Báo Đồng Nai điện tử
En

Gương mẫu trong xây dựng gia đình văn hóa

10:10, 28/10/2016

Ngoài việc phát huy vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc nêu gương sáng để con cháu học tập và làm theo góp phần xây dựng gia đình văn hóa cũng đang được người cao tuổi trong tỉnh thực hiện.

Ngoài việc phát huy vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc nêu gương sáng để con cháu học tập và làm theo góp phần xây dựng gia đình văn hóa cũng đang được người cao tuổi trong tỉnh thực hiện.

Cháu nội ông Lương Văn Thiều (thứ 3 từ phải qua) đọc thơ ông viết về bà Đinh Thị Hương - vợ ông (thứ 2 từ trái qua) cho cả nhà cùng nghe.
Cháu nội ông Lương Văn Thiều (thứ 3 từ phải qua) đọc thơ ông viết về bà Đinh Thị Hương - vợ ông (thứ 2 từ trái qua) cho cả nhà cùng nghe.

Gia đình ông Lương Văn Thiều - bà Đinh Thị Hương được hầu hết người dân khu Bàu Cá, xã An Phước (huyện Long Thành) nể trọng bởi ông bà luôn sống mẫu mực, con cái thành đạt và hiếu thảo với cha mẹ. 

* Sống mẫu mực để làm gương

Ông bà đều sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1995, sau hơn 30 năm đứng lớp giảng dạy, ông Thiều nghỉ hưu và ông bà chuyển vào Đồng Nai sinh sống để được ở gần con cháu. Trong gia đình, ông bà luôn sống mẫu mực, nhất là việc giữ cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Vì thế mà hơn 60 năm về chung một nhà, giữa ông bà chưa một lần xảy ra to tiếng.

Theo Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, từ năm 2011-2015 toàn tỉnh có 90-95% gia đình người cao tuổi đạt chuẩn gia đình văn hóa, trong đó nhiều gia đình người cao tuổi đạt chuẩn gia đình văn hóa nhiều năm liền.

Ông Thiều cho biết ông không có tư tưởng ‘’gia trưởng’’, mọi việc trong gia đình đều được ông bà đưa ra bàn bạc, phân tích thấu đáo rồi đi đến thống nhất. Trong cách dạy con, ông bà tuyệt đối không dùng đòn roi mà chủ yếu là dùng lời nói nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích điều hay lẽ phải. Cách ứng xử cũng như dạy con của ông bà không chỉ giúp 5 người con trưởng thành, có địa vị xã hội mà còn là kinh nghiệm quý báu để các thế hệ trong gia đình học tập và làm theo.

Mặc dù đang ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng người dân ở KP.3, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) vẫn bắt gặp hình ảnh ông Hà Văn Nho và bà Hà Thị Hồng Xuân cùng nhau xem và tranh luận về nội dung của một bộ phim, hay đọc báo cho nhau nghe. Hạnh phúc ấy là kết quả của mối tình đẹp trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt cho đến tận hôm nay. Ông Nho quê ở Phú Thọ, còn bà Hồng ở Hưng Yên, cả hai gặp nhau khi ông là chàng sinh viên bách khoa và bà là cô gái ngành y ở Hà Nội. Năm 1969, một đám cưới “vội’’ diễn ra, rồi mỗi người một nơi do yêu cầu công việc, học tập. Năm 1979, đơn vị của ông chuyển từ Hà Nội vào Đồng Nai, ông bà mới có cơ hội chung đơn vị và ở gần nhau, cùng nhau nuôi dạy con cái trưởng thành. Nghỉ hưu, ông bà tích cực tham gia công tác tại các đoàn thể tại địa phương; thường xuyên nhắc nhở con cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hưởng ứng các phong trào của địa phương, như: vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, treo cờ Tổ quốc nhân các ngày lễ lớn... góp phần xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.

* Phát huy vai trò tổ chức Hội

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, cho biết các cấp Hội Người cao tuổi tỉnh đã đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động của Hội với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và được các cấp Hội Người cao tuổi đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm. Nhờ đó, công tác tập huấn, tuyên truyền được các cấp Hội chú trọng, bình quân mỗi năm có khoảng 70 ngàn hội viên người cao tuổi tham gia học tập, nghe tuyên truyền các nội dung liên quan đến phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Đẩy mạnh phong trào thi đua ‘’Tuổi cao - gương sáng’’, ‘’Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo’’... cũng là giải pháp mà các cấp Hội vận dụng để vận động cán bộ, hội viên người cao tuổi giáo dục con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gia đình người cao tuổi tự nguyện đăng ký thực hiện tiêu chí không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội... góp phần tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; đồng thời tăng cường các hoạt động chăm sóc người cao tuổi về sức khỏe, vật chất, tinh thần; từ đó động viên, khuyến khích người cao tuổi sống vui, sống khỏe, tích cực tham gia đóng góp kinh nghiệm quý, cách làm hay, dạy bảo con cháu trong gia đình.

Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Nguyễn Thị Kim Liên chia sẻ gia đình Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình... gia tăng để lại hậu quả nhiều mặt đối với gia đình và xã hội, nhất là làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. ‘’Nhằm tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại, thời gian tới với vai trò của mình các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, phong trào liên quan đến công tác gia đình; đặc biệt là vận động cán bộ, hội viên người cao tuổi gương mẫu trong xây dựng chính gia đình mình và vận động những người xung quanh cùng xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội’’ - bà Nguyễn Thị Kim Liên nói.

Nga Sơn

 

 

 

Tin xem nhiều