Đó là chia sẻ của nghệ sĩ hài Xuân Bắc, Trưởng đoàn biểu diễn 1 Nhà hát kịch Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ Việt Nam với khán giả Đồng Nai khi tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân tại TP.Biên Hòa vào tháng 8 vừa qua.
Đó là chia sẻ của nghệ sĩ hài Xuân Bắc, Trưởng đoàn biểu diễn 1 Nhà hát kịch Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ Việt Nam với khán giả Đồng Nai khi tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân tại TP.Biên Hòa vào tháng 8 vừa qua.
Diễn viên Xuân Bắc giao lưu cùng khán giả tại TP.Biên Hòa. |
Nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết:
- Để định hướng được dư luận, người diễn viên phải lựa chọn kịch bản trước khi hóa thân vào các vai diễn. Cụ thể, khi nhận được lời mời, kịch bản từ đạo diễn tôi phải tìm hiểu kỹ mục đích, ý nghĩa kịch bản muốn hướng đến điều gì, có tác động tích cực đối với xã hội hay không, rồi vai diễn của mình như thế nào. Trong trường hợp thấy kịch bản không phù hợp, đầu tiên tôi đóng góp ý kiến để đạo diễn sửa chữa lại, nếu không tìm được tiếng nói chung lúc này tôi sẵn sàng nói “không”.
* Nếu vậy chắc anh đã từ chối không ít kịch bản?
- Đúng vậy. Tôi đã từ chối không ít lời mời từ các nhà sản xuất, đạo diễn. Tuy nhiên, thật may mắn là việc làm của tôi không bị mọi người xem là “chảnh” mà chỉ bị nhận xét là khó tính mà thôi.
Nhưng có nhiều đạo diễn đã chia sẻ với tôi rằng, chính sự lựa chọn kỹ lưỡng, sẵn sàng góp ý vào kịch bản của tôi đã giúp họ có những điều chỉnh phù hợp trong tác phẩm. Theo tôi, làm nghệ thuật khó tính là rất cần thiết đối với người nghệ sĩ, dễ dãi với nghề sẽ bị chính nghề đào thải, khán giả xa lánh cũng như tự gắn cho mình cái mác thiếu nghiêm túc với nghề.
* Có rất nhiều nhóm hài ra đời trong thời gian vừa qua. Anh đánh giá như thế nào về sự nở rộ các nhóm hài này?
- Phải công nhận rằng là chỉ một vài năm trở lại đây số lượng nhóm hài, diễn viên hài trẻ xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này rất đáng mừng vì đáp ứng đúng quy luật “tre già măng mọc”. Trong số này có nhiều nhóm hài rất nghiêm túc với nghề, làm nghề bằng cả trái tim, nhưng cũng không ít nhóm hài, không ít diễn viên hài quá chú trọng vào việc chạy theo thị hiếu khán giả, dù đó là thị hiếu được xem là khá tiêu cực với những tiểu phẩm hài mà ngôn từ thiếu văn hóa, hay xây dựng kịch bản hài từ những sự việc rùng rợn vừa xảy ra trong cuộc sống.
* Vậy theo anh làm gì để hạn chế những tiểu phẩm hài “độc hại” này ?
- Trách nhiệm này trước hết thuộc về người nghệ sĩ trong việc xây dựng nội dung, kịch bản của từng tiểu phẩm, vai diễn. Kế đó là từ phía khán giả, bởi khán giả là người trực tiếp lựa chọn thể loại, tiết mục, nhóm hài, diễn viên hài mà mình muốn xem. Ở đây dẫn đến sự tác động qua lại: người xem cần có sự chọn lọc cho riêng cá nhân mình những tác phầm tích cực, và lẽ dĩ nhiên nếu khán giả làm được điều này thì những pha hài thiếu văn hóa, kịch bản hời hợt… sẽ dần bị xa lánh, lãng quên. Từ đó, người nghệ sĩ sẽ tự ý thức để điều chỉnh hướng đi cho nghề nghiệp của mình. Lúc đó, khán giả sẽ được xem những chương trình, tiết mục chất lượng, còn diễn viên sẽ hướng đến hình ảnh hài đẹp.
