Dù trời nắng hay mưa, những bảo vệ thuộc Xí nghiệp quản lý công viên công cộng (trực thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai) luôn túc trực tại các công viên có di tích để vừa bảo vệ tài sản, vừa làm cho các di tích trở nên ấm cúng vì có người chăm sóc.
Dù trời nắng hay mưa, những bảo vệ thuộc Xí nghiệp quản lý công viên công cộng (trực thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai) luôn túc trực tại các công viên có di tích để vừa bảo vệ tài sản, vừa làm cho các di tích trở nên ấm cúng vì có người chăm sóc.
Anh Huỳnh Nhật Hòa làm vệ sinh tại di tích cấp quốc gia Đài Kỷ niệm trong khuôn viên Công viên Kỷ niệm (phía trước Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai). |
Những bảo vệ này không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ trông nom, bảo vệ như những bảo vệ tại các công viên cây xanh khác, mà mỗi người còn tự nguyện đảm nhận phần việc vệ sinh di tích và kiêm luôn cả vai trò của một “hướng dẫn viên” khi người dân đến tham quan, tìm hiểu.
* Vừa bảo vệ, chăm sóc…
Gắn bó với công việc chăm nom, bảo vệ tại Công viên Kỷ niệm, nơi tọa lạc di tích lịch sử cấp quốc gia Đài Kỷ niệm (còn có tên gọi khác là Đài Chiến sĩ, trước Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, thuộc phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) hơn 8 năm nay, anh Huỳnh Nhật Hòa (ngụ huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Ngoài trách nhiệm tuần tra canh gác, bảo vệ tài sản nhà nước, nhắc nhở người đến tham quan tại công viên nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bản thân tôi vẫn đều đặn thực hiện việc quét dọn, nhang khói nơi Đài Kỷ niệm, đồng thời nhắc nhở mọi người không đùa cợt thiếu văn hóa nơi di tích tôn nghiêm này...”.
Cũng làm công việc tương tự cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Khương (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), nhân viên bảo vệ tại Công viên Tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa, chia sẻ: “Tôi làm công việc bảo vệ ở di tích này cũng được gần nửa năm. Khi mới vào làm, ban giám đốc xí nghiệp luôn nhắc nhở tôi phải chăm nom, vệ sinh sạch sẽ khu vực tượng đài, đồng thời thắp hương hàng ngày để hôm nào di tích cũng ấm cúng, thể hiện được sự trân trọng, ghi nhớ công ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ, người có công với đất nước”.
Đáng chú ý, chỗ trú nắng tránh mưa của những bảo vệ nơi công viên di tích thật đặc biệt. Theo ông Lê Anh Minh, Giám đốc Xí nghiệp quản lý công viên công cộng, đơn vị trực tiếp được giao quản lý những công viên của TP.Biên Hòa thì theo Luật Di tích, khu vực bảo vệ di tích không được phép xây dựng, cơi nới thêm công trình mới nếu như chưa có sự đồng ý của các cơ quan chức năng nên không thể bố trí các lô cốt hay nhà bảo vệ cho anh em có chỗ che nắng che mưa cố định tại đây được. Vậy nên ở mỗi công viên có di tích thường bố trí dù cây đường kính gần 3m. “Cực nhất là trực đêm trời đổ mưa to, nước mưa tạt vào bên trong dù làm ướt cả ghế bố” - anh Huỳnh Nhật Hòa nói.
*...Vừa là “hướng dẫn viên”
Vượt qua khó khăn trong công việc, mỗi bảo vệ gắn bó với công viên có di tích không chỉ làm tốt việc trông nom, bảo vệ mà mỗi người còn kiêm luôn cả vai trò của một “hướng dẫn viên” khi người dân đến tham quan, tìm hiểu tại đây.
Anh Huỳnh Nhật Hòa cho hay di tích Đài kỷ niệm được rất nhiều người nhất là học sinh, sinh viên đến tham quan hàng ngày. Nhiều sinh viên từ các nơi mới về học tập tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai hay đến đây tham quan, vẽ tranh và tìm hiểu thông tin về di tích. Những lúc như vậy, bất đắc dĩ anh phải làm một “hướng dẫn viên” để trả lời về thời gian có di tích, nguyên nhân, mục đích có di tích này… đến với người có nhu cầu theo như những kiến thức đã được Ban giám đốc Xí nghiệp quản lý công viên công cộng phổ biến trước khi nhận vị trí việc làm.
Giám đốc Xí nghiệp quản lý công viên công cộng Lê Anh Minh cho hay trong tổng số 15 công viên, công viên vòng xoay của TP.Biên Hòa thì có đến 4 công viên có di tích bên trong là: Công viên Kỷ niệm (nơi tọa lạc di tích lịch sử cấp quốc gia Đài Kỷ niệm, thuộc phường Trung Dũng); Công viên Tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa (có di tích phổ thông là Tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa); Công viên Thanh Bình - vòng xoay Sông Phố (nơi có di tích cấp quốc gia Quảng trường Sông Phố, phường Thanh Bình) và Công viên Chiến thắng Long Bình (nơi có di tích phổ thông Tượng đài Chiến thắng Long Bình, thuộc phường Bình Đa). |
Anh Nguyễn Thanh Tú, Tổ trưởng quản lý công viên (Xí nghiệp quản lý công viên công cộng), cho biết thêm: “Mọi người đến với Công viên Thanh Bình - vòng xoay Sông Phố (có di tích cấp quốc gia Quảng trường Sông Phố), nhất là những khách ngoài tỉnh luôn thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao chỉ là một vòng xoay mà lại được gắn biển di tích cấp quốc gia. Những lúc như vậy, tôi và một số anh em trực tại đây phải đứng ra giải thích rồi hướng dẫn họ lên mạng tìm hiểu thông tin đầy đủ hơn chứ đôi khi sự hiểu biết của mình cũng hạn chế”.
Văn Truyên