Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ vườn tượng bị lãng quên đến những vở diễn bị xếp kho

07:12, 12/12/2015

Vào năm 2003, tỉnh An Giang tổ chức hội trại điêu khắc quốc tế thu hút hơn 30 nghệ sĩ nhiều nước. Kinh phí cho hội trại này hơn 10 tỷ đồng. Vài năm sau, tỉnh An Giang tổ chức hội trại điêu khắc lần thứ 2, và chi phí tương đương lần 1. T

Vào năm 2003, tỉnh An Giang tổ chức hội trại điêu khắc quốc tế thu hút hơn 30 nghệ sĩ nhiều nước. Kinh phí cho hội trại này hơn 10 tỷ đồng. Vài năm sau, tỉnh An Giang tổ chức hội trại điêu khắc lần thứ 2, và chi phí tương đương lần 1. Thế nhưng, hiện tại nhiều bức tượng trong 2 hội trại sáng tác này đã bị lãng quên. Từ đây, nhiều người cho rằng 2 kỳ hội trại điêu khắc là một sự lãng phí. 

* Từ vườn tượng bị quên lãng…

Địa điểm tổ chức hội trại điêu khắc An Giang lần 1 nằm ở đoạn đường cách Núi Sam non 1km, gần chùa Huỳnh Đạo. Mục đích cho hội trại là thành lập khu vườn tượng để tạo thêm mỹ quan cho vùng Châu Đốc phát triển mạnh loại hình du lịch tâm linh. Nhiều nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng trong nước và quốc tế đã tạo ra những tác phẩm đa dạng và đẹp. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công viên vườn tượng không hề có sức hút với người địa phương lẫn du khách.

Vài năm sau đó, chính quyền tỉnh An Giang tổ chức tiếp hội trại sáng tác điêu khắc lần thứ 2 tại khu du lịch Bến Đá, cách Núi Sam tầm 200m. Giống như khu vườn tượng lần trước, rất ít người ghé qua đây để chiêm ngưỡng các tác phẩm. Dù mỗi tác phẩm có những đường nét sáng tạo nhưng việc trưng bày theo kiểu “xếp hàng”, thiếu điểm nhấn nên khu vườn cũng không tạo nên một vẻ đẹp đáng kể nào.

Kể từ khi xuất hiện khu vườn tượng thứ hai, khu vườn tượng thứ nhất đã bị bỏ quên, cho dù tại đây vẫn còn hơn 10 bức tượng đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tấm bảng ghi tên vườn tượng bị xóa bỏ, khu vực bên trong đất đá ngổn ngang. Các ghế đá dành cho du khách ngồi nghỉ chân đã bị dẹp vào một góc. Đương nhiên, những vết loang lổ, rêu phong trên tác phẩm cho thấy không có dấu vết của công tác bảo dưỡng. Nhiều người đặt ra câu hỏi, số kinh phí hơn 10 tỷ đồng bỏ ra cho hội trại lần nhất hướng đến mục đích gì? Phải chăng hoạt động này là một quyết định tùy hứng và thiếu tầm nhìn về thẩm mỹ?

Cũng từ đây nhiều người tiếp tục đặt ra nghi vấn rằng nhiều khả năng khu vườn tượng thứ hai cũng sẽ trở thành một phế tích như khu vườn tượng đầu tiên. Câu chuyện vườn tượng tại TP.Châu Đốc gợi nhớ lại các bức tượng bị hư hỏng tại Huế. Các bức tượng này cũng được tạo nên từ các hội trại điêu khắc diễn ra 5 lần tại Huế. Ban tổ chức cũng muốn dùng các tác phẩm này vào mục đích trang trí, tạo cảnh đẹp cho TP.Huế nhưng sau cùng chúng đã bị hư hại. Đương nhiên tác phẩm điêu khắc bị biến dạng, phai màu thì không thể nào làm đẹp được nếu không muốn nói là tạo ra nét xấu cho thành phố

*…đến các vở diễn không phục vụ công chúng

Nói về sự lãng phí trong lĩnh vực nghệ thuật thì ngành cải lương không hề kém cạnh mỹ thuật điêu khắc. Cứ đến mùa hội diễn, các đoàn cải lương hăng hái chuẩn bị vở mới. Các đơn vị tham gia đều nhận được sự đầu tư kinh phí từ tỉnh hoặc đơn vị chủ quản. Theo một nghệ sĩ kiêm ông bầu của một đoàn tỉnh, trung bình mỗi vở diễn nhận được từ 300 triệu đồng trở lên. Các vở diễn này được diễn một lần trong hội diễn. Sau đó, có vở sẽ được diễn ít lần, có vở xếp kho vì chất lượng không phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Vì rằng mỗi một liên hoan hay hội diễn đều có tiêu chí riêng, và các tiêu  chí đó hầu như ít nhắm đến đối tượng chính là người xem mà là phục vụ mục đích tuyên truyền. Như thế số tiền đầu tư cho hội diễn chỉ nhằm phục vụ cho thời gian ngắn ngủi của hội diễn mà không phục vụ cho công chúng trong thời gian sau đó.

Hiện tại, có rất nhiều đơn vị nghệ thuật nhà nước lẫn tư nhân đang chắt chiu từng đồng để sân khấu sáng đèn hay để có tác phẩm trình diễn. Họ có tài năng, tâm huyết nhưng thiếu tiền. Gặp cảnh khó khăn họ phải vất vả xoay xở cho một sự tồn tại hết sức bấp bênh. Thiết nghĩ thay vì đầu tư một cách lãng phí thì cơ quan chức năng nên tìm cách gì đó chuyển số kinh phí lớn đến đúng đối tượng biết làm nghệ thuật để khán giả có cái để xem. Bằng cách đó, số tiền trăm triệu và chục tỷ không trở thành những phế tích không người quan tâm.

Nguyễn Huy

 

Tin xem nhiều