Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải Cánh diều 2017: Khan hiếm dấu ấn sáng tạo

10:04, 07/04/2017

Nhìn vào tiêu chí và định hướng, Cánh diều vẫn đang là giải của hội nghề nghiệp vốn trọng tính chuyên môn - nghệ thuật, nhưng gần 100% phim chiếu rạp tranh giải mùa này lại được làm vì mục đích thương mại, giải trí đơn thuần.

Nhìn vào tiêu chí và định hướng, Cánh diều vẫn đang là giải của hội nghề nghiệp vốn trọng tính chuyên môn - nghệ thuật, nhưng gần 100% phim chiếu rạp tranh giải mùa này lại được làm vì mục đích thương mại, giải trí đơn thuần. Lễ trao giải Cánh diều 2017 diễn ra lúc 19 giờ 30 ngày 9-4 tại Nhà hát Quân đội, TP.Hồ Chí Minh, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Dù nhận về những ý kiến trái chiều, nhưng Tấm Cám: Chuyện chưa kể đang là một ứng viên nặng ký của giải Cánh diều 2017.
Dù nhận về những ý kiến trái chiều, nhưng Tấm Cám: Chuyện chưa kể đang là một ứng viên nặng ký của giải Cánh diều 2017.

Giải Cánh diều 2017 có sự tham gia của 19 phim chiếu rạp, 20 bộ phim truyền hình (523 tập), 13 phim hoạt hình, 16 phim ngắn, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Mùa giải nào và gần như ở đâu cũng thế, hạng mục phim truyện chiếu rạp luôn nhận được sự chú ý nhiều nhất.

Những phim ưu trội hơn

Trong 19 phim chiếu rạp tranh giải, những phim sau đây được đánh giá cao hơn, gồm Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn), Sài Gòn: Anh yêu em (đạo diễn Lý Minh Thắng), Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Tấm Cám: Chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân), 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng).

Thật ra, với 19 phim chiếu rạp đang tranh giải, tưởng là nhiều nhưng cũng chỉ chiếm gần 40% lượng phim Việt phát hành trong năm 2016. Tất cả phim này do các hãng tư nhân tại TP.Hồ Chí Minh sản xuất. Đặc điểm chung của 19 phim này là cố gắng làm hình ảnh dễ bắt mắt, giải trí nhẹ nhàng, dễ hiểu, với mục đích chính là bán được nhiều vé. Cho nên để tìm dấu ấn sáng tạo hoặc dấu ấn tác giả ở các phim này (trừ phim Cha cõng con, có nhưng lờ mờ) thì gần như vô vọng, vì có đâu mà tìm.

Những phim có dấu ấn sáng tạo hoặc dấu ấn tác giả như ớc 2030 (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Cha và con và… (đạo diễn Phan Đăng Duy), Con đường trên núi (đạo diễn Síu Phạm)… thì tìm đường ra rạp còn khó, nói chi đến việc tranh giải. Cho dù những phim này đã tạo được dấu ấn quốc tế, ví dụ Cha và con và... là phim Việt Nam đầu tiên được chính thức tranh giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin từ 2 năm trước.

Lâu nay Việt Nam có tâm lý rằng điện ảnh phía Nam là đất của phim thương mại, giải trí, còn điện ảnh phía Bắc mới là của phim nghệ thuật, sáng tạo. Cách nhìn này luôn nhận về sự tranh luận gay gắt, thường khó có điểm dừng chứ đừng nói ngã ngũ. Thế nhưng với Cánh diều 2017 thì không cần tranh luận nữa, vì phía Bắc đâu có làm phim mà nói tới nghệ thuật hoặc sáng tạo.

Poster phim Cha cõng con.
Poster phim Cha cõng con.

Đúng ra thì phía Bắc cũng có chuẩn bị, vì từ cuối năm 2015, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch từng phê duyệt sản xuất 4 phim điện ảnh là: Không ai bị lãng quên, Xã tắc, Địa đạo Ngưi yêu ơi, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa giải ngân để sản xuất.

“Các hãng phim tư nhân bỏ vốn đầu tư sản xuất, cần thu hồi vốn để tái sản xuất nên thường chọn những đề tài giải trí, nhẹ nhàng. Còn Nhà nước thực hiện đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng, mang tính chất tư tưởng, chính trị, giáo dục. Sự phân bổ này là cần thiết. Nhưng trong năm qua không có một hãng phim Nhà nước nào tham gia sản xuất để có phim tham dự Cánh diều thì hơi đáng lo và đáng buồn. Kinh phí của Nhà nước dành cho điện ảnh đang gặp khó khăn gì thì chẳng có câu trả lời cụ thể” - nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thẳng thắn chia sẻ.

Thế nhưng, nếu coi việc làm phim là động lực sáng tạo, là lẽ sống của từng người làm nghề, thì những nhà làm phim nói chung ở phía Bắc sẽ làm gì nếu không làm phim? Tại sao những nhà làm phim phía Nam, nhiều người cũng là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, lại không trông chờ vào việc giải ngân để được làm phim?

Lý giải điều này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, nói: “Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay rất ngổn ngang, con người đang dư thừa rất nhiều. Những người có chuyên môn thì không được sử dụng, cho rằng cũ rồi. Trong khi đó ở phía Nam họ tiến bộ hàng ngày, kỹ thuật quay rất giỏi, kỹ xảo rất tốt, tiếp cận được với đời sống sôi động”.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà làm phim năng động ở phía Bắc đã chủ động vào phía Nam để làm nghề. Làm nghề trước, sáng tạo sau là quan niệm của nhiều nhà làm phim tư nhân tại miền Nam. Chính quan niệm này mà giải Cánh diều có năm có phim nhiều dấu ấn sáng tạo, có năm lại không có, như năm này.

Hiền Hòa

Tin xem nhiều