Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn nghệ đối diện với đạo đức xuống cấp

11:11, 14/11/2014

Cuộc hội thảo quy mô toàn quốc - do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức trong tuần qua - gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trong văn nghệ.

Cuộc hội thảo quy mô toàn quốc - do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức trong tuần qua - gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức trong văn nghệ.

Gần 100 tham luận góp vào cuộc bàn luận, diễn ra ngày 11 và 12-11 tại TP.Hồ Chí Minh, được xem là cao nhất trong các lần hội thảo cùng chủ đề do hội đồng tổ chức. Đó là tiếng nói tâm huyết từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, văn nghệ sĩ và nhà báo. Nếu đóng lại thành tập sách A4, độ dày các tham luận sẽ lên tới gần 800 trang.

* Hiện thực phức tạp

Ở góc nhìn đạo đức như là đối tượng phản ánh, các ý kiến có chung nhận định nền văn nghệ đang đứng trước một hiện thực xã hội rất phức tạp với sự đan xen các yếu tố tích cực lẫn tiêu cực của đổi mới và kinh tế thị trường. Chúng là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo, đồng thời cũng là thách thức để trọn vẹn thiên chức “văn dĩ tải đạo”, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Câu hỏi đặt ra: đứng trước những cái xấu, cái ác làm xói mòn niềm tin vào điều tốt đẹp, văn học - nghệ thuật đã góp gì để ngăn chặn sự xuống cấp?

Bụi đời chợ Lớn, bộ phim Việt bị Hội đồng duyệt phim cấm chiếu vì nội dung bạo lực. ảnh: GALAXY
Bụi đời chợ Lớn, bộ phim Việt bị Hội đồng duyệt phim cấm chiếu vì nội dung bạo lực. ảnh: GALAXY

TS.Nguyễn Hữu Nguyên, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), cho rằng dù có sự phân hóa về xu hướng, nhưng nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật vẫn kiên trì đeo bám các chủ đề truyền thống, ca ngợi lịch sử, cũng như phản ánh cuộc đấu tranh chống tội phạm, chống tham nhũng và làm sáng rõ những “vùng tối” về đạo đức. Trong xu hướng này có những bộ phim điển hình, như: Ma làng, Bí thư Tỉnh ủy, Chạy án, Chủ tịch tỉnh, Gió làng Kình. Nhiều tác giả đương thời trên địa hạt văn chương, kịch nghệ hay mỹ thuật cũng không ngần ngại đề cập trực diện đến tiêu cực xã hội, khoan sâu vào những đề tài phi đạo đức: ích kỷ, phản trắc, cưỡng đoạt…

Nhưng nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, điểm sáng còn quá ít ỏi trong bối cảnh một bộ phận văn nghệ sĩ làm văn nghệ theo lối “ăn xổi ở thì”, không đi tìm sáng tạo tác phẩm lớn mà bám vào những đề tài giật gân, câu khách, đầy bạo phát bạo tàn. Kết quả, hiện thực được phản ánh hôm nay thường nghiêng hẳn về đề tài cuộc sống người thành thị với những chuyện làm ăn mánh mung, tình ái éo le, xe hơi, nhà lầu…

Riêng trên lĩnh vực phim ảnh, PGS. TS Trần Luân Kim cho rằng những nhân tố đạo đức thường bị hạ thấp, vì lý do tác giả thiếu ý thức tập trung xây dựng chủ đề một cách nghiêm túc, đúng đắn; không phân rõ đúng sai, thiện ác một cách rạch ròi, tinh tế qua các thủ pháp biểu hiện. Đồng thời, chưa cân bằng hữu hiệu tác dụng thuyết phục nghệ thuật giữa hai loại nhân vật chính diện và phản diện trong quá trình xử lý tâm lý cũng như hành động, thường để cái xấu lấn át nhằm tô đậm xung đột, chiều theo thị hiếu lệch lạc bằng sex và bạo lực. Ông cũng chỉ ra hiện tượng này ở âm nhạc, qua vấn nạn nhạc “rác” với lời ca ngô nghê, lủng củng, sáo rỗng, thậm chí gây sốc kiểu “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ. Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi”.

* Nén bạc “đâm toạc” đạo đức

Nhưng mặt khác, đạo đức trong hoạt động sáng tạo văn nghệ cũng được bàn luận tại hội thảo như khía cạnh không thể tách rời, nhất là khi nó chi phối cái nhìn của người làm văn nghệ đối với đạo đức xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng sự bất lực, không thể tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, đủ sức nâng đỡ, cứu rỗi con người… đã nằm sẵn ngay trong người sáng tạo thuần túy dùng văn nghệ làm bệ phóng đẩy mình vào bầu trời danh vọng và cuộc sống xa hoa.

Nhà báo Phan Quang: Qua kinh nghiệm nước ngoài, người sáng tạo và tổ chức công bố sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng, nếu vi phạm sẽ bị chế tài theo 3 mặt: hành chính, tư pháp và đạo đức. Tác phẩm bị nhà chức trách coi là “có vấn đề”, và sau khi xem xét có thể bị xử lý bằng một hoặc nhiều biện pháp hành chính: cấm bán cho trẻ em, cấm quảng cáo, cấm trưng bày, trường hợp đặc biệt cấm lưu hành.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm ở Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh lên tiếng cảnh báo xu hướng những người không có thực tài và cống hiến, nhưng thèm khát có được tên tuổi đã tạo những “scandal”, cú sốc, sự kiện để nổi tiếng. Sự bất chấp trong tham vọng đã dẫn đến tình trạng sao chép, ăn cắp các ý tưởng ở hầu khắp các lĩnh vực âm nhạc, kiến trúc, nhiếp ảnh, hội họa và… ở cả các công trình lý luận phê bình.

Bà Liêm đặt vấn đề, nếu lối sống và cách ứng xử ngay cả khi vô trách nhiệm chăng nữa, cũng là quyền của những người nổi tiếng. Nhưng khi những hành vi của họ gây ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hệ quả nhãn tiền là sự tôn trọng mà công chúng dành cho nghệ sĩ đang ngày một kém đi, bởi quá nhiều trường hợp “cưỡng ép” dư luận phải ồn ào về họ vì những trò tung hê chuyện đời tư, mối quan hệ tình cảm, cho tới khoe của, khoe thân.

Nam Vũ

 

 

Tin xem nhiều