Sau 5 ngày diễn ra với nhiều hoạt động, Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 đã chính thức khép lại với nhiều cảm xúc, ấn tượng cho cả người trong cuộc lẫn khán giả mộ điệu.
Sau 5 ngày diễn ra với nhiều hoạt động, Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 đã chính thức khép lại với nhiều cảm xúc, ấn tượng cho cả người trong cuộc lẫn khán giả mộ điệu.
Các tài tử của đoàn Đồng Nai đang biểu diễn trên sân khấu tại Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II - Bình Dương 2017. Ảnh: V.Truyên |
Một sự kiện quảng bá, tôn vinh với quy mô toàn quốc diễn ra 3 năm một lần đã kết thúc, nhưng bộ môn nghệ thuật được thế giới vinh danh này sẽ còn tiếp tục với dòng chảy của mình trong đời sống người dân Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung. Bởi lẽ, đờn ca tài tử không chỉ có những bài bản cổ mang tính hoài niệm mà còn là phương tiện phản ảnh hơi thở của cuộc sống.
* Phản ảnh hơi thở cuộc sống
Theo NSƯT, ThS. Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, từ khi đất nước thống nhất, lời mới trong đờn ca tài tử ra đời rất nhiều, sáng tác nào không đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, trái pháp luật thì đều được nhà nước khuyến khích lưu hành. Khuyết điểm lớn nhất trong sáng tác đờn ca tài tử hiện nay phải khắc phục, đó là người sáng tác khi viết lời ca cho đờn ca tài tử cần nâng cao tính văn học; câu từ, cú pháp cần được sử dụng hợp lý, nhuần nhuyễn hơn nữa. |
Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc các tác giả đã đặt lời mới có nội dung gắn liền với cuộc sống trên nền các bản nhạc, điệu, lý cũ mà vẫn chuyển tải được tính thời sự, hơi thở cuộc sống, tính chiến đấu không hề thua kém bất kỳ loại hình văn học nghệ thuật nào.
Như nhận định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: nghệ thuật đờn ca tài tử là món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người phương Nam. Không chỉ giữ gìn, người dân 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam còn phát huy, quảng bá, phổ biến, đặt lời mới để thông qua đờn ca tài tử biểu đạt tâm tư, tình cảm của con người; hơi thở, hiện thực của cuộc sống.
Còn theo nhà nghiên cứu đờn ca tài tử, TS.Mai Mỹ Duyên, đờn ca tài tử Nam bộ có nguồn gốc sâu xa từ nhạc cung đình Huế. Khi những người dân cố đô vào Nam đã mang dòng âm nhạc đó cải tiến, sáng tạo thêm, kết hợp với dòng nhạc lễ Nam bộ để từ đó chúng ta có một dòng âm nhạc mới, đó là đờn ca tài tử như ngày nay.
Trong từng thời điểm khác nhau thì sáng tác đờn ca tài tử cũng gắn liền, phản ánh hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Đầu tiên là trước năm 1975, các tác giả viết lời ca nhắm vào 3 nội dung: tình yêu quê hương đất nước, khát vọng hòa bình, nỗi buồn chiến tranh, sự ly biệt; tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm; ca ngợi đạo lý, nhân nghĩa.
Giai đoạn gần đây, đặc biệt sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, các sáng tác đờn ca tài tử vô cùng phong phú gắn với nhiều đề tài: ca ngợi Bác Hồ, Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi chiến thắng oanh liệt của dân tộc, tình yêu nam nữ gắn với tình yêu đất nước, ca ngợi truyền thống văn hóa tốt đẹp, phản ánh hiện thực cuộc sống với những phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, những điều tốt đẹp của quê hương, phản ánh hơi thở của cuộc sống thời đại...
* Bảo tồn có khó?
Có thể thấy một thực tế là dù trải qua bao thăng trầm của thời đại, đờn ca tài tử luôn có những con người chung tình gắn bó, những năm gần đây người tham gia vào sân chơi đờn ca tài tử ngày một nhiều.
Chưa có số liệu thống kê chính thức có bao nhiêu người tham gia, bao nhiêu câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tài tử ở 21, thành khu vực phía Nam, nhưng nếu nhìn vào những lớp “tài tử nhí” chỉ mới 7-8 tuổi đang cùng những tài tử lão làng 60-80 tuổi về tham dự festival lần thứ II có thể thấy đờn ca tài tử luôn có sự tiếp nối, gìn giữ, phát huy.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này hầu hết 21 tỉnh, thành có hoạt động mạnh về đờn ca tài tử đều đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ với những việc làm cụ thể theo từng giai đoạn nhằm bảo tồn những bài bản cổ, khuyến khích sáng tác lời mới cho nhạc tài tử.
Riêng tại Đồng Nai, đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chính thức được ban hành vào ngày 20-1-2017. Đề án xác định hiện toàn tỉnh có 31 câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử với 328 nghệ nhân đang hoạt động thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Long Thành cho biết: “Địa phương luôn quan tâm trong việc định hướng, tổ chức và khuyến khích sự phát triển của môn nghệ thuật này bằng việc tổ chức các sân chơi cho người yêu đờn ca tài tử. Đặc biệt, ở đâu có đủ điều kiện để thành lập câu lạc bộ đều được cơ quan chức năng góp sức, động viên mọi người tham gia, sinh hoạt thường xuyên”.
Nhà nước thể hiện sự quan tâm bằng chế độ, chính sách, lại có thế hệ trẻ nối tiếp phát huy, nhưng có thể thấy đờn ca tài tử vẫn ít hút được khán giả. Trong thời đại công nghệ số, nhiều loại hình giải trí, âm nhạc mới ra đời đang rất cuốn hút người xem, nghe thì câu hỏi đặt ra hiện nay là bảo tồn, phát huy, nhân rộng đờn ca tài tử có khó và đang bị tắc ở điểm nào?
Để giải đáp thắc mắc này, NSƯT, ThS. Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, đã có những chia sẻ hết sức thực tế: “Chưa có thời điểm nào mà nghệ thuật đờn ca tài tử được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, để hút mọi người đến với đờn ca tài tử thì không chỉ dựa vào sự quan tâm của Nhà nước, lực lượng hùng hậu mà cần có lời ca hay, người ca giỏi. Cũng giống như những môn nghệ thuật khác, khi có bài hay, người thể hiện tốt thì những ai yêu thích sẽ tự động tìm đến với đờn ca tài tử. Điều này đòi hỏi ở chính những người hoạt động trong lĩnh vực đờn ca tài tử phải nghiên cứu, nỗ lực hơn nữa”.
Văn Truyên