Càng gần đến ngày biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng Văn miếu Trấn Biên tròn 300 tuổi, không khí và cường độ luyện tập của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai và Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai càng trở nên hối hả, khẩn trương hơn bao giờ hết.
Càng gần đến ngày biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng Văn miếu Trấn Biên tròn 300 tuổi, không khí và cường độ luyện tập của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai và Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai càng trở nên hối hả, khẩn trương hơn bao giờ hết.
Các diễn viên đang tập luyện cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 300 năm Văn miếu Trấn Biên. |
Tất cả cố gắng mang đến một chương trình nghệ thuật đặc sắc cho khán giả trong ngày lễ trọng đại này của tỉnh nhà. Đó còn là một việc làm thể hiện tấm lòng của những người làm nghệ thuật đối với các bậc tiền nhân có công với dân, với nước.
* Một chương trình nghệ thuật đặc sắc
Theo NSND Giang Mạnh Hà, Tổng đạo diễn chương trình lễ kỷ niệm 300 năm Văn miếu Trấn Biên, ngoài phần nghi thức lễ kỷ niệm, trong tối 21-3 còn có thêm chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện quá trình hình thành và phát triển của Văn miếu Trấn Biên trong suốt chiều dài lịch sử 300 năm.
Trong thời lượng 45 phút, nhân dân trong và ngoài tỉnh sẽ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật phản ánh 3 nội dung chính. Phần đầu tiên là Xây dựng văn miếu tập trung miêu tả nguyên nhân, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng văn miếu và sự đồng tâm của triều đình nhà Nguyễn với các tầng lớp nhân dân trong quá trình dựng xây công trình văn hóa này.
NSND Giang Mạnh Hà cho biết: Tất cả các thành viên từ đạo diễn, diễn viên, ca sĩ cho đến hậu đài sân khấu đều ý thức được đây là một sự kiện văn hóa trọng đại. Ở đó, người nghệ sĩ không chỉ biểu diễn góp vui cho khán giả mà còn thể hiện tấm lòng, đem tài hoa của mỗi người dâng lên các bậc tiền nhân có công với dân với nước. Khi nghệ sĩ thấu hiểu được ý nghĩa này thì tất cả đều nỗ lực luyện tập để cống hiến một chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang lại ấn tượng với người xem. |
Phần tiếp theo Ngọn lửa hung tàn là câu chuyện lịch sử buồn đối với Văn miếu Trấn Biên diễn ra vào năm 1861 khi nơi đây bị phá bỏ, thiêu rụi.
Phần thứ ba Phục dựng Văn miếu Trấn Biên, vinh danh hiền tài diễn tả quá trình xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên trên nền móng cũ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai vào năm 1998, khắc họa đậm nét vai trò của Văn miếu Trấn Biên trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đồng Nai, là địa điểm tham quan thu hút khách du lịch gần xa.
Bên cạnh việc đầu tư vào kịch bản, nội dung nghệ thuật, NSND Giang Mạnh Hà cũng cho hay, việc thiết kế trang phục, đạo cụ biểu diễn cũng được ban tổ chức tính toán kỹ lưỡng. Ban tổ chức đã “đặt hàng” cũng như tham gia góp ý chỉnh sửa cùng các nhà chuyên môn để thiết kế hàng chục kiểu trang phục cho các diễn viên trong từng vai diễn (vua, quan văn, quan võ, lính hầu, nông dân, thương nhân, lính Pháp…) sao cho phù hợp với từng thời kỳ, đặc điểm của lịch sử.
* Nỗ lực luyện tập
Để thực hiện chương trình nghệ thuật này, ban tổ chức đã huy động toàn bộ lực lượng ca sĩ, diễn viên của cả 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh, cộng thêm một số cộng tác viên với tổng số hơn 100 thành viên. Việc luyện tập được tiến hành cao độ mỗi ngày 3 buổi: sáng từ 8 đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 đến gần 16 giờ 30 và buổi tối từ 18 đến 21 giờ.
Có dịp được ngồi xem các diễn viên, ca sĩ luyện tập từng động tác theo hướng dẫn của đạo diễn với gương mặt và quần áo ướt đẫm mồ hôi mới thấy hết sự khó nhọc và vất vả của các diễn viên. Nghệ sĩ Phương Trang (Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai) cho hay: “Các vở diễn, chương trình ca múa nhạc thường chỉ tập 1 buổi, nhiều lắm là 2 buổi/ngày, nay tập 3 buổi/ngày, mọi người đều rất mệt. Tuy vất vả nhưng ai cũng vui vì được tham gia diễn xuất trong một chương trính ý nghĩa”. Còn Nguyễn Sơn, nam nghệ sĩ múa của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, chia sẻ: “Tôi cũng như các thành viên khác cảm thấy thật sự may mắn khi được tham gia luyện tập để biểu diễn trong sự kiện đánh dấu 300 năm của Văn miếu Trấn Biên. Vậy nên, tuy là ở 2 đoàn nghệ thuật có phong cách và sở trường biểu diễn nghệ thuật khác nhau nhưng tất cả đều tìm được sự đồng thuận, ráp nối ăn ý và tham gia luyện tập tích cực”.
Văn Truyên