Những năm gần đây, người dân tại TX.Long Khánh biết đến phòng tranh Bảo Trung (đường Hùng Vương, phường Xuân Hòa) không chỉ bởi nét bút thư pháp đẹp mà còn ở câu chuyện về nghị lực của Ngô Hoàng Trung, 30 tuổi, chủ nhân phòng tranh này.
Những năm gần đây, người dân tại TX.Long Khánh biết đến phòng tranh Bảo Trung (đường Hùng Vương, phường Xuân Hòa) không chỉ bởi nét bút thư pháp đẹp mà còn ở câu chuyện về nghị lực của Ngô Hoàng Trung, 30 tuổi, chủ nhân phòng tranh này.
Anh Ngô Hoàng Trung viết thư pháp. Ảnh: V.TRUYÊN |
Anh Ngô Hoàng Trung cho hay, lúc lên 8 tháng tuổi anh bị bại liệt đôi chân do di chứng sau một cơn sốt. Để có thể tiếp thu đầy đủ, chính xác kiến thức về thư pháp, Hoàng Trung đã phấn đấu vượt qua những khiếm khuyết về hình thể, đi lại khó khăn để đến TP.Hồ Chí Minh học tập.
* Vượt khó
Để ghi nhận, tuyên dương và nhân rộng nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống của Ngô Hoàng Trung, Ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh đã tuyên dương chàng thanh niên này là gương Người tốt, việc tốt của TX.Long Khánh năm 2016. |
Theo Hoàng Trung, sau khi tốt nghiệp THPT, từ xã Hàng Gòn anh một mình tìm đến TP. Hồ Chí Minh để học tập. Những ngày đầu xa gia đình để tự lập ở một nơi xa lạ với người lành lặn đã khó, với người khiếm khuyết thân thể như Hoàng Trung còn khó hơn bội phần.
Bà Hoàng Thị Ánh Tuyết, mẹ của Hoàng Trung, cho hay dù cuộc sống ở nhà có khó khăn, thiếu thốn nhưng con trai bà còn có cha mẹ, anh chị lo lắng cho bữa ăn, giặt giũ quần áo, nhưng khi xa nhà đi học, người con trai tật nguyền phải tự chống nạng đi chợ, nấu ăn và làm tất cả việc nhà, tự di chuyển đến nơi học. Nhiều lúc bà lên thăm, thấy thương con, khuyên con về nhà tìm nghề khác để học nhưng con bà chẳng những không than khổ mà còn động viên ngược lại cha mẹ.
Đặc biệt, để có thể gánh vác một phần chi phí sinh hoạt, học tập của mình, Trung đã tranh thủ theo học một khóa đào tạo kỹ thuật đồ họa, dựng phim ngắn hạn để xin vào phụ việc tại một studio áo cưới với công việc dựng phim, xử lý hình ảnh. Vừa đi làm thêm vừa chú tâm vào luyện thư pháp, sau hơn 3 năm Hoàng Trung đã trở thành tay viết lành nghề.
Sau khi đã thành thạo, Hoàng Trung vẫn tiếp tục bám trụ lại TP.Hồ Chí Minh thêm 3 năm nữa. Lúc đó, Hoàng Trung vừa làm ở studio áo cưới vừa tham gia các hoạt động viết thư pháp để kiếm sống, học thêm nghề ghép tranh gỗ. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, thiếu trước hụt sau nên Hoàng Trung đã trở về TX.Long Khánh để làm nghề.
Ngày mới về nhà, do chưa có người biết Hoàng Trung làm nghề này, nhà lại nằm sâu trong rẫy ở xã Hàng Gòn cách xa trung tâm thị xã nên không có nơi bày bán sản phẩm, tranh làm ra bán chẳng mấy ai mua.
