Buổi trình diễn thời trang được xem là đầu tiên trên thế giới diễn ra tại một salon sang trọng ở Paris vào khoảng những năm 1800. Lúc đó âm nhạc thời trang đã xuất hiện với những tiếng violin kéo bè theo nhịp bước của người mẫu.
Buổi trình diễn thời trang được xem là đầu tiên trên thế giới diễn ra tại một salon sang trọng ở Paris vào khoảng những năm 1800. Lúc đó âm nhạc thời trang đã xuất hiện với những tiếng violin kéo bè theo nhịp bước của người mẫu.
Năm 1903, người Mỹ “nhập khẩu” ý tưởng tổ chức fashion show này cho chương trình trình diễn của cửa hiệu Ehrlich Brothers tại New York kèm theo âm nhạc. Từ đó, thời trang catwalk và âm nhạc gắn với nhau như hình với bóng, thiên hình vạn trạng.
* Đường băng cho âm nhạc
Sàn diễn thời trang không bao giờ có thể thiếu âm thanh. Nhạc cho thời trang cực kỳ khó chọn, không giống nhạc sàn vũ trường hay các buổi party vui vẻ. Người ta nói rằng đường băng cho người mẫu tạo dáng cũng chính là đường băng cho âm nhạc cất cánh.
Đầu tư cho âm nhạc thời trang có thể là sử dụng lại những âm thanh sẵn có, quan trọng là đúng chất của buổi diễn. Âm nhạc nhiều vô kể nhưng để tinh tuyển cho một show diễn thời trang lại phụ thuộc vào người chọn nhạc. Đó chắc chắn phải là người có nghề.
Ở Mỹ, sau những show trình diễn thời trang đình đám, người ta vẫn thường chọn ra những bài hát được sử dụng hay nhất. Tờ Billboard thậm chí còn lập ra tốp 10 những ca khúc đáng chú ý trên những sàn diễn và tốp 10 những ca khúc nên có mặt trong các buổi trình diễn thời trang.
Nhà thiết kế nổi tiếng Prabal Gurung cho rằng: “Nếu trang phục là thể xác hấp dẫn thì âm nhạc chính là hồn vía của những show thời trang. Mỗi mùa trình diễn, nhà thiết kế chỉ có 12 phút để giới thiệu bộ sưu tập và họ muốn gửi gắm những câu chuyện bên trong. Và câu chuyện đó có gây được xúc động hay không tùy vào mức độ hòa quyện giữa âm nhạc và quần áo”.
Chính vì thế âm nhạc luôn được coi trọng trong các show thời trang, đến nỗi DJ Rob Wood, người từng viết cuốn sách Làm thế nào để trở thành DJ thời trang, nói thẳng rằng: “Nếu anh không mê thời trang, không có tai nghe và mắt nhìn thì anh hãy biến mất đi”.
* Nhạc thời trang Việt đang ở đâu?
Cho dù có nói tới nói lui, ở Việt Nam hiện nay vẫn rất ít những chương trình thời trang có âm nhạc đẳng cấp sóng đôi cùng trang phục. Nói đâu xa, ngay như chương trình Thời trang và cuộc sống trên tivi vẫn cứ mở nhạc của Kitaro đều đặn và đến nỗi có người còn lên forum để hỏi bài đó là bài nào mà mở suốt thế. Âm nhạc thời trang mà được mở suốt một bài như thế thì chắc là thời trang đang giậm chân tại chỗ. Đáng nói, ca khúc Matsuri của Kitaro được mở đi mở lại và nhiều lúc chẳng ăn nhập với dáng đi người mẫu.
Sự có mặt của Matsuri là lời tán dương mạnh nhất cho âm nhạc của Kitaro khi đi được vào đời sống và là sự cảnh báo không mệt mỏi cho sự bế tắc của âm nhạc thời trang Việt khi chẳng biết dựa vào ai để làm nổi âm thanh cho sản phẩm thời trang.
Cũng đã có nhiều người tìm lối thoát, như Võ Thiện Thanh từng làm với Listen or Walk, một sự pha trộn của các phong cách âm nhạc, như: New Age, World Music, Dance… cùng một vài lát cắt từ các bài hát, như: Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu), Tiếng sóng (Dương Thụ), Sóng (Võ Thiện Thanh) hay Độc huyền cầm (Bảo Lan) được anh khéo léo lồng ghép, phát triển thành những đoạn nhạc nền, tạo cảm giác vừa quen vừa lạ.
Võ Thiện Thanh không lạ với nhạc thời trang. Anh từng đạo diễn âm nhạc cho khá nhiều show thời trang. Điều đó đã nung nấu trong anh những sản phẩm thuần Việt cho show thời trang trong nước.
“Khó khăn là bạn không được quyền nhìn vào phòng thay đồ để xem người mẫu bước ra. Trong đầu bạn luôn phải hình dung người kế tiếp và âm nhạc của bạn không được có một lỗi nhỏ nào. Người xem khi phát hiện sự không liền mạch giữa âm nhạc, sẽ cảm nhận khác đi về câu chuyện thời trang đang được kể” - DJ Rob Wood cho biết. |
Những chương trình của Đẹp Fashion show từng rất dũng cảm mời những nhạc sĩ như Quốc Trung, Trí Minh làm nhạc riêng. Những tác phẩm âm nhạc soạn cho Đẹp Fashion show của nhạc sĩ Quốc Trung đến giờ vẫn còn khá ấn tượng với nhiều người, đặc biệt là khi xem Cơn ác mộng của người thợ may, anh đã phả chất electronic underground rất hấp dẫn. Ở Đẹp Fashion show 9 hẳn nhiều người còn nhớ âm nhạc đã rất được chú trọng. Âm nhạc được chơi live tại chỗ do DJ Trí Minh điều khiển cộng thêm bộ gõ. Đặc biệt, xen lẫn những âm thanh ma mị của nhạc điện tử và bộ gõ là những âm hưởng Tây Nguyên cộng với giọng vocal khá lạ, cũng mang âm sắc Tây Nguyên của ca sĩ Thanh Hòa đã mang đến cho người xem một không gian rộng hơn.
Nhưng concept của những Đẹp fashion show không mang tính phổ thông như các buổi trình diễn thời trang chính thống theo mùa. Vì thế âm nhạc dành cho show, tuy rất trịnh trọng nhưng lại không thể phổ biến. Đẹp Fashion show càng ngày càng mất đi sự hấp dẫn trong âm nhạc trình diễn. Và quan trọng hơn, chương trình này chưa bao giờ nhạc làm nền cho thời trang, bởi đơn giản nhạc chỉ có mục đích duy nhất là tạo không gian cho thời trang. Đó cũng là một sự khác biệt.
Xu hướng hiện nay ở các sàn thời trang Việt là mở Dubstep, một thể loại còn khá mới với người Việt khi pha nhiều âm thanh gây ảo giác cộng thêm phần bass khuếch tán hết cỡ, nhiều người đang khá nghiện thể loại này. Còn muốn an toàn hơn thì chill-out. Nhạc của Enya, Enigma hay Deep Forest vẫn xuất hiện. Những CD bán sẵn ngoài thị trường với những tên gọi mỹ miều, như: Pure mood, Buddha Beats, Karma Collection… vẫn được sử dụng thường xuyên.
Nhạc sĩ Quốc Trung từng mong muốn rằng nhạc thời trang Việt Nam sẽ không phải là nhạc để đi ra, đi vào. Nhưng thực tế thì mơ ước đó chắc còn lâu lắm, nhất là khi những người có nghề nhất, lại chẳng còn sức bật nào để sáng tạo.
Nguyên Minh