽ cũng bởi tính cách này mà nhạc sĩ Cao Hồng Sơn là người được văn nghệ sĩ, học trò và công chúng đánh giá cao về chuyên môn lẫn cách sống.

Đặc biệt, nhiều tác phẩm của ông được nghệ sĩ, người dân cả nước biết đến và sử dụng thường xuyên. Với nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, mỗi sáng tác đều được ông thai nghén lâu dài trước khi công bố rộng rãi để rồi sau đó sống cùng năm tháng.

“Tôi ấp ủ lâu không phải vì thiếu tư liệu hay phải tìm kiếm tư liệu sáng tác. Khi đã viết xong rồi, tôi vẫn giữ kín cho riêng mình để xem đi, ngẫm lại có thể sửa chữa câu chữ, nốt nhạc sao cho hay hơn không. Cũng có lúc tôi nhờ bạn bè, những người trong nghề lẫn không có chuyên môn về âm nhạc nghe và cho ý kiến, góp ý để điều chỉnh” - nhạc sĩ Cao Hồng Sơn chia sẻ.

Vì thế, hầu hết tác phẩm của ông khi ra mắt công chúng đều được đón nhận và gây được sự xúc động cho người nghe. Họa sĩ Đào Tấn Hưng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho hay: “Tôi đã khóc khi nghe bài Câu hát tiễn chồng. Câu từ lắng đọng, giàu hình ảnh, đầy cảm xúc thật sự làm tôi phải xúc động”.

Những sáng tác của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn không chỉ giới hạn trong phạm vi của tỉnh, mà được phổ biến đến người yêu nhạc cả nước và đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng lớn. Trong đó, 2 tác phẩm: Hành khúc thể thao Đồng Nai Hành khúc giai cấp công nhân được sử dụng lần lượt trong Hội khỏe Phù Đổng và lễ hội công nhân mỗi khi được tổ chức tại địa phương.

Riêng năm 2000, tác phẩm Những vì sao đỏ được chọn là một trong 5 bài hát hay nhất viết về doanh nhân Việt Nam. Tiếp đó, năm 2008 ca khúc Tình yêu xanh được trao giải ba của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đến năm 2015, ca khúc Tổ quốc và người lính được giải C cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2013-2015 cấp quốc gia. Đặc biệt, năm 2017 này là lần thứ 3 ông đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức.

Bên cạnh những giải thưởng, danh hiệu, ca khúc kể trên, công chúng còn nhớ Cao Hồng Sơn ở ca khúc Hát quốc ca giữa đảo Trường Sa. Bài hát ra đời năm 2013 và ngay lập tức đã được đón nhận nồng nhiệt. Bằng chứng rõ nét nhất là bao năm qua, gần như bất kỳ hội diễn quần chúng lẫn chuyên nghiệp cũng có đơn vị, thậm chí là nhiều đội thi dàn dựng để đưa vào phần trình diễn bài hát này.

Trong đó, đáng nhớ nhất là năm 2014, tại lễ khai mạc Đại hội thể dục - thể thao toàn tỉnh lần thứ VII, ca khúc Hát quốc ca giữa đảo Trường Sa đã được chọn là bài hát chủ đạo để 600 nghệ sĩ và vận động viên xếp hình bản đồ Tổ quốc trình diễn trước hơn 25 ngàn khán giả.

* Trăn trở với nghề

Ở một phạm vi hẹp hơn, những ca khúc như: Nhơn Trạch tình đất tình người, Về Rừng Sác, Trảng Bom miền đất yêu thương của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đã được từng địa phương lấy làm ca khúc “tủ” để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ trong lễ kỷ niệm, tham dự liên hoan nghệ thuật. “Đây là một niềm vui, một vinh dự rất lớn của người nghệ sĩ” - nhạc sĩ Cao Hồng Sơn nói.

Không giữ những kinh nghiệm, bí quyết sáng tác cho riêng mình, với vai trò là Trưởng ban Âm nhạc của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn còn là người bạn luôn gần gũi sẵn sàng giúp đỡ, trao đổi giúp đồng nghiệp.

Bỏ lại niềm vui khi nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao, ca khúc được công chúng cả nước biết đến, người nhạc sĩ có hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc và 35 năm đảm nhận vai trò giảng dạy cũng có những trăn trở với nghề.

Theo nhạc sĩ, đất diễn cho âm nhạc, cho nhạc công chuyên nghiệp được đào tạo bài bản ở tỉnh chưa nhiều, nên không ít nghệ sĩ có khả năng đã tìm đến những nơi tốt hơn để làm nghệ thuật mà rời xa mảnh đất đã đào tạo ra mình. điều tất yếu này ở đâu cũng có, trong khi nhu cầu của công chúng ở địa phương là rất lớn. Theo ông việc làm sao để hút người có khả năng ở lại, để họ được sống được với niềm đam mê và cống hiến cho công chúng là điều rất đáng để suy ngẫm.

Sông Thao

Tin xem nhiều