Biết được hoàn cảnh của chàng thanh niên khuyết tật, ông Võ Văn Mẫn, một mạnh thường quân tại TX.Long Khánh, đã tự nguyện dùng phòng khách nhà mình trên đường Hùng Vương cho Hoàng Trung làm phòng tranh. Hàng ngày, Hoàng Trung được người thân chở hoặc tự đi xe đạp điện gần 5 km từ nhà đến phòng tranh để vẽ, bán tranh.
* Mơ về một gia đình nhỏ
Theo kết quả điều tra năm 2011, toàn tỉnh có khoảng 154-162 ngàn người khuyết tật. Trong đó, có trên 23 ngàn người khuyết tật nặng bao gồm các dạng tật, như: tật vận động chiếm gần 52%; tật nghe, nói chiếm trên 19%; tật về nhìn chiếm trên 10%; tật thần kinh, tâm thần chiếm trên 24%; tật trí tuệ chiếm 16% và các tật khác chiếm 6,8%. Với mức độ và dạng tật khác nhau, người khuyết tật có nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tật, việc làm, hòa nhập cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ y tế. Gia đình người khuyết tật phần lớn khó khăn về vật chất, tinh thần cần được trợ giúp để ổn định cuộc sống. Nguyễn Tuyết |
Không dừng lại ở việc sáng tạo, bán thư pháp, để làm phong phú thêm sản phẩm cho phòng tranh, Hoàng Trung còn theo học vẽ tranh với các họa sĩ tại TX.Long Khánh.
“Nhu cầu của khách hàng ngày càng cao và đa dạng, do đó mà tôi phải tự mình nâng cao khả năng. Hiện phòng tranh của tôi nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách hàng các bức chữ thư pháp nghệ thuật, tranh thư pháp, tranh ghép gỗ. Khách hàng có nhu cầu liên hệ ngay tại phòng tranh hoặc qua facebook cá nhân” - Hoàng Trung giới thiệu.
Tuy sản phẩm có phần đa dạng, sẵn sàng chiều theo sở thích của khách hàng nhưng sản phẩm bán không chạy. Bởi, theo Hoàng Trung, để hoàn thành một sản phẩm tranh đã rất khó, tốn thời gian nhưng khâu tiêu thụ còn khó hơn, đặc thù của sản phẩm là vậy.
"Như vào dịp 28 tháng Chạp vừa qua, tôi có tham gia một gian hàng viết thư pháp tại Chợ hoa xuân Long Khánh. Có nhóm khách đến xem và hỏi mua bức tranh thư pháp chủ đề Mùa xuân. Chuyện mua bán đang tiến hành suôn sẻ thì người lớn tuổi nhất trong nhóm chợt nhớ vào ngày giáp tết năm ngoái cũng mua một sản phẩm tương tự tại gian hàng của tôi. Thế là họ từ chối mua thêm. Chuyện vừa vui vừa buồn như vậy năm nào tôi cũng gặp và đó là đặc điểm của nghề này” - Hoàng Trung kể.
Tuy việc buôn bán sản phẩm có lúc này lúc khác, song Hoàng Trung luôn tự an ủi mình vì điều đã chọn. Hoàng Trung cũng cho rằng mình là người may mắn vì có người tốt cho mượn mặt bằng trưng bày tranh, sản phẩm bán ra tuy ít nhưng có thể tự lo cho bản thân và gia đình luôn động viên, ủng hộ.
Bên cạnh niềm vui, anh Ngô Hoàng Trung vẫn còn có những tâm sự buồn. “Tôi từng quen với một vài bạn gái. Quá trình tìm hiểu rất vui vẻ, hòa hợp làm cho tôi không ít lần nuôi hy vọng nhưng rồi mọi chuyện cũng không đi đến đâu. Có lẽ vì thân thể mình khiếm khuyết đã làm đối phương chịu nhiều áp lực từ gia đình nên cả hai không thể đi đến một cái kết đẹp. Mỗi lần như vậy tôi rất buồn, nhưng tôi vẫn hy vọng rồi đây niềm vui sẽ đến với mình” - Hoàng Trung nói.
Văn Truyên