Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều điểm đến trong mùa lễ hội

08:02, 28/02/2015

Đầu xuân đi lễ ở đình, đền và chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Trong đó, nhiều đình, đền, chùa ở Đồng Nai đã trở thành lựa chọn dừng chân không thể thiếu của du khách mùa lễ hội.

Đầu xuân đi lễ ở đình, đền và chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Trong đó, nhiều đình, đền, chùa ở Đồng Nai đã trở thành lựa chọn dừng chân không thể thiếu của du khách mùa lễ hội.

Người dân đến dâng hương tại chùa Long Hưng (huyện Trảng Bom) trong dịp tết.
Người dân đến dâng hương tại chùa Long Hưng (huyện Trảng Bom) trong dịp tết.

Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 204 đình, đền dân gian cùng hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Mỗi năm các đình, đền dân gian cùng những ngôi chùa lớn nhỏ đón hàng trăm ngàn lượt khách đến du xuân, cầu mong bình an trong năm mới.

* Nhiều điểm đến hấp dẫn

Là địa phương có mật độ các đình, miếu và chùa được đánh giá là nhiều nhất tỉnh, do vậy TP.Biên Hòa là nơi được nhiều du khách thập phương tìm về trong mùa lễ hội đầu năm. Trong số những địa điểm được du khách tìm đến tham quan, dâng hương phải kể đến 3 ngôi chùa cổ xuất hiện lâu đời và sớm nhất trong tỉnh, gồm: chùa Long Thiền, chùa Đại Giác và chùa Bửu Long.

Theo ông Lương Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, khi đến các địa điểm đình, đền, chùa trong mùa lễ hội đầu năm, du khách không nên tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan, bói toán, mua các loại văn hóa phẩm bị cấm. Khi có dấu hiệu bị chặt chém, làm giá du khách nên báo ngay cho các cơ quan chức năng, ban quý tế, ban quản lý tại các nơi mình đến tham quan để được bảo vệ quyền lợi.

Theo ông Lương Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, năm 2013 được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Ban trị sự Thất phủ cổ miếu (chùa Ông) đã tổ chức lễ hội chùa Ông lần thứ nhất. Năm 2015 là lần tổ chức lễ hội thứ 3 của di tích này và đây cũng là di tích đầu tiên có tổ chức lễ hội của tỉnh. Lễ hội chùa Ông năm nay sẽ kéo dài trong 3 ngày: từ ngày 28-2 đến ngày 2-3 (tức là từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng) với các hoạt động phong phú, như: dâng hương lên các vị thần linh để cầu mong mưa thuận gió hòa, biểu diễn lân - sư - rồng, thả đèn hoa đăng trên sông Đồng Nai...

Ngoài TP.Biên Hòa, nhiều đình, đền và chùa ở các địa phương khác trong tỉnh cũng thu hút một lượng không nhỏ du khách tìm đến tham quan, như: cụm di tích cấp tỉnh đình Xuân Lộc, chùa Xuân Hòa (phường Xuân An), chùa Long Thới (xã Hàng Gòn) ở TX.Long Khánh; chùa Bảo Ân (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc), thiền viện Thường Chiếu (huyện Long Thành), đình Long Chiến, đình Tân Huệ (huyện Vĩnh Cửu)… và đặc biệt là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc).

* Sẵn sàng đón khách

Để có thể đáp ứng nhu cầu tham quan, dâng hương tăng cao đột biến mùa lễ hội đầu năm, ban quý tế, ban quản lý, ban hộ tự các đình, đền, chùa trong tỉnh đã chuẩn bị khá kỹ khâu tổ chức, trong đó đặc biệt chú trọng các công trình phụ. Theo ông Lâm Văn Lang, Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), để có thêm chỗ nghỉ chân cho du khách khi đến dâng hương trong dịp tết và rằm tháng Giêng, ngay từ cuối năm 2014, ban quý tế đình đã xây dựng thêm một nhà vòm, kê thêm bàn ghế. Bên cạnh đó, ban quý tế còn tiến hành sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh nhằm đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho du khách. Đặc biệt, nếu du khách nào có nhu cầu nghỉ lại qua đêm, ban quý tế đình sẽ hỗ trợ địa điểm lưu trú.

Ông Lâm Văn Lang, Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), cho biết: “Khi đến với các di tích đình, đền, chùa trong tỉnh nói chung và tại đình Tân Lân nói riêng, du khách chỉ nên thắp từ 1 - 3 cây nhang để hạn chế khói, làm như vậy vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và những người xung quanh vừa tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, những du khách có phát tâm cúng tiền công đức nên bỏ tiền vào các thùng công đức được đặt tại di tích, tránh tình trạng nhét tiền vào tượng, bát nhang, bình hoa gây mất mỹ quan, phản văn hóa tại di tích”.

Ở đình Bình Quan (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), theo ông Trịnh Văn Ngai, thành viên ban quý tế và là người phụ trách trông coi đình, ban quý tế đình đã vận động xây dựng một công trình phụ là nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật với lối lên xuống cho xe lăn, tay vịn nhằm giúp người khuyết tật khi đến với đình thuận lợi hơn...

Riêng tại 2 di tích cấp quốc gia có số lượng du khách đông trong mùa lễ hội hàng năm là di tích danh thắng núi Chứa Chan và chùa Ông, chính quyền địa phương còn phối hợp với ban quản lý tại 2 di tích này thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Theo ông Bùi Tấn Trước, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng núi Chứa Chan, để tạo lối đi thông thoáng từ chân núi lên đến chùa Bửu Quang (đây là địa điểm thu hút khách thập phương tìm đến sinh hoạt tâm linh), ban quản lý di tích đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giải tỏa các trường hợp xây dựng trái phép cũng như việc buôn bán mất trật tự trên đất di tích, nhất là tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách. Đồng thời lực lượng chức năng tăng cường nhắc nhở những người tổ chức bãi giữ xe không tự ý nâng giá vé.

Còn tại di tích chùa Ông, do đây là lễ hội cấp tỉnh nên từ nhiều tháng trước khi diễn ra sự kiện này, các cơ quan ban, ngành của tỉnh đã họp bàn cùng Ban trị sự Thất phủ cổ miếu để cùng xây dựng kế hoạch chi tiết và phân công nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, nạn chặt chém tại đây.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều