Dọc đê sông Cái ở kinh đô Thăng Long xưa có rất nhiều cây muỗm. Nhân buổi thiết triều, vua Trần Thái Tông thết đãi quần thần một bữa muỗm.
Dọc đê sông Cái ở kinh đô Thăng Long xưa có rất nhiều cây muỗm. Nhân buổi thiết triều, vua Trần Thái Tông thết đãi quần thần một bữa muỗm. Nội quan chia muỗm, sót một người, đó là viên quan tiểu hiệu Hoàng Cự Đà. Muỗm ngoài chợ không thiếu, nhưng đây là lộc vua ban, “miếng giữa đàng hơn sàng xó bếp”. Hoàng Cự Đà không nói năng gì, ôm mặt buồn ra về.
Quân Nguyên xâm lược, vua Trần kéo quân ra trận. Thái tử Hoảng cùng Quốc mẫu và gia quyến phải rời kinh thành, lánh giặc. Thuyền xuôi miệt Lý Nhân, Hà Nam, gặp Hoàng Cự Đà đang đi trên thuyền ngược chiều. Cự Đà tránh sang bờ khác. Thái tử Hoảng cho quân gọi loa hỏi xem quân giặc đã đến đâu. Cự Đà cum tay làm loa miệng, trả lời: “Đi mà hỏi bọn ăn muỗm ấy!”.
Tết Mậu Ngọ (năm 1258), quân Trần thắng trận, ca khúc khải hoàn, vua xét công khen thưởng, luận tội xử phạt. Có người đề nghị khép tội Hoàng Cự Đà. Tội quá rõ, quá nặng! Vua Trần ôn tồn: “Hoàng Cự Đà tội đáng chết. Nhưng lỗi tại ta, chia lộc nước mà đã chia không phân minh”. Rồi vua tha tội Hoàng Cự Đà, cho sung quân để lập công chuộc tội.
Chẳng biết Hoàng Cự Đà có lập được công cán gì không, nhưng vụ phán xét Hoàng Cự Đà của vua Trần đã để lại bài học trong dựng nước và giữ nước: Khen thưởng công minh, luận tội nhân văn, hành xử độ lượng!
Trực Tử