Ở tuổi gần 90, cụ Trần Xuân Roanh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai khóa III, vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, thường ra sân chơi quần vợt và tự lái xe hơi… Ông vừa mới chỉnh lý, bổ sung để tái bản cuốn hồi ký Định hướng của một nhà tư sản Công giáo dân tộc.
Ở tuổi gần 90, cụ Trần Xuân Roanh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai khóa III, vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, thường ra sân chơi quần vợt và tự lái xe hơi…
Ông vừa mới chỉnh lý, bổ sung để tái bản cuốn hồi ký Định hướng của một nhà tư sản Công giáo dân tộc (xuất bản lần đầu cách đây 9 năm, do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành).
Hơn 380 trang sách, trong đó có phần không nhỏ là hình ảnh minh họa, dẫn chứng, cho thấy tác giả rất cẩn trọng trong việc công bố nội dung cuốn sách.
Nhiều hình ảnh tư liệu rất đáng quý, như tấm ảnh do chính tác giả chụp trong dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng ngày 19-9-1954 và nói câu “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đặc biệt, những trang viết về các sự kiện liên quan đến hoạt động của công - kỹ nghệ gia Trần Xuân Roanh trước năm 1975 đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Khi ấy, ông thành lập Công ty sản xuất tinh bột, gọi tắt là SATICO ở Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Trong kinh doanh, SATICO bị phá sản dự án đầu tư trồng 500 hécta khoai mì ở vùng Hắc Dịch, Long Thành, Trị An, Tân Uyên. Về chuyện này, một tờ báo ở Sài Gòn lúc ấy có bài Kên kên Ba Tàu treo sẵn thòng lọng, tung độc thủ hạ sát giới trồng mì - tư liệu dẫn trong tập sách.
Trong tập hồi ký của Trần Xuân Roanh còn có nhiều tư liệu quý giá khác như việc ông gặp được Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo ngay tại Tòa tỉnh trưởng Biên Hòa khi nhà tình báo bị bắn trọng thương. Chính cụ Trần Xuân Roanh là người đã về nhà lấy bộ quần áo khác cho nhà tình báo trước khi ông được chuyển về Sài Gòn và bị thủ tiêu sau đó...
Trong 42 năm từ sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, nhà tư sản Công giáo dân tộc Trần Xuân Roanh đã có nhiều đóng góp cho tỉnh nhà, nhiều năm làm Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đã “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, đồng hành cùng dân tộc. Những điều đó đã được thể hiện phần nào qua tập hồi ký này.
Phi Châu