Nhân vật của liveshow Dấu ấn tháng 5 là một trong những nữ ca sĩ được yêu thích nhất của dòng ca khúc truyền thống cách mạng - ca sĩ Thanh Thúy.
Nhân vật của liveshow Dấu ấn tháng 5 là một trong những nữ ca sĩ được yêu thích nhất của dòng ca khúc truyền thống cách mạng - ca sĩ Thanh Thúy.
Ca sĩ Thanh Thúy trong hình ảnh quảng bá cho liveshow Dấu ấn của cô. |
Đây cũng là lần đầu tiên chương trình có nhân vật chính là một giọng ca đi song hành cùng lúc hai con đường binh nghiệp và nghệ thuật, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Thanh Thúy hiện đang là sĩ quan trong quân đội với cấp bậc thiếu tá và chức vụ Đoàn phó Đoàn Văn công Quân khu 7.
* Hai con đường lựa chọn
Lui về 20 năm trước, nhiều người vẫn còn nhớ sân khấu ca nhạc một dạo ồn ào vì một cô gái nhờ giọng hát ngọt lịm và tha thiết với bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu (sáng tác Nguyễn Đức Toàn), đã giành lấy ngôi vị cao nhất tại Tiếng hát truyền hình TP.Hồ Chí Minh, cuộc thi có tiếng là chuẩn mực thanh nhạc khắt khe.
Thanh Thúy khi ấy chỉ mới 17 tuổi, chơi cờ vua rất giỏi, là con gái của một sĩ quan quân đội, mẹ là thanh niên xung phong. Sắc vóc và giọng hát đẹp của Thanh Thúy khiến ai nấy đều tin cô sẽ nối gót người đoạt giải trước đó là Thu Minh, bước vào cánh cửa vừa mở ra sau cuộc thi, dẫn cô tới các sân khấu nhạc nhẹ đang bừng nở. Nhất là sau đó, cô lại tiếp tục giành giải nhất của Tiếng hát truyền hình toàn quốc, tiền thân của giải Sao Mai sau này.
Nhưng ở trường hợp của Thanh Thúy, con đường âm nhạc có phần đặc biệt hơn, khi một mặt, truyền thống gia đình đã định sẵn cho cô con đường trở thành “người nhà nước” với thu nhập công chức ổn định. Mặt khác, như cô nói “con gái tuổi Tỵ thường lì lợm, tự tin và làm những gì mình thích”, cô đã từng muốn bứt phá đi vào thế giới sôi động của phòng trà và dòng nhạc trẻ, nhạc thời trang đang thống trị.
Nhưng chính trong con đường lựa chọn theo mong muốn của cha mẹ là gia nhập Đoàn văn công Quân khu 7, cô lại tìm được chính mình trong niềm hãnh diện vì “chất lính” thừa hưởng từ gia đình và trong sự đón nhận của khán giả khắp nơi dành cho tiếng hát của cô. Nói về Thanh Thúy, ca sĩ Quang Linh chia sẻ anh rất khâm phục sự mạnh mẽ ở cô vì sự thủy chung với dòng nhạc truyền thống dù có khi tiếng gọi của nhạc thị trường rất réo rắt. Điều đó có nghĩa sân khấu mà Thanh Thúy đứng hát không có vẻ lộng lẫy, lấp lánh đưa người ta hư ảo với danh vị ngôi sao, mà trái lại, thô mộc với vô vàn điều kiện khó khăn ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
* Dấu ấn 20 năm
Con đường ca hát mà Thanh Thúy đã xác lập ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước và theo đuổi không ngừng nghỉ, đến nay có thể nói đã đưa cô đến vị trí hàng đầu của dòng nhạc truyền thống cách mạng. Và nói như đạo diễn Vũ Thành Vinh, hát nhạc truyền thống cách mạng không ế sô như mọi người nghĩ, đặt lịch diễn với Thanh Thúy là không hề dễ. Kể từ khi nổi tiếng với hình ảnh chị Võ Thị Sáu trong âm nhạc lẫn trên màn ảnh đến nay, cô đã có thêm nhiều vai diễn và ca khúc khác ghi được dấu ấn.
Chỉ riêng trong âm nhạc, những ca khúc mà Thanh Thúy đã trình diễn gần như trải rộng khắp các thời kỳ và thể loại của dòng nhạc truyền thống. Cô có thể chuyển tải được những ca khúc đi từ âm hưởng hùng tráng, sôi động, như: Hát mãi khúc quân hành, Nổi lửa lên em, Cô gái mở đường, Bài ca người lính… đến âm hưởng trữ tình cách mạng giàu tình cảm, như: Bài ca bên cánh võng, Bài ca hy vọng, Gần lắm Trường Sa….
Thực tế, Thanh Thúy cũng từng thành công với dòng nhạc tình tự quê hương, và nếu ai đó để ý sẽ thấy cô có thể hát những bài mang âm hưởng dân ca của cả miền Nam lẫn miền Bắc. Đây sẽ là mảng ca khúc mà cô sẽ trình diễn bên cạnh dòng truyền thống cách mạng, trong liveshow ghi dấu ấn 20 năm ca hát vào tối 2-5 tới đây (được truyền hình trên VTV9 và một số kênh địa phương).
Một liveshow riêng cho dòng nhạc truyền thống cách mạng được cho là dễ khô khan nếu làm không khéo, không sinh động. Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình ngày 22-4, Thanh Thúy cho biết cô đang làm kỹ lưỡng mọi thứ từ âm nhạc tới sân khấu để chương trình biến thành chuỗi câu chuyện liên tục hấp dẫn người xem. Việc nghe lại Đồng đội theo phong cách acoustic, Tiếng chày trên sóc Bom Bo theo phong cách acapella… hẳn sẽ làm khán giả bất ngờ thú vị khi thấy nhạc truyền thống không hề khô khan như vẫn nghĩ, mà ngược lại, vẫn mới mẻ nếu biết cách làm phù hợp.
Trần Nhật Nam