Gần 10 năm qua, tại Việt Nam doanh thu bán vé phim liên tục tăng, nếu năm 2009 đạt 13,3 triệu USD thì năm 2015 đã hơn 105 triệu USD.
Gần 10 năm qua, tại Việt Nam doanh thu bán vé phim liên tục tăng, nếu năm 2009 đạt 13,3 triệu USD thì năm 2015 đã hơn 105 triệu USD. đây là cơ hội rất tốt để phát triển mặt bằng phim ảnh, nhưng chính từ “miếng bánh phòng vé” đang mở rộng này mà sinh ra mâu thuẫn. Mới đây 8 đại diện các nhà sản xuất, phát hành khiếu nại lên Hội Điện ảnh Việt Nam vì cho rằng họ đang bị tập đoàn CGV chèn ép trong việc ăn chia phòng vé.
Em là bà nội của anh, phim do tập đoàn CGV sản xuất có doanh thu lớn nhất trong thị trường phim Việt. |
Phía khiếu nại gồm có: Galaxy Studio, BHD, Saigon Media, Sóng Vàng, Skyline, Công ty VAA, MVP, Early Risers. Lý lẽ khiếu nại: phim Việt do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%), còn phim Việt Nam do các doanh nghiệp khác phát hành tại hệ thống CGV lại là 45/55 (nghĩa là CGV vẫn hưởng 55% trong tuần đầu tiên). Tại sao CGV (chủ đầu tư là Hàn Quốc) có thể làm được điều này? Đơn giản vì tập đoàn này đang giữ khoảng 40% số phòng chiếu tại Việt Nam. Nếu các nhà sản xuất phát hành khác không chịu luật chơi này thì sẽ không được chiếu phim, nghĩa là sẽ mất 40% doanh thu.
Theo phân tích của giới luật sư, dường như bên nào cũng... có lý, nếu ra tòa thật khó để phân xử thắng thua. Điều này cũng giống như vụ kiện hồi tháng 3-2010 với MegaStar (tiền thân của CGV) khiến Bộ Công thương vào cuộc, nhưng khó đi đến kết luận sau cùng. Mãi đến tháng 4-2015 mới chấm dứt bằng việc Galaxy rút đơn khiếu nại, còn CGV (đơn vị mua lại MegaStar) chịu 100 triệu đồng tiền chi phí giải quyết vụ việc.
Lần này, lý lẽ của CGV như sau: “Chúng tôi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ nhiều hơn gấp 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường Việt Nam. Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, CGV còn tập trung phát triển hệ thống rạp tại các tỉnh, thành khác trong cả nước nhằm giới thiệu phim Việt tới nhiều hơn nữa các khán giả ở các khu vực này”.
Trong năm 2015, doanh thu và số lượng người xem phim Việt Nam tại CGV chiếm 30%, trong đó 30-40% doanh thu đến từ các tỉnh có hệ thống rạp CGV. Con số này cũng tương đương với thị phần phim Việt Nam trên toàn bộ thị trường. Đây là một con số phát triển ấn tượng của thị phần phim Việt Nam khi so với năm 2012, phim nội địa chỉ chiếm 19% tổng giá trị thị trường.
Không chỉ giữ thế thượng phong về phòng vé, gần đây Tập đoàn CGV còn làm phim có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam, ví dụ như Em là bà nội của anh. Phim này có kịch bản gốc từ Hàn Quốc, dù được Việt hóa vẫn phảng phất đặc trưng lối sống, văn hóa Hàn Quốc. |
Nhìn vào doanh số hơn 105 triệu USD, có thể khẳng định phim ảnh đang có doanh thu vào hàng lớn nhất nếu so với 6 bộ môn nghệ thuật còn lại tại Việt Nam. Giả dụ việc khiếu nại này hoàn toàn chính đáng, tỷ lệ ăn chia được cân đối 50/50 thì phim Việt có hết chịu lệ thuộc vào sức mạnh của CGV và nước ngoài? Sẽ không hề có chuyện đó, bởi ngoài CGV có 32 cụm rạp thì Lotte Cinema đang có 25 cụm rạp, cả hai đều đến từ Hàn Quốc, một quốc gia có kinh nghiệm và thế mạnh bậc nhất của châu Á về phim ảnh nên sức chi phối, sự khuynh loát sẽ rất lớn tại Việt Nam.
Giả dụ tỷ lệ ăn chia được minh bạch hơn, nơi CGV chỉ chiếm 40% thị phần như số rạp sở hữu, thì câu chuyện bán vé tại Việt Nam vẫn thuộc về “kẻ mạnh”. Thực tế cho thấy để bán được nhiều vé không chỉ phụ thuộc vào số lượng phòng chiếu, mà còn sự chuyên nghiệp trong kinh doanh. Đây là chưa nói đến một khía cạnh khác: liệu không có những nhà phát hành như MegaStar (và CGV) thì đến bao giờ Việt Nam mới có được số phòng chiếu và doanh thu hơn 105 triệu USD như hiện nay? Chắc chắn sẽ còn rất lâu, vì rõ ràng Galaxy Studio, thậm chí BHD có lịch sử hiện diện trước CGV và Lotte Cinema, thế nhưng đến nay mỗi bên mới chỉ có 6 cụm rạp. Với đà phát triển đúng quy luật, chừng 4-5 năm nữa CGV và Lotte Cinema sẽ có đến 100 cụm rạp tại Việt Nam.
Như Báo Đồng Nai từng phân tích, việc chịu sự chi phối của Hàn Quốc trong khía cạnh phim ảnh là điều khó tránh hiện nay, nên các nhà sản xuất và phát hành nội địa cần thay đổi chiến lược làm phim ảnh, thay đổi tư duy cạnh tranh chứ không chỉ nhìn vào việc bán vé trước mắt.
Hiền Hòa