Từ ngày 6 đến 23-11, cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 sẽ diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu).
Từ ngày 6 đến 23-11, cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 sẽ diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu). Đây là sân chơi lớn được mong đợi của giới sân khấu cải lương trong cả nước. Sau lần tổ chức khá thành công tại Đồng Nai vào năm 2012, cuộc thi năm nay do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức.
Cảnh trong vở Tình sử hai vương triều, sẽ diễn tại cuộc thi nghệ thuất sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, vào tối 9-11. |
So với lần trước, cuộc thi năm nay tổ chức quy mô hơn qua sự tham gia của 27 đơn vị với 31 vở diễn (năm 2012 là 22 đơn vị, 27 vở diễn), quy tụ khoảng hơn 1 ngàn nghệ sĩ khắp các vùng miền gắn bó với loại hình nghệ thuật cải lương. Và không chỉ là “sàn đấu” ca diễn của các nghệ sĩ, cuộc thi còn là sự đọ tài về kịch bản, tài dàn dựng mảng miếng, hiệu ứng sân khấu giữa các đạo diễn danh tiếng trong nghề, sự khẳng định thương hiệu của các đoàn nghệ thuật nhà nước lẫn tư nhân.
* Đầu tư công phu
Năm nay, “anh cả” trong giới sân khấu cải lương là Nhà hát cải lương Việt Nam đem đến cuộc thi 2 vở diễn đều được đánh giá là “nặng ký”: Vua Thánh triều Lê (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSƯT Hoàng Quỳnh Mai) và Mai Hắc Đế (tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên). Trong đó, vở Mai Hắc Đế với nội dung tái hiện hình ảnh nhân vật Mai Thúc Loan từ lúc chào đời cho đến khi trở thành anh hùng dân tộc, đánh đuổi nhà Đường xâm lược bằng cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, tinh thần bảo vệ chủ quyền đất nước cách đây hơn 1.300 năm đã được giới truyền thông lẫn công chúng đánh giá cao sau 3 đêm công diễn tại Hà Nội vào cuối tháng 1-2015. Mai Hắc Đế còn là vở cải lương được đầu tư “khủng” từ trước đến nay với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, quy tụ 140 nghệ sĩ, nhạc công, vũ công, võ sinh cùng công nghệ màn hình led tạo hiệu ứng sân khấu, hứa hẹn sẽ rất hoành tráng.
Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai góp mặt tại cuộc thi với 2 vở: Ánh đèn khuya (tác giả Huỳnh Văn Tới, chuyển thể Đăng Minh, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà), biểu diễn vào sáng 7-11; Tình sử hai vương triều (tác giả Chu Thơm, chuyển thể Đăng Minh, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà), biểu diễn tối 9-11. |
Một vở diễn khác được giới chuyên môn đánh giá cao là Chiến binh của Nhà hát Trần Hữu Trang. Đây là vở chuyển thể từ kịch bản của nhà văn Chu Lai, do NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn, với đề tài về sự đối đầu giữa 2 tuyến nhân vật tốt - xấu trong những người lính từng là đồng đội, trước đây đã từng rất thành công khi dàn dựng trên sân khấu hình kịch nói và chèo. Chiến binh còn có dàn nghệ sĩ rất hùng hậu: NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tấn Giao, nghệ sĩ Lê Tứ, giải nhất Chuông vàng vọng cổ 2013 Kim Luận… nên cũng là vở được chờ đón rất nhiều.
Không thể không nhắc đến Trung thần của Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, bởi vở được NSƯT Hoa Hạ chấp bút lẫn đạo diễn. Với 3 nhân vật trụ cột: Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Lê Văn Duyệt - những công thần triều Nguyễn, vở diễn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm, đối nhân xử thế của người làm quan chân chính trong vòng xoáy chính trị, chữ trung phải đặt ra với vua hay với dân.
Ở vai trò “chủ nhà”, Bạc Liêu góp mặt 3 vở: Quê hương và mẹ (tác giả NSƯT Hữu Lộc - Hoa Phượng, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), Bóng biển (tác giả Trọng Nguyễn, đạo diễn NSƯT Khưu Minh Chiến) và Đào Duy Từ (tác giả - đạo diễn Quốc Khánh). Trong đó, Đào Duy Từ (Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Bạc Liêu) có nội dung về cuộc đời nhân vật Đào Duy Từ, một nhà quân sự, chính trị tài giỏi, yêu nước nhưng gặp nhiều bi kịch trong xã hội, đứng trước nhiều băn khoăn, trăn trở trong lựa chọn hướng đi cuộc đời, đã từng đạt giải B Giải thưởng tác phẩm sân khấu xuất sắc quốc gia năm 2013.
* Thu hút sân khấu tư nhân
Đặc biệt, cuộc thi lần này có đến 7 đơn vị tư nhân (thường được gọi là sân khấu xã hội hóa) tham dự, cho thấy sân chơi lớn này đang dần cuốn hút không chỉ các đơn vị nhà nước mà cả với sân khấu tư nhân - những đơn vị luôn phải xài tiền túi của mình nên thường cân nhắc rất kỹ chuyện được gì, mất gì khi tham gia các cuộc chơi.
Với giới sân khấu cải lương, cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc không chỉ là dịp giao lưu, “so tài”, học hỏi kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật lẫn chỉ đạo quản lý, mà còn là cơ hội để các nghệ sĩ, đạo diễn khẳng định năng lực thông qua các giải thưởng, huy chương - một trong những tiêu chí quan trọng làm căn cứ xét phong các danh hiệu NSƯT, NSND. |
Sân khấu Sao Minh Béo dự thi vở Trạng làm quan (tác giả Huy Cơ, chuyển thể Đăng Minh). Đây là vở diễn đề tài dân gian mang tính hài hước, “ông bầu” - nghệ sĩ hài Minh Béo đã không ngần ngại móc hầu bao, mời đạo diễn NSƯT Phạm Đỗ Kỹ từ Hà Nội vào dàn dựng, chỉ riêng phần đầu tư cho âm nhạc dân tộc đã lên đến 200 triệu đồng. Tương tự, “bà bầu” Linh Huyền của Công ty cổ phần nghệ sĩ Mê Kông cũng “chịu chơi” mời NSƯT Trần Minh Ngọc đạo diễn vở Bà chúa thơ Nôm (tác giả Linh Huyền) để dự thi, cho thấy quyết tâm của 2 đơn vị tư nhân này.
Góp mặt tại sân chơi còn có đơn vị tư nhân như: sân khấu Sen Việt của Công ty giải trí Lê Nguyên với vở Cõi thiêng (tác giả Vương Huyền Cơ, chuyển thể Đăng Minh - Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt) về chủ đề bảo vệ rừng; Công ty TNHH tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hồng Lạc Xuân với vở Sống trong lòng địch…
Thanh Thúy