Ông bà mình dạy: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Lời dạy này hàm nghĩa: Cẩn trọng khi phát ngôn. Vì sao phải dạy như vậy? Theo quan niệm của ông bà, trong ứng xử hàng ngày, việc phát ngôn rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến người khác.
Ông bà mình dạy: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Lời dạy này hàm nghĩa: Cẩn trọng khi phát ngôn. Vì sao phải dạy như vậy? Theo quan niệm của ông bà, trong ứng xử hàng ngày, việc phát ngôn rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến người khác.
Nói, là một trong những kỹ năng phải học từ lúc vỡ lòng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Phát ngôn không chỉ là việc truyền tin, còn là nghệ thuật giao tiếp: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Tối kỵ việc buông lời xấu cho người khác: “Ngậm máu phun người trước dơ miệng mình”. Nói sai có thể gây hậu quả nghiêm trọng: “Lời nói đọi máu”. Khi nói, phải có trách nhiệm rõ ràng, trong sáng, tránh nói lửng lơ dẫn người ta đến tâm lý lo âu, hiểu sai lạc: “Trách ai ăn nói lưng chừng. Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Có lẽ, đó là lý do vì sao con người ta có hai con mắt để nhìn cho kỹ, hai cái tai để nghe cho rõ, hai lỗ mũi để cảm nhận cho đúng mà chỉ có một cái miệng để nói.
Ngày xưa, việc nói năng bằng truyền khẩu là chính. Lời nói gió bay mà còn phải cẩn trọng như vậy, huống hồ ngày nay công nghệ nói năng mở rộng, nào nét, nào blog, nào face thuận tiện cho các “anh hùng bàn phím” xuất chiêu.
Các chiêu bài của anh hùng bàn phím thường mặc áo “tự do ngôn luận”. Tự do ngôn luận là phẩm chất của nền dân chủ thời nay. Nhưng phải hiểu cho đúng, “ngôn luận” đi liền với “tự do” phải theo tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc: Tự do của người này không được xúc phạm, xâm hại tự do của cộng đồng và của người khác.
Vậy nên, khi nói cần phải cẩn trọng uốn lưỡi bảy lần. Khi buông ngón bấm phím lướt web, ắt cũng phải như vậy.
Trực Tử