Sáng 1-7 (nhằm 16-5 âm lịch), Ban quý tế đình Bình Kính (còn gọi là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh) đã tiến hành nghi thức rất thiêng liêng: khai sắc và khải (đọc) 4 sắc phong của Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh.
Sáng 1-7 (nhằm 16-5 âm lịch), Ban quý tế đình Bình Kính (còn gọi là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh) đã tiến hành nghi thức rất thiêng liêng: khai sắc và khải (đọc) 4 sắc phong của Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Từ lễ khai sắc, những công tích của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công mở cõi Trấn Biên - đã được giới thiệu, làm rõ để nhân dân và các nhà nghiên cứu hiểu biết thêm.
Ban quý tế đình Bình Kính đang khai mở sắc phong Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Văn Truyên |
[links()]Ông Nguyễn Thế Lực, thành viên Ban quý tế xúc cảm cho biết, hơn một trăm năm nay các sắc thần mới được chính thức làm lễ khai mở. Theo tục lệ, trước khi khai mở sắc, Ban quý tế đình phải thực hiện hàng loạt nghi thức thiêng liêng. 4 sắc thần bằng giấy đã nhuốm màu thời gian, nhưng nét bút và dấu triện son vẫn còn rõ tươi nét, tất cả được quấn bằng vải đỏ và đặt trong ống tre lên nước bóng loáng, được các bô lão địa phương khai mở với lòng thành kính vô hạn.
Học giả Hán học Lý Việt Dũng đọc và dịch nghĩa các bản sắc thần. Ảnh: Văn Truyên |
Theo nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng - người khải sắc đồng thời chú giải ý nghĩa - đạo sắc đầu tiên của đình Bình Kính được ban vào ngày 24-9 (âm lịch) Minh Mạng tam niên (năm 1823), là một trong những sắc thần cổ nhất của vùng Nam bộ. Nội dung sắc nêu rõ, Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công cứu nước giúp dân, lập nhiều công đức, đã được nhân dân trong vùng phụng cúng. Phụng mệnh Thái tổ Cao Hoàng đế (tức Gia Long) thống nhất biển trời, mở mang thêm cơ đồ, tới nay nghiệp lớn rỡ ràng, (vua) luôn nghĩ tới ơn thần phò giúp. Ngài đáng được tặng danh hiệu hiển vang, nên gia phong tước hiệu là Thác cảnh uy viễn chiêu ứng Thượng đẳng thần; giao cho nhân dân huyện Bình An, thôn Bình Kính Đông (địa danh vùng Biên Hòa, Cù lao Phố thời điểm được sắc phong) thờ phụng theo lệ cũ. ”Chữ thác cảnh ở đây hết sức quan trọng, nhắc đến công đức khai thác, chiêu dân khẩn hoang vùng biên địa của Thần” - ông Lý Việt Dũng giải thích.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng học giả Hán học Lý Việt Dũng (ở giữa) trước lễ khai sắc thần. Ảnh: Văn Truyên |
Sắc thứ 2 được ban vào mùng 2-7 năm Thiệu Trị thứ 3 (1844), có nội dung: Lễ Thành hầu phủ quân (tức Nguyễn Hữu Cảnh) có công phù giúp đất nước, che chở nhân dân (hộ quốc tí dân), nên ngoài phong hiệu trước còn được gia tặng 2 chữ “thành cảm”. Ông Lý Việt Dũng giải thích, đây là nhắc đến công tích lớn của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh đã dùng sự thành tâm, tinh thần hòa hiếu, đức độ cảm hóa mọi người để an định bang giao với Cao Miên, không cần phải sử dụng đến vũ lực quân sự. Ở sắc này, địa danh của vùng Biên Hòa và Cù lao Phố được ghi là huyện Phước Chính, thôn Bình Hoành. Sắc dùng chữ “khâm tai”, có nghĩa nhắc nhở mọi người phải hết sức trân trọng thi hành. Đặc biệt, năm 1884 là năm nhuận (có 2 tháng 7), cũng trong mùng 2-7 nhuận (tức một tháng sau), Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh được ban một đạo sắc thứ 3, gia tặng thêm 2 chữ “hiển linh” bởi “từ lâu từng tỏ rõ sự linh ứng”. Đây là điều hiếm khi xảy ra.
Một trong 4 bản sắc thần được khai mở. Ảnh: Văn Truyên |
Ở sắc thứ 4, ban vào mùng 8-11 năm Tự Đức thứ 3 (1850), Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh lại được gia phong thêm 2 chữ “trác vĩ”. Ông Lý Việt Dũng cho biết, trong tiếng Hán cổ những gì thật sự vĩ đại, to lớn thì dùng chữ trác, trác vĩ là từ dùng để tôn xưng công trạng, sự vĩ đại của Thần. Ông cũng cho biết thêm, trong khoảng 8 ngàn sắc thần mà ông đã từng đọc qua, chỉ mới thấy có Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh được ban phong hiệu này. Ngoài ra, những thần được ban đến 4 đạo sắc như trên là rất hiếm, có thời điểm chỉ trong vòng một tháng được ban đến 2 đạo sắc, chứng tỏ Lễ Thành hầu được xem trọng đặc biệt. Các sắc đều đề cao công đức tột đỉnh của Thần.
“Qua những chú giải về các sắc phong, hậu thế hôm nay càng tỏ rõ và cảm kích trước công đức của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Vùng đất Trấn Biên đã thờ phụng và lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ bao đời nay với lòng thủy chung, kính trọng và biết ơn bậc tiền nhân đã dày công mở cõi, từ đó càng ra sức đóng góp nhiều hơn để phát triển quê hương giàu đẹp” - PGS.TS Huỳnh Văn Tới bày tỏ.
Trước hiện trạng các sắc thần của đình Bình Kính bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, mục nát, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, PGS.TS Huỳnh Văn Tới cho biết Tỉnh ủy đã có chủ trương hỗ trợ đình bảo tồn, tôn tạo các hiện vật văn hóa, lịch sử cũng như hệ thống kiến trúc, liễn, hoành phi, câu đối đang được lưu giữ tại đình theo hướng giữ nguyên bản sắc, được thể hiện qua dự án mở rộng, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh sẽ triển khai trong thời gian tới. |
Hà Lam