* Đối với nghệ sĩ hài thì điều quan trọng nhất là làm cho khán giả cười. Vậy, cách mà anh làm cho khán giả cười như thế nào?
Nghệ sĩ Xuân Bắc (tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Bắc, sinh ngày 21-8-1976 tại TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Vào nghề từ năm 1995, nhưng phải 3 năm sau Xuân Bắc mới được khán giả biết đến qua vai Núi trong bộ phim Sóng ở đáy sông phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam năm 1998. Ngoài ra, Xuân Bắc còn là cây hài ăn khách của các chương trình, như: Táo quân, Gặp nhau cuối tuần, Ơn giời! cậu đây rồi, Vũ điệu tuổi xanh, Hỏi xoáy đáp xoay... |
- Làm cho khán giả cười có rất nhiều cách và cách cười của khán giả cũng rất đa dạng. Chẳng hạn như có tình huống hài, lời thoại hài hước hay chỉ cần nhìn thấy nhân vật là khán giả đã bật cười, đó là cái cười rất tự nhiên. Nhưng có cái cười của khán giả chỉ là gượng gạo, thấy người khác cười mình cười theo, dù tình huống trên sân khấu chẳng đáng cười chút nào. Có khi khán giả cười lại như bị diễn viên thọc lét để cười. Nhưng cái cười mà tôi theo đuổi là từ những tình huống liền mạch, xuyên suốt trong câu chuyện của vở diễn. Sau đó khán giả dần dần cảm nhận để từ đó rút ra cái cười tự nhiên mà nội dung vở diễn truyền tải. Cái cười đó chắc chắn sẽ được mọi người nhớ lâu.
* Anh có thể chia sẻ một số dự định trong tương lai với khán giả?
- Hiện Xuân Bắc có rất nhiều dự định mà trước mắt là chuyến lưu diễn phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước, trong đó có biểu diễn, giao lưu phục vụ công nhân tại tỉnh Đồng Nai. Xuân Bắc đang phối hợp cùng các đơn vị tiếp tục thực hiện tiếp chương trình vui nhộn Hỏi xoáy đáp xoay trên sóng truyền hình quốc gia để đáp ứng mong mỏi của khán giả. Ngoài ra thì còn rất nhiều dự định về sân khấu, phim ảnh, truyền hình thực tế khác nữa nhưng cho phép Xuân Bắc được giữ bí mật đến phút chót.
* Qua 2 đêm phục vụ thanh niên công nhân tại huyện Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa (Đồng Nai), có kỷ niệm nào làm anh lưu luyến?
- Người nghệ sĩ dù biểu diễn trên sân khấu nào cũng có kỷ niệm riêng cho mình và đối với Xuân Bắc cũng vậy. Ấn tượng và vui nhất mà Xuân Bắc nói riêng, anh em nghệ sĩ trong đoàn nói chung nhận được sự nhiệt tình từ khán giả Đồng Nai. Bởi dù đoàn chúng tôi biểu diễn một vở chính kịch (vở Bệnh sĩ) khác với những vở hài kịch đang thịnh hành hiện nay, thêm vào đó là thời tiết bất lợi (mưa to và kéo dài suốt đêm). Nhưng qua 2 đêm diễn, lượng người đến xem đều rất đông. Đây là niềm cổ vũ lớn nhất cho tập thể anh em nghệ sĩ, êkíp thực hiện chương trình. Hy vọng trong những chuyến lưu diễn sau này, cũng như các chương trình phát sóng trên màn ảnh nhỏ, Xuân Bắc sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khán giả Đồng Nai.
* Xin cảm ơn anh!
Văn Truyên (thực hiện)