Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi sỉ nhục là môn "thể thao đổ máu"

11:04, 10/04/2015

Sau gần 20 năm sống ẩn dật, cô Monica Lewinsky lên tiếng kêu gọi ngăn chặn sự sỉ nhục công khai trên mạng, mà cô ví von như là "môn thể thao đổ máu".

Sau gần 20 năm sống ẩn dật, cô Monica Lewinsky lên tiếng kêu gọi ngăn chặn sự sỉ nhục công khai trên mạng, mà cô ví von như là “môn thể thao đổ máu”.

Bài thuyết trình có tên “Cái giá của sự hổ thẹn” của Lewinsky, vốn đã diễn ra hôm 19-3 ở Canada. Trong tuần qua, nó bỗng dội về Việt Nam cùng lúc với sự kiện ca sĩ trẻ Sơn Tùng bị lên án vì làm MV có hình ảnh nhân vật mang tính gợi ý, giễu nhại và xúc phạm đến hai bậc đàn anh và cha chú đi trước.

Hình ảnh trong MV mà Sơn Tùng và ê kíp đã phải thu hồi sau phản ứng của dư luận.
Hình ảnh trong MV mà Sơn Tùng và ê kíp đã phải thu hồi sau phản ứng của dư luận.

Chuyện của chàng ca sĩ bị tai tiếng đạo nhạc và chuyện của cựu nữ thực tập sinh Nhà Trắng từng vướng vào bê bối tình ái với tổng thống đương nhiệm hồi năm 1995, thực tế chẳng liên quan gì nhau. Sai lầm của họ dĩ nhiên được truyền thông đại chúng khai thác triệt để ở các cấp độ khác nhau nhằm giải quyết canh bạc “câu view”. Mà nói như mô tả của Lewinsky: “Ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ. Nhưng nó lại đo được lợi nhuận của những người săn tìm. Họ kiếm tiền bằng những click chuột. Càng nhiều hổ thẹn thì càng nhiều click chuột. Càng nhiều click thì càng nhiều tiền quảng cáo”.

Nhưng cú vấp ngã khi tuổi đời chỉ mới ngoài đôi mươi lại có thể khiến cả hai chia sẻ chung sự tổn thương sâu sắc. Mà cách phản ứng của mỗi người hoặc đẩy câu chuyện đi quá xa, hoặc để khép lại như tất cả những bài học mà bất cứ ai cũng phải trả giá cho sự trưởng thành. Như đã biết, Lewinsky chọn cách lui về trong im lặng, để hôm nay ở vào tuổi 42, khi đã cảm thấy đủ mạnh mẽ đối diện với quá khứ, cô muốn trở thành người đi truyền thông điệp, chống lại điều mà cô gọi là “văn hóa sỉ nhục, một môn “thể thao đổ máu” đã từng dẫn tới nhiều vụ tự vẫn đáng tiếc. Nói nôm na ở Việt Nam là “ném đá tập thể”.

Chuyện của Sơn Tùng có phần ngược lại. Khi làm MV “đá xéo” một đồng nghiệp đàn anh và một bậc cha chú từng chỉ trích vụ đạo nhạc, hẳn anh đã diễn giải những lời góp ý là hành động “ném đá”. Bằng cách “ném” lại thay vì cầu thị tiếp thu, anh đã chủ động biến câu chuyện thành trò chơi “sát thương” mạo hiểm, đẩy bản thân vào nguy cơ bị sỉ nhục công khai trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Việc thu hồi lại MV một khi nó đã phát tán trên mạng là điều không thể, nên có thể xem đây thuần túy là tuyên bố “chữa cháy”. Và may mắn hơn, anh đã biết dừng lại. Lời đáp trả thuyết phục duy nhất với anh lúc này, không gì hơn là có thêm sáng tác hay để thực sự khẳng định mình và xua tan những nghi ngờ về tài năng của mình.

Nam Vũ

 

 

Tin xem nhiều